Tiền nhàn rỗi nên đầu tư vào đâu?

Bích Thủy - 28/05/2020 10:35 (GMT+7)

(VNF) - So với 2 tháng trước, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã giảm, chỉ còn dao động trong khoảng 6,8-7,2%/năm. Giá vàng lại đang đứng ở mức cao 48-49 triệu đồng/lượng và cơ hội tăng giá không rõ ràng. Tỉ giá USD khá ổn định. Những người đang có khoản tiền nhàn rỗi từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng đang rất băn khoăn không biết nên đầu tư vào đâu để sinh lãi.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Lãi suất ngân hàng giảm nhẹ

Nhìn chung, lãi suất tiết kiệm tháng 5/2020 có khá nhiều biến động trái chiều so với tháng trước. Cụ thể, tất cả các ngân hàng hiện tại đều điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn. Mức gửi lãi suất gửi tiết kiệm tháng 5/2020 cao nhất vẫn thuộc về 3 ngân hàng là Eximbank (8,4% kỳ hạn 24 tháng), PVCombank 7,99%/năm kỳ hạn 24 tháng, Ngân hàng Bản Việt – Viet Capital Bank với lãi suất lên tới 8,1%/năm cho kỳ hạn gửi 24 tháng. Khi thay đổi về lãi suất, để thu hút khách hàng gửi tiền, các ngân hàng tung ra nhiều các chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn như miễn giảm phí dịch vụ cho khách hàng, tặng quà, phiếu (voucher) giảm giá.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2020, toàn hệ thống ngân hàng có tới 90,84 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tăng hơn 2,3 triệu tài khoản so với quý IV/2019. Tuy nhiên, tổng số dư trong các tài khoản này đã giảm từ 499.721 tỷ đồng còn 476.523 tỷ đồng, tương đương 4,64%.

Đây cũng là quý giảm đầu tiên sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp, cũng là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Lần giảm gần nhất vào quý III/2018, mức giảm số dư tiền gửi thanh toán chỉ là hơn 5.300 tỷ đồng.

Trước đây, số dư tiền gửi bình quân liên tục tăng trong năm 2018 đến cuối 2019, từ 4,7 triệu đồng lên tới 5,6 triệu đồng/tài khoản. Hiện số dư tiền gửi bình quân trên mỗi tài khoản thanh toán cá nhân chỉ còn 5,2 triệu đồng.

Theo lý giải của giới tài chính, kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nguồn tiền nhàn rỗi cá nhân theo đó cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, số lượng tiền gửi không kỳ hạn nói chung tại các ngân hàng cũng sụt giảm mạnh. Có 19/23 ngân hàng giảm cả giá trị và tỷ trọng trong cơ cấu tiền gửi của khách hàng.

BIDV và MBBank là hai ngân hàng có số dư tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh trong quý I/2020 vừa qua, đều trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó BIDV là 157.764 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, MBBank là 71.853 tỷ đồng, giảm 22%.

Các ngân hàng thuộc nhóm đầu cũng cùng cảnh ngộ. Vietcombank giảm hơn 18.700 tỷ đồng (7%), Vietinbank giảm hơn 18.500 tỷ đồng (13%). Techcombank, Sacombank, ACB, LienVietPostBank… đều giảm hàng ngàn tỷ đồng trong quý vừa qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng giảm là do lượng lớn doanh nghiệp đã rút tiền gửi trong những tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 2/2020, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 3,77 triệu tỷ đồng, giảm 190 ngàn tỷ đồng (giảm 4,8%), trong khi cùng kỳ năm trước chỉ giảm 1,87%.

Rủi ro kiếm lãi từ vàng khi thị trường trong nước không liên thông thế giới

Giá vàng giao dịch trên thị trường thế giới đã vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce vào tháng 5/2020. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn thế giới, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Chính phủ các nước phải đưa ra nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế... Tuy nhiên, chưa ai khẳng định được dịch bệnh bao giờ kết thúc tại Mỹ và trên thế giới. Đây là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng.

Từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã tăng khoảng 17-18%, trong khi cả năm 2019 mới tăng 18%. Dịch bệnh khiến kinh tế suy giảm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân, nền kinh tế. Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ USD cuối tháng 3/2020 để cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhiều người xem vàng là một đồng tiền quốc tế và thanh khoản luôn cao. Trong trung và dài hạn, giá vàng vẫn là một hầm trú ẩn an toàn và có cơ hội tăng giá lớn. Dự báo giá vàng sẽ còn tăng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Giá vàng tại thời điểm đầu năm 2019 là hơn 1.286 USD/ounce và đến cuối năm 2019 tăng lên trên 1.510 USD/ounce. Với danh mục đầu tư vàng, nhà đầu tư đã thu được tỷ suất đầu tư 17,45%/năm (gấp hai lần so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng). Khả năng sinh lời của vàng càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế bất ổn hiện nay, khi mà giới đầu tư đổ xô đi tìm tài sản trú ẩn an toàn. Đó là lý do khiến giá vàng tăng mạnh, đỉnh điểm có lúc tăng hơn 10% chỉ trong 2 tháng.

Theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ đầu tư đã mua vàng không có nhu cầu bán ra trong thời gian tới. Như vậy, không cần đến động thái mua vào của các quỹ đầu tư mà việc họ không bán ra cũng là yếu tố tác động tích cực lên giá vàng.

Điều đáng chú ý là thị trường vàng trong nước hiện không liên thông với thị trường thế giới. Nhà đầu tư cũng không được mua vàng tài khoản như trên thế giới. Vì vậy các thời điểm chốt lại ăn theo thị trường thế giới có thể bị chậm nhịp, hoặc bị mất cơ hội khi giá vàng trong nước không theo giá vàng thế giới.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.