Chuyên gia WB: ‘Việt Nam cần có chiến lược chủ động thu hút nhà đầu tư Trung Quốc’
Vĩnh Chi -
29/09/2020 15:35 (GMT+7)
(VNF) - Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Victoria Kwakwa, đã khuyến nghị như vậy tại diễn đàn thường niên về "Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020" tổ chức hôm nay (29/9).
Theo bà Kwakwa, dù là một trong những nước có nền kinh tế mở nhất thế giới, Việt Nam vẫn rất hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. So với các nước trong khu vực, Việt Nam thua Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
“Năm 2018, Việt Nam tạo ra 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia chuỗi, xếp thứ 55/174 quốc gia, chưa bằng 1/4 của Philippines (84,8 tỷ USD, xếp thứ 34). Nói vậy để thấy Việt Nam đang tiến bước nhưng vẫn còn đi sau các nước rất nhiều”, bà Kwakwa nói.
Bà Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là tham gia vào các công đoạn tinh xảo. “Cứ 1% tăng lên trong việc tham gia chuỗi giá trị, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng hơn 1%”, bà nói thêm.
Theo bà, để phục hồi nhanh và tranh thủ các cơ hội mới xuất hiện, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp, trước mắt là ngăn chặn dịch bệnh, nới lỏng các hạn chế với đầu tư nước ngoài (FDI) và các lĩnh vực kinh doanh của FDI.
Trong trung hạn, Việt Nam cần chủ động hướng vào và thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, tạo điều kiện cho liên kết giữa FDI và các doanh nghiệp nội, xem xét lại chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Góp thêm tiếng nói tại diễn đàn, ông Jacques Marisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Cụ thể, Covid-19 tạo ra sự gián đoạn của chuỗi cung ứng nhưng cũng có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng này đã xuất hiện từ trước dịch Covid-19 do chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc và thương chiến Mỹ - Trung.
Bên cạnh đó, thành công lớn của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch là công cụ quảng bá tốt nhất cho việc nền kinh tế đã hoạt động trở lại. Ngoài ra, nhận thức mới về mức độ cấp thiết có thể giúp đẩy nhanh các cải cách trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực số hóa và cải thiện môi trường kinh doanh, điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.
Một yếu tố khác là các hiệp định thương mại khu vực mở ra cơ hội mới trong khi các nơi khác rào cản đang tăng lên.
“Việt Nam là quốc gia thông minh vì đã tận dụng các lợi thế của mình để làm tốt hơn”, ông Jacques nói.
Theo ông Jacques Marisset, điểm mạnh của Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, trước đại dịch là điểm đến FDI có sức hút (dòng vốn FDI nhiều hơn Malaysia và Thái Lan 2% GDP, các chuỗi giá trị toàn cầu chiếm 65% giao dịch thương mại), các sản phẩm chế biến – chế tạo là nền tảng xuất khẩu vững chắc.
Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là mức độ nội địa hóa thấp và có xu hướng giảm theo thời gian, thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc. Bên cạnh đó là việc tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp.
“4 sản phẩm hàng đầu gồm dệt may, điện tử, hóa chất, kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu; 4 thị trường lớn nhất gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ chiếm 60% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu; 4 tập đoàn hàng đầu gồm Samsung, Foxcon, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị chế tạo toàn cầu”, ông Jacques chỉ ra.
Đến 2018, Việt Nam đã hội nhập các chuỗi giá trị toàn cầu song mức nội địa hóa còn thấp. Theo đó, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam là 301 tỷ USD nhưng mức độ nội địa hóa chỉ bằng 28% kim ngạch thương mại, trong khi Thái Lan là 36%, Trung Quốc là 46%, khu vực Đông Á là 49%.
Ông Jacques cho rằng Việt Nam cần thiết phải thay đổi chiến lược, bởi việc hội nhập trước đây là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cao cho lực lượng lao động đang tăng nhanh và Việt Nam đã rất thành công với 20 triệu việc làm. Tuy nhiên, sự đột phá về công nghệ đã làm giảm nhu cầu sử dụng lao động có kĩ năng thấp.
“Một nhà đầu tư tại Việt Nam trong 10 năm qua có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Còn trên toàn thế giới, từ đầu năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa”, ông Jacques dẫn chứng.
Ông cũng khuyến nghị Việt Nam phải thúc đẩy nội địa hóa bằng cách sử dụng nhiều nhà cung ứng và nhà phân phối nội địa hơn và tiến xa hơn trên chuỗi chuyển đổi để tạo ra những sản phẩm phức tạp hơn; đa dạng hóa vào các sản phẩm, thị trường và doanh nghiệp mới và bảo vệ vốn tài nguyên...
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.