San gạt núi đồi làm bãi tập kết than khổng lồ sát biên giới Việt - Lào
(VNF) - Gần đây, Công ty TNHH Nam Tiến đang huy động máy móc, nhân lực san gạt một khu vực rộng lớn giữa vùng núi rừng. Khu đất thuộc địa phận xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị (cách cửa khẩu La Lay khoảng 4,4km) làm bãi tập kết than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay.
- Quảng Trị đề xuất làm băng tải 160km đưa than đá từ Lào về Việt Nam 07/06/2023 02:12
Khu đất được Công ty TNHH Nam Tiến san lấp, mở rộng để làm bãi tập kết than đá từ Lào về này đang được doanh nghiệp làm hồ sơ, thủ tục pháp lý trình các cơ quan thẩm quyền thẩm định xin chấp thuận chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy”.
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamFinance, gần đây, trên khu đất trước đây UBND tỉnh Quảng Trị giao Công ty TNHH Thống Nhất làm điểm tập kết đất thải và phần đất rừng sản xuất của các hộ dân xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang được Công ty TNHH Nam Tiến (trụ sở đóng tại tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) huy động máy móc san đào, làm điểm tập kết than tạm.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, ngoài phần nhà xưởng, bãi đất cũ trước đây UBND tỉnh Quảng Trị cấp cho Công ty TNHH Thống Nhất làm bãi tập kết đá thải thì hiện nay, phần diện tích này được san lấp mở rộng lên hàng ngàn m2 làm điểm tập kết than đá...
Một cán bộ Công ty TNHH Nam Tiến phụ trách việc san lấp ở đây cho biết, khu đất này thuộc địa điểm dự kiến làm Dự án đầu tư băng tải vận chuyển than đá từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị.
Được biết, diện tích khu đất dự kiến làm dự án rộng khoảng 15ha, thuộc đất rừng sản xuất của hơn 10 hộ và đất một doanh nghiệp khác đã chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Nam Tiến làm bãi tập kết than đá từ Lào về Việt Nam.
“Hiện thủ tục chuyển nhượng đất giữa công ty với các hộ dân có đất đã được cơ bản thống nhất hoàn tất bàn giao để cho Công ty Nam Tiến làm dự án băng tải than...”, cán bộ Công ty Nam Tiến cho biết.
Ông Hồ Tất Điêng - một người dân địa phương cho biết, suốt nhiều tháng nay, doanh nghiệp không chỉ chở than từ nơi khác về chất đống tại khu vực mà còn huy động máy móc, đào dời đất san lấp cả một khu đất người dân trồng cây trước đây. “Nắng thì bụi than bay mù mịt, mưa thì nước than lẫn bùn đất chảy đen kịt xuống khe suối khiến người dân chúng tôi sống trong bất an...”.
Thông tin về việc doanh nghiệp triển khai san lấp, làm bãi tập kết than trên địa bàn, ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, khu đất doanh nghiệp làm bãi tập kết thuộc diện tích đất rừng sản xuất của các hộ dân và một doanh nghiệp cũ làm bãi tập kết đất thải bỏ hoang trước đây.
“Quá trình công ty TNHH Nam Tiến san lấp, làm bãi tập kết than đá từ Lào về đây doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép mở bãi tập kết, sang hạ tải hàng hoá tạm thời. Địa phương có thành lập đoàn kiểm tra và lập biên bản hiện trạng chứ không đủ thẩm quyền để kiểm tra, xử lý doanh nghiệp có triển khai đúng dự án hay không” – ông Hồ Tất Huấn thông tin.
Được biết, để thực hiện dự án Đầu tư băng tải vận chuyển than đá từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy, ngày 2/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã có công văn số 3874/UBND-KT, giao UBND huyện Đakrông và các Sở, ngành, các lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH Nam Tiến trong việc lưu thông hàng hoá, tránh ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 15D và quá trình nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng.
Nội dung công văn cho biết “ Ngày 21/7/2023, Công ty TNHH Nam Tiến có Tờ trình số 68TTr-NT về việc xin mở bãi tập kết, san hạ tải hàng hoá tạm thời, sau khi xem xét, UBND tỉnh Quảng Trị có ý kiến như sau:
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 658/TTg-KTTH ngày 18/7/2023 và chủ trương giao Công ty TNHH Nam Tiến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện ĐaKrông được UBND tỉnh chấp thuận tại văn bản số 3569/QĐUBND ngày 18/3/2013.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công ty trong việc lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Nam Tiến được tiến hành cùng lúc các thủ tục pháp lý đảm bảo tuân thủ theo quy định, đồng thời được mở bãi tập kết, san hạ tải hàng hóa tạm thời tại vị trí đang nghiên cứu khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa nêu trên...”.
Được biết, hiện nay, Công ty TNHH Nam Tiến đã tiến hành cùng lúc vừa làm các thủ tục pháp lý đảm bảo đầu tư dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị đồng thời được mở bãi tập kết, sang hạ tải hàng hóa tạm thời tại vị trí đang nghiên cứu khảo sát lập dự án.
Dự án đầu tư Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam được Chính phủ đồng ý tại nghị quyết số 04/NQ-CP. Dự án được đầu tư xây dựng trên 2 tỉnh giữa Việt Nam và Lào. Trong đó, có kho bãi hàng hóa tại Việt Nam thuộc xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cách cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) khoảng 4,4km; kho bãi hàng hóa (phía Việt Nam) dự kiến xây dựng trên diện tích 15ha gồm các công trình nhà kho kín chứa than, kho bãi ngoài trời, các công trình phục vụ như nhà xưởng sửa chữa, nhà văn phòng làm việc, nhà ở công nhân, nhà ăn, sân đường...
Đặc biệt, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.035m đi qua đường biên giới với điểm đầu tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Lào, phần băng tải nằm trên lãnh thổ Lào khoảng 100m. Điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam, phần băng tải nằm trên lãnh thổ Việt Nam có chiều dài khoảng 5,5km.
Dự án được thực hiện với nguồn đầu tư của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nam Tiến (trụ sở đóng tại Thái Nguyên) và Tập đoàn Phonesack (Lào). Đoạn trên lãnh thổ Việt Nam do Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất đầu tư, tổng vốn khoảng 1.840 tỷ đồng...
Bỏ vốn 8.000 tỷ làm băng tải xuyên biên giới, chuyển than từ Lào về Việt Nam
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.