‘Có chỗ, cứ có dự án đầu tư công là người ta nhẩm ra được sẽ mua nhà, mua xe ở đâu rồi’
Xuân Hải -
07/06/2019 15:59 (GMT+7)
(VNF) – TS Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng tỷ lệ thất thoát ở các dự án đầu tư công còn rất lớn. “Có chỗ, cứ có dự án đầu tư công là người ta nhẩm ngay ra được sẽ mua nhà, mua xe, mua biệt thự ở đâu rồi”.
Hôm 3/6, Quốc hội đã cho ý kiến bằng hệ thống điện tử về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Trong 3 nội dung được lấy ý kiến, Quốc hội đã thông qua 2 nội dung, duy nhất vấn đề thẩm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Quốc hội không đạt được thống nhất.
Tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), vấn đề này được trình bày thành 2 phương án.
Phương án 1 là Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Phương án 2 là Quốc hội chỉ quyết định tổng mức đầu tư, còn Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.
Hiểu một cách đơn giản: ở phương án 1, Quốc hội có quyền quyết định mọi thứ của kế hoạch đầu tư công trung hạn; còn ở phương án 2, Quốc hội phải “chia quyền” cho Chính phủ.
Việc cơ quan nào có quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu Quốc hội. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Hảo xung quanh vấn đề này.
- Trong hai phương án nêu trên, ông nghiêng về phương án nào?
TS Võ Trí Hảo: Thông lệ quốc tế là chuyển hết quyền về Quốc hội vì Quốc hội với vai trò là một cơ quan dân cử, sẽ phải làm hai việc: huy động tiền cho Chính phủ (bằng cách ban hành các luật liên quan đến thuế, phí) và quyết định việc chi tiền.
Người dân luôn đặt ra câu hỏi huy động tiền vào việc gì và sử dụng tiền như thế nào. Cơ quan lập pháp phải trả lời trước người dân và để trả lời thì họ phải giữ được quyền kiểm soát danh mục đầu tư.
Nhân dân sẵn sàng đóng thuế nếu việc chi dùng là hợp lý. Và Quốc hội cũng sẵn sàng huy động và duyệt một định mức chi ngân sách cao nhưng phải biết rõ ngân sách đó sử dụng vào việc gì. Không thể chia quyền quyết định danh mục đầu tư được. Tôi cho việc chia là không ổn, kỷ luật ngân sách sẽ khó kiểm soát.
- Quan điểm của Chính phủ là nếu giao toàn quyền cho Quốc hội thì Quốc hội có nguy cơ bị quá tải trong việc thẩm định, bởi số lượng dự án đầu tư công là rất lớn và mỗi năm Quốc hội chỉ họp có 2 kỳ?
Theo tôi, để giải quyết việc quá tải thì Quốc hội sẽ phải tin tưởng vào các cơ quan của mình như Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Kinh tế.
Còn về dài hạn thì thực tế trên đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa Quốc hội. Quốc hội phải hoạt động theo mô hình của thời bình chứ không thể duy trì mãi mô hình thời chiến được. Và vì vậy, phải giải quyết đồng bộ. Không nên tư duy rằng vì Quốc hội mô hình thời chiến, nghiệp dư chỉ được như thế nên phải giảm bớt quyền lực của Quốc hội.
Tôi nghĩ rằng để đảm bảo quyền lợi của người đóng thuế thì vẫn phải duy trì quyền lực đó của Quốc hội. Còn Quốc hội giải quyết câu chuyện đó thế nào thì đấy là việc của Quốc hội. Quốc hội phải giải bài toán chuyên nghiệp hóa của mình.
- Chính phủ cũng cho rằng nếu được Quốc hội chia quyền trong quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, Chính phủ sẽ có không gian nhiều hơn trong việc điều hành, ông nghĩ sao?
Nếu lo ngại rằng việc Quốc hội giữ quyền quyết định tuyệt đối sẽ ảnh hưởng đến sự linh hoạt của Chính phủ thì lại phải thiết kế ra các nguyên tắc khác, ví dụ chia nhỏ định mức, dự án có mức vốn bao nhiêu thì Chính phủ có quyền quyết định.
Hay đặt ra các thời hạn về thủ tục, ví dụ Chính phủ sẽ trình, Quốc hội mà không trả lời trong khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng thì mặc nhiên quyền đó thuộc về Chính phủ. Sự im lặng hoặc chậm trả lời được hiểu là đồng ý.
Rõ ràng vấn đề tổng mức tiền và tiêu tiền vào chuyện gì là hai việc gắn liền với nhau, không thể tách như thế được.
- Luật Đầu tư công như một chiếc phanh hãm chuyện đầu tư công tràn lan. Nhưng chiếc phanh này quá “ăn”, siết mạnh đến nỗi làm đình trệ các dự án. Nếu giao cho Chính phủ quyền quyết định danh mục đầu tư công, có lẽ sẽ giải quyết phần nào việc đình trệ đầu tư như hiện nay?
Chuyện tắc đầu tư công vì nhiều lý do. Nếu ta nhìn vào các đại án kinh tế đang xử lý, có thể thấy tỷ lệ thất thoát đầu tư công rất lớn. Và tỷ lệ thất thoát lớn có nghĩa là khả năng kiếm chác từ các dự án đầu tư công ở giai đoạn trước rất cao.
Như vậy, đôi chỗ, cứ thấy có dự án đầu tư công là người ta nhẩm ngay ra được sẽ mua nhà, mua xe, mua biệt thự ở đâu rồi.
Còn bây giờ, với các đại án đã xử như vậy và với quy trình chặt chẽ hơn, người ta hoặc từ bỏ thói quen đó hoặc không dám mạo hiểm như trước và điều này dẫn đến mất động lực kinh tế (economic incentive) của các mắt xích liên quan.
Trước đây, ngoài lương nhà nước trả, đôi khi người ta nhẩm ra phần trăm hoa hồng từ các dự án đầu tư công và vì thế họ rất hăng hái, vẽ càng nhiều dự án càng tốt. Nhưng giờ họ không dám làm thế. Trong khi đó, hệ thống pháp luật thay thế, ví dụ đặt ra KPI về tốc độ giải ngân đầu tư công, chưa hình thành. Thế là phần tự thưởng kinh tế mất đi mà áp lực lại chưa xuất hiện, cho nên chuyện “đóng băng” giải ngân đầu tư công là bình thường.
Xin khẳng định phần tự thưởng kinh tế là có thật. “Định luật bảo toàn năng lượng” áp dụng vào đầu tư công rất đúng: tiền bạc thất thoát ở nhà nước thì chảy vào túi tư nhân.
Thất thoát trước đây càng nhiều thì có nhiều người hăng hái nhảy vào đầu tư công để nhận được phần thất thoát đó. Cho nên chuyện ách tắc đầu tư công không chỉ đơn giản là đổ lỗi cho thủ tục đâu.
- Nếu Quốc hội giành quyền quyết định thì trước mắt việc này gây hệ lụy nào không?
Phải đặt câu hỏi tại sao Chính phủ làm được mà Quốc hội không làm được. Thiếu chuyên gia? Vậy thì chủ động điều động nhân sự bên Chính phủ sang. Bên Chính phủ, người cho ý kiến chuyên sâu, chi tiết đối với các dự án là Vụ trưởng, Vụ phó, các chuyên viên chứ bản thân Bộ trưởng đâu có thời gian rà soát từng thứ đâu. Vấn đề là nâng cao năng lực cho Quốc hội thôi.
Bây giờ nhấc bớt chuyên viên từ Chính phủ sang Quốc hội. Điều chuyển khối lượng công việc thì điều chuyển khối lượng công viên chức thôi, có gì đâu.
- Ông đã hơn một lần nói về vấn đề cải cách hoạt động của Quốc hội, ông có thể nói rõ hơn?
Đại biểu chuyên trách trong Quốc hội hiện chỉ khoảng 30%. Đấy là điều chỉ thích hợp trong thời chiến, vì triệu tập đại biểu gặp khó khăn vì sợ địch ném bom.
Còn giờ hòa bình rồi, tại sao lại duy trì một tỷ lệ thấp như vậy? Nếu đưa các đại biểu chuyên trách lên 60% – 70% thì năng lực Quốc hội sẽ tăng lên. Tăng số người có chuyên môn, dành 100% thời gian cho nghiên cứu và xử lí công việc Quốc hội thì sẽ đủ ngay thôi.
Nói thẳng ra, Quốc hội cứ với cơ cấu 30% chuyên trách, 70% kiêm nhiệm thì chỉ có 30% làm việc, còn 70% làm việc khác. Vậy giờ phải yêu cầu ai làm việc gì thì chuyên việc đấy, trách nhiệm rõ ràng. Như vậy thì đã là cải cách, đâu cần sửa Hiến pháp.
Mà Hiến pháp cũng đâu có ấn định 1 năm Quốc hội không được họp quá 2 lần đâu. Họp bao nhiêu do mình quyết định chứ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone