Chính phủ muốn tự quyết danh mục đầu tư công trung hạn: Đại biểu phản pháo, Bộ trưởng phân trần

Xuân Hải - 28/05/2019 21:52 (GMT+7)

(VNF) – Tại phiên họp hôm 28/5, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận gay gắt về việc Quốc hội hay Chính phủ sẽ quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), vấn đề thẩm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được trình bày thành 2 phương án.

Phương án thứ nhất, Quốc hội quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Phương án thứ hai, Quốc hội chỉ quyết định tổng mức đầu tư, còn Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Đại biểu quyết liệt giữ quyền cho Quốc hội

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Quốc hội. Theo ông Hàm, chỉ khi Quốc hội quyết định danh mục thì mới đảm bảo đầy đủ về quyền hạn, về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp.

“Dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từng dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ nguồn vốn hay không”, ông Hàm nói.

Ông Hàm cũng cho rằng việc Quốc hội quyết định danh mục phân bổ mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách trung ương cũng là thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Tôi cho rằng việc Chính phủ đề xuất trao thẩm quyền quyết định danh mục mức vốn cho Chính phủ vì lý do mất thời gian phát sinh thủ tục và số lượng dự án nhiều là không thuyết phục”, ông Hàm bình luận.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm

Đồng quan điểm với ông Hàm, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng ủng hộ Quốc hội giữ quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ông Vân đưa ra 3 căn cứ cho ý kiến của mình. Một là căn cứ Hiến pháp, chương I về chế độ chính trị của Hiến pháp khẳng định cơ chế phân công quyền lực nhà nước là "quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phối hợp, kiểm sát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Vì lẽ đó, trong Điều 69 Hiến pháp khẳng định Quốc hội có ba chức năng cơ bản đó là lập hiến/lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Khoản 2, 3 Điều 70 khẳng định nhiệm vụ của Quốc hội là hoạch định chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội.

Căn cứ thứ hai, danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục dự án thì kế hoạch đầu tư công trung hạn không còn ý nghĩa. Như vậy, Quốc hội sẽ không còn vai trò, vị trí của mình là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ thứ ba, theo quy định tại Điều 94 Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp. Nếu giao quyền này cho Chính phủ thì không đúng với nguyên tắc phân công và tổ chức quyền lực nhà nước.

“Ở đây không phải sự phân cấp mà là tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân công quyền lực cho mỗi cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp; nó trái với tinh thần của Hiến pháp”, ông Vân nói.

Ông Vân cũng cho rằng trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm Quốc hội giao.

“Thực tế, Quốc hội đang phải có cơ chế linh hoạt trong Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 71, về mặt tổ chức quyền lực, quyền này chỉ có thể trao cho Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cần thiết mà không thể trao cho Chính phủ”, ông Vân khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Bổ sung cho 2 lập luận trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) lưu ý: “giao cho Quốc hội quyết định hay là giao cho Chính phủ thì Chính phủ vẫn phải làm từ đầu đến cuối”.

Theo đại biểu Xuyền, về lý, trước thời điểm trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ phải chuẩn bị, phải chủ động làm. Còn nếu Chính phủ bảo không kịp, không làm được thì đó là do tổ chức thực hiện của Chính phủ chứ không phải do luật.

Phản đối quan điểm của một đại biểu cho rằng việc trình Quốc hội phê duyệt danh mục sẽ kèm theo hàng nghìn trang tài liệu khiến Quốc hội không đủ thời gian xem xét đánh giá, đại biểu Xuyền cho rằng: Quốc hội không phải đi rà lại từng chi tiết được, nhưng nếu có trong tay tài liệu đó, đại biểu Quốc hội có thể đối chiếu, so sánh.

“Cho nên không phải băn khoăn là đại biểu Quốc hội không có thời gian, không có điều kiện. Trường hợp cần thiết chúng tôi thuê chuyên gia để đánh giá lại chuẩn bị của Chính phủ sau đó chúng tôi biểu quyết, như vậy thẩm quyền của đại biểu Quốc hội và Quốc hội vẫn giữ được, không có vấn đề gì lớn”, ông Xuyền tự tin.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tỏ ra quyết liệt nhất trong việc giữ quyền quyết định danh mục cho Quốc hội khi phát biểu hơn 1.000 chữ.

Bài phát biểu của bà Mai nêu 5 lý do lớn để Quốc hội phải quyết định danh mục, gồm: quyết định danh mục là trách nhiệm của Quốc hội; Quốc hội quyết định là thể hiện tính hợp hiến, hợp pháp; Quốc hội quyết định sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch; nếu Quốc hội không tự quyết thì đó là bước lùi trong phân bổ ngân sách; Quốc hội không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu không biết tiền phân bổ cho từng dự án như thế nào.

Xem thêm >>> ‘Giao Chính phủ quyết danh mục đầu tư công trung hạn là ngược quy trình, ngược thẩm quyền’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ chỉ điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tôi không coi đây là tranh luận căng thẳng giữa quyền lực Quốc hội và Chính phủ, mà tôi nhận thức đây là đóng góp sâu sắc để làm sao thiết kế được một bộ luật phù hợp đúng với quy định Hiến pháp, phù hợp với các bộ luật liên quan để theo tinh thần cải cách hành chính, phân cấp nhiều hơn, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công tốt hơn”.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ hoàn toàn đồng ý thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc về Quốc hội.

“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và trong đó có vấn đề đầu tư. Tôi xin khẳng định lại như vậy”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng: trong thực tiễn, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm, còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm.

Trong khi đó, khối lượng dự án 5 năm đối với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi là rất lớn. Nếu nhiệm kỳ tới cũng khoảng chừng đó dự án thì đây sẽ là một khối lượng rất lớn nếu Quốc hội muốn tự quyết danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Chúng ta đều biết rằng trong thực tế, các dự án thường phải điều chỉnh, ví dụ do đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỷ hay một dự án điều chỉnh về tên gọi. Việc điều chỉnh này là hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn hợp pháp, hợp lý.

“Tuy nhiên, điều bất lợi là dù chỉ thay đổi nhỏ, chúng ta vẫn phải báo cáo lại Quốc hội. Nếu như vậy thì khối lượng rất khổng lồ. Mỗi một dự án, nếu chúng ta chỉ cần điều chỉnh 3, 4, 5 lần thì nhân 10.000 dự án lên… tôi hình dung là nếu Quốc hội làm việc này thì rất nặng nề cho Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng Chính phủ muốn Quốc hội giao việc này cho Chính phủ thực hiện. Và đây là việc Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

“Quốc hội vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, là quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó là bao nhiêu, cơ cấu đầu tư thế nào, ngành nào, địa phương nào, vùng miền nào, tiêu chí, nguyên tắc ra sao, thứ tự ưu tiên ra sao thì Quốc hội phải quyết và Quốc hội phải giữ.

“Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, chứ Chính phủ không thể ra ngoài. Tôi nghĩ nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội. Vì Quốc hội một năm có 2 kỳ, mỗi kỳ một tháng mà có biết bao nội dung, biết bao công việc, nếu chúng ta chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này, tôi nghĩ rất là khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định nếu để Chính phủ tự quyết danh mục dự án đầu tư công trung hạn thì thuận lợi hơn và đảm bảo nguyên tắc cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

“Chúng tôi muốn chia sẻ thêm để các đại biểu cân nhắc, chứ việc quyết định thế nào hoàn toàn do các đại biểu”, Bộ trưởng phân trần.

Cùng chuyên mục
Tin khác