Cơ hội cho Việt Nam khi thị trường du lịch thế giới tiệm cận 40 tỷ USD năm 2030
Thùy Dung -
25/05/2023 09:23 (GMT+7)
(VNF) - Theo các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, thúc đẩy đào tạo và phát triển con người là yếu tố trọng yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành du lịch, khách sạn đang trên đà phục hồi nhanh chóng.
Năm 2030, tổng chi tiêu cho du lịch sẽ tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch
Các báo cáo về ngành du lịch cho thấy, trước đà phục hồi mạnh mẽ, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 110 triệu lượt khách trong năm 2023, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch quốc tế đến Việt Nam kỳ vọng đạt 18 triệu lượt và đến năm 2030 là 35 triệu lượt.
Một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey vào năm 2021 nhận định rằng, một khi hồi phục sau Covid-19, ngành du lịch sẽ lấy lại đà tăng trưởng trước kia và tổng chi tiêu cho du lịch nội địa và quốc tế có thể tiệm cận 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch.
Theo TS Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn - Đại học RMIT Việt Nam, ngành du lịch trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ và mọi người đang tự tin và hào hứng đi du lịch. Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút khách du lịch nhờ sản phẩm và tài nguyên du lịch phong phú.
“Việc Việt Nam giành giải thưởng ở 16 hạng mục hàng đầu trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022 cho thấy tính hấp dẫn của nền văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng như trải nghiệm độc đáo cho du khách với giá cả phải chăng”, TS Jackie Ong chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn – Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam sẽ chỉ có thể đạt được các mục tiêu đề ra nếu chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện tương ứng. Dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, đến năm 2025 chỉ riêng các cơ sở lưu trú du lịch sẽ cần hơn 800.000 lao động và năng lực đào tạo hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu lao động.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho rằng, hiện có hai nhóm năng lực đang thiếu trầm trọng trong ngành du lịch Việt Nam. Đầu tiên, sẽ cần các quản lý cấp trung và cấp thấp có chuyên môn tài chính vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị khách sạn, cũng như thông thạo các công cụ tài chính đặc thù của ngành khách sạn; Thứ hai và quan trọng hơn cả, sẽ cần các chuyên gia du lịch và khách sạn có chuyên môn vững vàng về chất lượng dịch vụ, đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch nội địa và quốc tế.
Điều khiến cho tình hình hiện tại trầm trọng hơn là đại dịch Covid-19 (mà hiện nay có thể coi là bệnh đặc hữu) đã khiến một bộ phận lao động trong ngành khách sạn chuyển sang làm ở các lĩnh vực khác, khiến ngành du lịch càng thiếu hụt lao động có kỹ năng.
Bởi vậy, ngành khách sạn đã nỗ lực giảm thiếu hụt nhân lực bằng cách tuyển dụng nhân sự nước ngoài hay ‘câu’ người từ các lĩnh vực dịch vụ khác về làm việc. Việc nhận người từ lĩnh vực khác không phù hợp để phát triển bền vững bởi phần lớn những lao động này không đủ năng lực và chưa được đào tạo về du lịch và khách sạn. Điều này khiến tiêu chuẩn dịch vụ giảm sút, nhân viên nghỉ việc nhiều và khách hàng không hài lòng.
“Hơn nữa, Covid-19 khiến số sinh viên theo học ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu được thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch cũng cho thấy yêu cầu hạn chế đi lại và giãn cách xã hội khiến tương tác với khách hàng bị giảm thiểu, tạo ra thách thức đáng kể cho sinh viên đi thực tập để lấy kinh nghiệm thực tế”, TS Nuno F. Ribeiro cho biết thêm.
TS Lương Thanh Thảo, giảng viên Quản trị nguồn nhân lực - Đại học RMIT Việt Nam thì chỉ ra rằng, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, chất lượng đã là vấn đề nghiêm trọng với các cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn trong nước. Đây là một trong những lý do khiến sinh viên dè dặt khi chọn học ngành này vì chương trình đào tạo thường cho thấy sự thiếu nhất quán trong cách thiết kế và phát triển chương trình, cũng như mối liên kết lỏng lẻo giữa các tổ chức, doanh nghiệp với nhà trường. Đồng thời, các nghiên cứu cho thấy việc thiếu cán bộ giảng dạy với nền tảng học vấn đầy đủ và kinh nghiệm thực tế trong ngành cũng gây ảnh hưởng đến các chương trình đào tạo.
Ưu tiên đào tạo để phát triển nguồn nhân lực
Liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, các trường phải tập trung mạnh vào việc thiết kế lớp học và không gian đào tạo nhằm thúc đẩy học tập thực nghiệm và tương tác. “Các trường nên xây dựng môi trường trải nghiệm khách sạn mô phỏng hiện đại ngay trong khuôn viên nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành này”, TS Lương Thanh Thảo cho hay.
Ông Thái Phước Vũ, Tổng giám đốc khách sạn Novotel Saigon Centre, chia sẻ một số bí quyết đào tạo hiệu quả nhằm nuôi dưỡng nhân tài hiện đang làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Ông đặc biệt đề cao tương tác giữa người và người trong công tác đào tạo, giúp người học có thêm cảm hứng trau dồi kiến thức.
“Nhân viên khách sạn có thể từng hào hứng với việc học trực tuyến khi phương thức đào tạo này mới được triển khai. Tuy nhiên, khi đã quen với cách học này thì họ lại có khuynh hướng tham gia ít tích cực hơn. Một cách tiếp cận hiệu quả hơn là tổ chức các buổi trao đổi, hỏi thăm nhân viên, để cấp quản lý trực tiếp có thể ngồi xuống và thảo luận riêng với từng nhân viên cấp dưới”, ông Vũ gợi ý.
Khi tiến hành đào tạo cho nhân viên khách sạn, cần chú trọng tạo cơ hội cho nhân viên, đặc biệt là cấp giám sát và quản lý, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức thực tế của họ. “Đồng sáng tạo tri thức là một phương thức học tập rất hiệu quả cho những người làm nghề khách sạn. Cách đào tạo quá bài bản và lý thuyết có thể không hiệu quả trong việc thu hút sự quan tâm của nhân lực ngành này”, ông Vũ nói thêm.
Theo lý thuyết chiều văn hóa của Hofstede, Việt Nam là một trong những quốc gia theo chủ nghĩa tập thể nhiều nhất trên thế giới. Và đây chính là cơ hội để phát triển các chương trình cố vấn thân mật, vốn được chứng minh là có hiệu quả và tăng thêm giá trị cho các chương trình cố vấn bài bản.
Mặt khác, các bên liên quan rất quan trọng đến lĩnh vực du lịch, gồm có: các cơ quan chính phủ, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp trong ngành, cần cùng hành động để giải quyết vấn đề chất lượng của hệ thống giáo dục du lịch, khách sạn tại Việt Nam. “Chúng ta cần các hướng dẫn và hỗ trợ có hệ thống hơn từ chính phủ và doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, chính phủ nên xây dựng các cơ chế giúp thiết lập và sắp xếp mối quan hệ hợp tác và truyền thông giữa các tổ chức giáo dục và người làm trong ngành”, TS Lương Thanh Thảo cũng cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Ribeiro khẳng định rằng ngành du lịch đang phục hồi nhanh chóng sau Covid-19. “Chúng ta sẽ cần nhiều lao động hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Vậy câu hỏi đặt ra liệu chúng ta có thể đào tạo ra được những cá nhân phù hợp với công việc hay không? Nhiệm vụ này có thể khả thi nếu chúng ta khôn khéo trong đào tạo và đẩy mạnh hợp tác giữa các bên liên quan”, TS Ribeiro nhận định.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.