Cơ hội lớn dành cho ngành du lịch từ phát triển kinh tế đêm

Việt Hà - 17/10/2020 21:11 (GMT+7)

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu chính là kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch. Đây là một trong những cơ hội lớn của ngành du lịch, tạo động lực tăng trưởng, góp phần phát triển việc làm giữa lúc đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa được đẩy lùi.

VNF
PGS.TS Phạm Hồng Long.

Ý kiến của PGS.TS Phạm Hồng Long về việc triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Thưa ông, Quyết định 1129/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay cũng như cho nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai?

PGS.TS Phạm Hồng Long: Đề án Phát triển kinh tế ban đêm đã được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chúng ta cũng hiểu rằng, để có được nguồn thu du lịch, dịch vụ thì phải tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách, thỏa mãn nhu cầu chi tiêu của khách. Về mặt văn hóa xã hội thì kinh tế ban đêm cũng giúp cho chúng ta giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy được những giá trị văn hóa.

Ngoài văn hóa truyền thống thì văn hóa hiện đại cũng được phát triển hơn tạo ra một không gian văn hóa, giáo dục giải trí lành mạnh cho giới trẻ cũng như cho du khách. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực cũng có cơ hội được quảng bá và phát triển thông qua những trải nghiệm thực tế.

Kinh tế đêm tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn giữ chân khách du lịch hay người dân từ nơi khác đến. Việc 'giữ chân du khách hay kéo 'khách quay trở lại' là mục tiêu chiến lược với ngành du lịch và dịch vụ, tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa phát triển các dịch vụ hay các điểm vui chơi giải trí về đêm, nên cũng làm giảm đi sự thu hút giữ chân du khách.

Theo khảo sát, có tới 50% du khách muốn quay lại điểm đến Thái Lan, nhưng ở Việt Nam chỉ có 20% khách muốn quay lại. Một trong những lý do khách ít quay trở lại vì chúng ta còn thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu dịch vụ hay vui chơi giải trí vào khoảng thời gian từ đêm tới sáng.

Việc cải thiện cuộc sống về đêm sẽ là bước ngoặt lớn để phát triển du lịch dịch vụ, thu hút nhiều du khách, tạo công ăn việc làm hơn.

Do đó, để phát triển du lịch hài hòa bền vững ngay từ bây giờ chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ để phát triển kinh tế đêm. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để khi các nước đều khống chế được dịch COVID-19, chúng ta đón đầu được xu hướng đi du lịch của các du khách quốc tế và tạo điều kiện để khách được thỏa mãn nhu cầu chi tiêu khi đi du lịch với nhiều sản phẩm dịch vụ cao cấp. Bên cạnh các giải pháp kích cầu du lịch, phát triển kinh tế ban đêm trong trạng thái bình thường mới có thể giúp phục hồi ngành du lịch.

Chúng ta có nên hiểu kinh tế đêm là để thu hút khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng du lịch không thưa ông?

PGS.TS Phạm Hồng Long: Đề án Phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu chính là kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch. Đây là một trong những cơ hội lớn của ngành du lịch, tạo động lực tăng trưởng, góp phần phát triển việc làm giữa lúc đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa được đẩy lùi.

Chính phủ cũng xác định trước mắt phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18h đến 6h hôm sau.

Theo khái niệm mang tính học thuật, chúng ta có thể hiểu kinh tế ban đêm là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, sinh hoạt được diễn ra từ tối tới 6h sáng. Những hoạt động này không chỉ là những hoạt động kinh doanh giải trí thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch mà còn là những hoạt động diễn ra vào đêm phục vụ nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, giải trí của người dân địa phương.

Cũng như kinh tế ban ngày thì phát triển kinh tế ban đêm cần được nhìn nhận ở góc độ toàn diện liên quan đến các dịch vụ đầy đủ toàn diện, lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm, đi lại, ăn uống phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng. Ngoài ra có một đặc thù là nó diễn ra vào ban đêm.

Tất nhiên bên cạnh những góc độ về hiệu quả và lợi ích nhiều mặt về kinh tế và văn hóa, tôi cho rằng cũng có những tác động nhất định liên quan đến môi trường sống của người dân trong khu vực phát triển kinh tế đêm. Do đó, để phát triển nó thì chúng ta cũng cần triển khai thực hiện một cách bài bản.

Thưa ông, một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn, trong đó có Hà Nội. Có  ý kiến cho rằng, thật khó có thể phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội vì không biết chơi gì cho tới sáng, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Phạm Hồng Long: Giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm mà Chính phủ đưa ra trong Đề án gồm nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn trên cả nước và một số giải pháp khác.

Theo đó, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Tôi cho rằng thí điểm ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch sau đó nhân rộng ra các địa phương là một hướng đi đúng đắn.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không nên hiểu phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là cả thành phố thành nơi kinh doanh dịch vụ vào ban đêm. Mà chúng ta có sự lựa chọn, trong khi chờ quy hoạch, mô hình thí điểm có thể được triển khai tại một số địa điểm phù hợp nhất.

Hà Nội có thể phát triển tốt kinh tế ban đêm bởi đây là một trong hai trung tâm du lịch văn hóa thương mại lớn nhất cả nước. Như chúng ta đã thấy, mấy năm qua, Hà Nội cũng đã triển khai phố đi bộ vào buổi tối và cũng đã đánh giá được hiệu quả mang lại từ sản phẩm mới này. Phố đi bộ đã thu hút được nhiều du khách và người dân Hà Nội; tạo thêm việc làm cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng mua sắm vào buổi tối, đặc biệt, nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như các show diễn nghệ thuật truyền thống góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, văn hóa Hà Nội… thu hút thêm khách du lịch tham quan.

Quận Hoàn Kiếm cũng đang phối hợp các doanh nghiệp du lịch, xây dựng các chương trình, tour du lịch ban đêm để du khách trải nghiệm, như tham quan di tích lịch sử, văn hóa; khám phá ẩm thực về đêm; xem các buổi biểu diễn nghệ thuật... Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ các vùng miền của quốc gia và thủ đô, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực, các hoạt động đặc sắc để trở thành 'điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn' của du lịch thành phố.

Đồng thời triển khai phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh sang phục vụ khách du lịch.

Hà Nội là thành phố có đông lượng khách du lịch và người dân có thu nhập cao. Kinh tế ban đêm sẽ phát triển các ngành giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch. Ngoài ra, cũng sẽ khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, các công việc thiết kế...

Kinh doanh muốn thành công thì phải có sản phẩm tốt, chất lượng cao và trên hết phải là những sản phẩm độc đáo, đặc sắc dựa trên tiềm năng văn hóa, tiềm năng du lịch của mỗi nơi. Ví như đến Hạ Long nhất định đêm phải đi câu mực, đến Huế phải đi thuyền trên sông Hương vào ban đêm hay nghe nhã nhạc Cung đình và đã đến đến Hà Nội phải trải nghiệm văn hóa phố cổ, ẩm thực đêm, hay mua sắm.

Khi xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm, không chỉ phát triển thêm các ngành kinh tế dịch vụ về đêm để khai thác hết tiềm năng văn hóa lớn của Hà Nội, mà phải coi đây cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội.

Vào ban ngày, du khách thường tham quan các điểm đến của Hà Nội, việc tạo ra các khu vực dịch vụ giải trí ban đêm tại Hà Nội có thể giúp kéo dài các tour du lịch đến sáng, đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, trải nghiệm của du khách. Đồng thời kết nối với điểm đến khác trong nội đô.

Trong không gian kinh tế đêm đó, một sản phẩm đặc sắc sẽ tạo sức hút để kéo du khách đến và ở lại, để khám phá, để sử dụng dịch vụ, để mua sắm, trải nghiệm…

Điều quan trọng là chúng ta cần tính toán để phát triển kinh tế đêm ở các khu vực nào, đồng thời cần làm cho người dân Hà Nội tại khu vực phát triển kinh tế ban đêm phải thực sự là chủ thể của mô hình kinh tế này.

Điều đó sẽ làm mọi người có ý thức bảo vệ môi trường du lịch, môi trường kinh doanh, cùng khai thác không gian đó để lao động, kinh doanh và tăng nguồn thu cho đời sống sinh hoạt của gia đình mình.

 

>> Bài 5: Phát triển kinh tế đêm: Phương cách ‘giải cứu’ hiệu quả cho các hộ kinh doanh

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác