Cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế của doanh nghiệp Việt
Bích Thảo -
04/06/2020 14:31 (GMT+7)
(VNF) - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới, nhu cầu trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân (khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…). Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu trang thiết bị y tế, đặc biệt là vào thị trường Mỹ và EU.
Thị trường thế giới đang rất cần
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Theo số liệu thống kê ở thời điểm đầu tháng 3/2020, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Trung Quốc đạt mức 100 triệu chiếc. Nhưng hiện tại Mỹ và EU đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang nhiều nước khác ngoài Trung Quốc. Những thành quả của Việt Nam trong công tác chống dịch đang là một điểm cộng cho Việt Nam đối với các sản phẩm này.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, như: khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, và nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp từ thị trường nhiều quốc gia của các nước Âu Mỹ, các công ty sản xuất trong nước có cơ hội tăng công suất lên gấp 3-4 lần.
Giá bình quân khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam khoảng 3.500 đồng/chiếc, trong đó xuất nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu từ Việt Nam là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD (bình quân 8.800 đồng/chiếc). Trong đó, theo khai báo hải quan chủ yếu đây là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton. Về loại hình xuất gia công (doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam) được khoảng 36,88 triệu chiếc và xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng,…) khoảng 51,30 triệu chiếc.
Về thị trường, khẩu trang của Việt Nam đã xuất khẩu đến một số thị trường lớn như Nhật Bản (32,7 triệu chiếc), Hàn Quốc (17,1 triệu chiếc), Đức (11,1 triệu chiếc), Mỹ (10,4 triệu chiếc), Hồng Kông (4,1 triệu chiếc), Singapore (1,8 triệu chiếc), Ba Lan (1,5 triệu chiếc), Australia (1,5 triệu chiếc), Trung Quốc (1,5 triệu chiếc), Lào (1,2 triệu chiếc), Nam Phi (1,1 triệu chiếc).
Không dễ nắm bắt cơ hội
Tại tọa đàm "Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 3/6 tại TP. HCM, một số doanh nghiệp đã chia sẻ tình hình thực tế và kinh nghiệm khi tham gia xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti), khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát, nhu cầu khẩu trang chống dịch giảm, nhưng nhu cầu khẩu trang của các nước như Mỹ, châu Âu là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu đó các DN quay sang sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhà xuất khẩu phải tuân thủ theo một số các quy định mới phát sinh áp dụng trong mùa dịch, trong đó việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan và các chứng từ cần thiết đặt ra những khó khăn cho nhà xuất khẩu. Điều này đòi hỏi nhà nhập khẩu phải tìm hiểu và nắm vững các quy định và yêu cầu nêu trên để có thể xuất khẩu thành công, hạn chế rủi ro.
Theo ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, CEO Công ty TNHH Super Cargo Service, hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế. Nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp thời đón đầu được nhu cầu thực tế nên đã chủ động tìm kiếm đối tác và sẵn sàng cho việc xuất khẩu các mặt hàng này.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế của các v đang gặp nhiều khó khăn do v chưa có sự tìm hiểu trước về các yêu cầu về thủ tục, giấy tờ, các chứng nhận FDA và CE của nước sở tại nhập khẩu các mặt hàng đó. Bởi mỗi nước có một quy định riêng và một mức thuế nhập khẩu riêng. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này như dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.
Theo bà Lê Thị Minh Hằng, Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và chăm sóc khách hàng (ISCC) thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Viện sẽ quy tụ các nhà sản xuất, tập hợp những khó khăn vướng mắc và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiệm cận được với chứng nhận về chất lượng. Đối với các doanh nghiệp chưa tiệm cận được chứng nhận nhưng muốn thay đổi thì sẽ đưa ra các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, công nghệ, nguyên liệu, đào tạo để họ biết cần phải đáp ứng và chuẩn bị những gì để đạt chứng nhận.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.