Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/3): MSN, FMC và DIG

Tân Mai - 23/03/2022 07:58 (GMT+7)

(VNF) - BVSC cho rằng, Masan Consumer Holdings và WinCommerce của MSN sẽ đạt mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2022, còn với Masan High-Tech Materials là từ 3 - 5 lần, trong kịch bản tốt nhất.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (23/3): MSN, FMC và DIG

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN

Nhìn lại năm 2021, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận doanh thu 88.629 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, hoàn thành 96% chỉ tiêu đề ra với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh.

EBITDA đạt 16.361 tỷ đồng, tăng 58% cùng kỳ nhờ EBITDA của Wincommerce (trước đây là Vincommerce) tăng 7,6 điểm phần trăm và các mảng kinh doanh khác có tốc độ tăng trưởng EBITDA trên 19%, điều này bù đắp cho mức sụt giảm của MML do giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thức ăn chăn nuôi.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSN đạt 8.563 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái do ghi nhận khoản doanh thu tài chính đến từ thương vụ bán mảng thức ăn chăn nuôi cho Royal De Heus Group (doanh thu tài chính tăng 34 lần so với 2020).

Năm 2022, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo kết quả kinh doanh của MSN tiếp tục khả quan, với doanh thu 93.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cốt lõi cổ đông công ty mẹ 5.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,1% và 75% so với năm trước, tương ứng EPS đạt 4.691 đồng, P/E dự phóng 29 lần.

BVSC cho rằng, Masan Consumer Holdings sẽ duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các sản phẩm mới, cao cấp hoá và sự hồi phục của mảng nước uống sau Covid-19.

Đối với WinCommerce, mức tăng trưởng doanh thu cũng đạt 2 chữ số nhờ cải thiện doanh thu bình quân cửa hàng, đóng góp cả năm của 388 cửa hàng được mở trong 2021 và các kế hoạch mở rộng mới trong 2022.

Bên cạnh đó, nỗ lực tối ưu hoá chi phí hoạt động và biên thương mại dự báo sẽ giúp biên EBITDA tăng thêm 240 điểm phần trăm, đánh dấu năm đầu tư có EBIT dương.

Masan High-Tech Materials được BVSC dự báo tiếp tục hưởng lợi giá đầu ra tăng do khó khăn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài và các sự kiện địa chính trị. Trong kịch bản tốt nhất, lợi nhuận có thể tăng từ 3 đến 5 lần, BVSC cho biết.

Công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh về khoản lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn của MSN. Cụ thể, việc thay đổi sở hữu gần đây của The Sherpa tại Phúc Long sẽ khiến công ty này được chuyển từ công ty liên kết sang công ty con, qua đó phát sinh khoản lãi đánh giá lại khoảng 1.300 tỷ (xấp xỉ 56 triệu USD) trong quý I/2022 theo ước tính của BVSC.

Trên thị trường, BVSC ước tính giá trị hợp lý của MSN là 187.700 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp SOTP, tương ứng triển vọng tăng giá 26,4%, qua đó duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu này.

SSI: Khuyến nghị khả quan FMC, giá mục tiêu 67.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) hiện sở hữu 320ha diện tích nuôi, cung cấp 30% nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất. Nguồn cung tôm nguyên liệu còn lại đến từ việc nuôi theo hợp đồng và thu mua từ các trang trại quy mô nhỏ. Công suất chế biến của FMC đạt 25.000 tấn/năm và công suất hoạt động đạt 92% vào cuối năm 2021.

Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt đạt 5.200 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ) và 287 tỷ đồng (tăng 27%), vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 12% và 16%.

Doanh thu tôm của FMC (chiếm 97% tổng doanh thu) tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó giá bán bình quân và sản lượng tiêu thụ lần lượt cải thiện 12,3% và 11% so với cùng kỳ, do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi, đặc biệt là Mỹ (chiếm 32% tổng doanh thu).

Do tỷ trọng tôm chế biến và tôm giá trị gia tăng cao (trên 60% tổng doanh thu), giá bán bình quân của FMC đạt 11,5 USD/kg trong năm 2021 (giá bán bình quân của ngành là 8 USD/kg đối với tôm nguyên liệu và 11 USD/kg đối với tôm chế biến trong năm 2021).

Bên cạnh giá bán bình quân tăng, chi phí nguyên liệu tôm và thức ăn thủy sản lần lượt tăng 3% và 12% do áp lực lạm phát, khiến biên lợi nhuận gộp của tôm chế biến cải thiện nhẹ từ 9,4% trong năm 2020 lên 9,6% trong năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, FMC ghi nhận 40,2 triệu USD doanh thu (tăng 63% so với cùng kỳ) với sản lượng sản xuất tăng 40% nhờ nhà máy Tâm An mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2022 (tăng 5.000 tấn mỗi năm).

Theo FMC, giá bán bình quân của tôm trong 2 tháng đầu năm cải thiện lên 12,1 USD/kg so với mức trung bình năm 2021 là 11,2 USD/kg, điều này báo hiệu nhu cầu tăng mạnh kể từ đầu năm.

Do đó, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 6.400 tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ) và 396,6 tỷ đồng (tăng 38,2% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng tiêu thụ tôm tăng 20% so với cùng kỳ.

FMC cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản trong năm, trong khi nhu cầu từ Mỹ vẫn tăng mạnh - đặc biệt với hợp đồng mới với Costco. FMC là công ty xuất khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam (chiếm 4,3% tổng lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam), FMC cũng đã bắt đầu xây dựng 2 nhà máy chế biến mới với tổng công suất thiết kế là 20.000 tấn/năm (nhà máy Tâm An với công suất 5.000 tấn/năm và nhà máy Sao Ta là 15.000 tấn/năm).

Các nhà máy mới dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong quý I/2022 và quý III/2022, nâng tổng công suất chế biến của FMC lên 45.000 tấn/năm vào cuối năm (tăng 100% công suất).

Với giá 61.400 đồng/cổ phiếu, FMC giao dịch với hệ số P/E 2022 là 11,9 lần, cao hơn mức trung bình lịch sử là 9,5 lần. SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với FMC với giá mục tiêu 1 năm là 67.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 10% so với giá hiện tại.

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DIG

Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG), doanh thu quý IV đạt 914 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp tăng mạnh 133%, đạt gần 396 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản thu nhập khác của DIG đạt hơn 877 tỷ đồng, tăng 47% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2020 và chỉ kém 4% so với doanh thu từ hoạt động cốt lõi.

Phần thu nhập này chủ yếu đến từ việc đánh giá lại tồn kho phát sinh giá trị hơn 861 tỷ đồng, cùng kỳ là hơn 587 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, lợi nhuận khác của DIG đạt hơn 785 tỷ đồng, cao hơn cả lãi gộp từ hoạt động cốt lõi.

Chốt quý IV, DIG báo lợi nhuận sau thuế hơn 813 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt hơn 2.568 tỷ đồng và hơn 952 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,2% và tăng 48,6% so với năm 2020.

Năm 2021, DIC Corp lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.444 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2021, doanh nghiệp này chỉ hoàn thành 85% kế hoạch về lợi nhuận.

Tổng tài sản của DIC Corp tính tới cuối năm 2021 tăng 42,5% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 16.858 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho chiếm hơn 22% tổng giá trị tài sản, đạt hơn 3.846 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở chi phí sản xuất dở dang các dự án như khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, khu dân cư P4 Hậu Giang, khu phức hợp Capsaintjacques.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của DIC Corp tăng mạnh từ mức 1.515 tỷ đồng lên mức hơn 4.906 tỷ đồng, tương đương tăng gần 224%.

Ngoài ra, một điểm tối trong báo cáo tài chính của DIC Corp là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khi ghi nhận giá trị âm hơn 798 tỷ đồng, cùng kỳ là âm hơn 303 tỷ đồng.

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định mức "stock rating" của DIG ở mức 93 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực. Đồ thị giá của DIG đóng cửa tăng 7% và đồ thị giá vượt mức kháng cự 98.600 đồng/cổ phiếu, đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu hình thành mô hình đảo chiều giảm giá Bearish Gartley cho thấy rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua mới ở vùng giá hiện tại.

Trước đó, hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta đã cảnh báo tín hiệu mua vào phiên 16/2 với lợi nhuận tạm tính là 28,77% cho nên Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên nắm giữ và có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ nếu sức mạnh giá trên 98 điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác