'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Năm 2021, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận doanh thu 88.629 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, hoàn thành 96% chỉ tiêu đề ra với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh.
EBITDA đạt 16.361 tỷ đồng, tăng 58% cùng kỳ nhờ EBITDA của Wincommerce (trước đây là Vincommerce) tăng 7,6 điểm phần trăm và các mảng kinh doanh khác có tốc độ tăng trưởng EBITDA trên 19%, điều này bù đắp cho mức sụt giảm của MML do giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thức ăn chăn nuôi.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSN đạt 8.563 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái do ghi nhận khoản doanh thu tài chính đến từ thương vụ bán mảng thức ăn chăn nuôi cho Royal De Heus Group (doanh thu tài chính tăng 34 lần so với 2020).
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, từ năm 2021 đến đầu 2022, MSN đã thực hiện ba thương vụ hợp tác nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life". Theo đó, tập đoàn đã mua lại Công ty Cổ phần Mobicast - một doanh nghiệp startup trong lĩnh vực mạng di động, giúp MSN số hóa nền tảng ở kênh offline, xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết để mang đến giá trị vượt trội.
Bên cạnh đó, MSN hợp tác chiến lược với Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hằng ngày trên kênh online và đầu tư vào Phúc Long với tỷ lệ sở hữu 51% sau thành công bước đầu của việc triển khai mô hình kiosk Phúc Long tại các điểm bán thuộc WCM.
Qua đó, MSN đã triển khai 5 thí điểm mô hình mini-mall, cửa hàng tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cafe), dược phẩm Phano, điểm giao dịch Techcombank và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một điểm phục vụ duy nhất. Kết quả là 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với cửa hàng trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng/ngày. Năm 2022, MSN sẽ mở 2.000 cửa hàng mini-mall.
Ở chiều ngược lại, Masan đã bán mảng thức ăn chăn nuôi cho Royal De Heus Group, đồng thời tập đoàn được De Heus cung cấp khoảng 2,8 triệu con heo hơi trong vòng 5 năm tới nhằm đảm bảo nguồn chất lượng và giá cả của nguồn cung heo hơi. Tại mảng vonfram, dự kiến giá vonfram có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguồn cung khai thác bị gián đoạn trên toàn thế giới. Ngoài ra, MHT sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao nhằm cải thiện biên lợi nhuận.
PHS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MSN là 104.117 tỷ đồng (tăng 17% cùng kỳ) và 8.969 tỷ đồng (giảm 11%). Bằng phương pháp SOTP đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp của các công ty con: MCH, MML, MHT, WCM, Reddi, Phúc Long và công ty liên kết Techcombank, PHS đưa ra giá trị hợp lý của MSN khoảng 197.800 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Quý IV/2021, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HoSE: DPM) có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần đạt 5.086 tỷ đồng, tăng 163,5% cùng kỳ năm trước, với động lực tăng trưởng chính đến từ giá phân bón tăng cao và hưởng lợi từ chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc, Nga, Ai Cập...
Biên lãi gộp trong quý tăng khá mạnh, cùng với việc kiểm soát tốt các chi phí, lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 1.668 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15 lần quý IV/2020. Tính cả năm 2021, lãi sau thuế đạt 3.171 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ.
Sang năm 2022, DPM đặt kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với tổng doanh thu đạt 11.058 tỷ đồng (giảm 14,2% so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng, giảm tới 69%. Trong khi đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), DPM là một trong số những doanh nghiệp trúng gói thầu 130.000 tấn ure xuất khẩu sang Ấn Độ, dự kiến giúp thu về khoản lợi nhuận từ 1.000 - 1.100 tỷ đồng và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ngay trong quý I.
Dù vậy, giá phân ure được dự báo diễn biến kém tích cực trong trung hạn, với giả định nhu cầu về phân bón dự báo đi ngang trong năm 2022 và kịch bản giá dầu thô 65 USD/thùng, kéo giá phân ure xuống quanh ngưỡng 400 USD/tấn, tương đồng với diễn biến giai đoạn 2012-2013.
Năm 2022, KBSV đưa ra kịch bản không mấy tích cực với giá dầu thô ở mức trung bình 65 USD/thùng (giảm 10% so với năm 2021) và giá phân urea giao dịch quanh ngưỡng 400 USD/tấn (giảm 20%). Theo đó, doanh thu của DPM năm 2022 ước đạt 11.735 tỷ đồng, giảm 8,9% mức thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 2.125 tỷ đồng, giảm 33%.
Sau khi đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2022 cùng các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DPM, giá mục tiêu là 49.100 đồng/cổ phiếu, dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và phương pháp đối chiếu lịch sử P/E theo tỷ lệ 50:50.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đã công bố doanh thu toàn công ty trong tháng 1/2022, đạt 514 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 12/2021 trước đó và tăng tới 62% (tương ứng 196 tỷ) so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, kết quả này đồng nghĩa TNG hoàn thành 102% kế hoạch tháng đã đề ra, cũng là mức doanh thu ghi nhận trong tháng 1 cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trước đó, TNG đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Tính riêng quý IV, doanh thu thuần đạt hơn 1.363 tỷ đồng, tăng 42,8% so với quý IV/2020; khấu trừ chi phí, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 175% so với số lãi hơn 23 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu TNG đạt 5.444 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2020. Nhờ tiết giảm chi phí, nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt gần 233 tỷ đồng, tăng 51,6% so với số lãi gần 154 tỷ đồng đạt được năm 2020.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, doanh thu của TNG tiếp tục đến từ mảng dệt may truyền thống, đặc biệt doanh nghiệp còn ghi nhận 182 tỷ doanh thu từ bất động sản (tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp đạt mức 14.2%, giảm so với mức 15% cùng kỳ.
Trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% xuống 14,2%, BSC cho rằng các nguyên liệu đầu vào (sợi, vải) tăng cao khiến biên gộp của giảm (do lợi nhuận định mức trên 1 sản phẩm không đổi). Tuy nhiên, việc cắt giảm biên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (từ 8,1% về 6,9%) vẫn giúp cho biên lợi nhuận ròng được cải thiện trong năm.
Năm 2022, BSC dự phóng TNG đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.948 tỷ (tăng 27% cùng kỳ) và 402 tỷ (tăng trưởng 72%). EPS dự phóng năm 2022 đạt 4.200 đồng. BSC kỳ vọng TNG sẽ hưởng lợi từ triển vọng khả quan của ngành dệt may và việc mở rộng công suất dây chuyền may (tăng 16% số dây chuyền mới) và kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ ghi nhận dự án khu công nghiệp Sơn Cẩm. Nhưng cũng lưu ý rằng, rủi ro liên quan đến tỷ lệ nợ vay cao (tỷ lệ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu của TNG đến cuối năm 2021 là 1,4 lần, trong khi trung vị ngành là 0,6 lần).
Hiện BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 41.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với giá đóng cửa phiên 23/2, dựa trên hai phương pháp FCFE và P/E với tỷ trọng 50%/50%.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.