Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/1): TPB, VPG và NT2

(VNF) - TP Bank vừa ghi nhận lợi nhuận ba tháng cuối năm 2021 tăng mạnh nhờ thu nhập lãi ổn định từ tăng trưởng tín dụng nhanh và biên lãi ròng phục hồi, đồng thời ngân hàng đã kiểm soát chi phí chặt chẽ và cải tiến rõ rệt về chất lượng tài sản.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/1): TPB, VPG và NT2

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/1): TPB, VPG và NT2

BVSC: Khuyến nghị khả quan dành cho TPB

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank, HoSE: TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 vững chắc với lợi nhuận trước thuế đạt 1.644 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực tăng trưởng tới từ thu nhập lãi ổn định nhờ tăng trưởng tín dụng nhanh và biên lãi ròng (NIM) phục hồi; kiểm soát chi phí chặt chẽ và những cải tiến rõ rệt về chất lượng tài sản.

Lũy kế cả năm 2021, TPB ghi lãi trước thuế tăng trưởng mạnh 37% so với năm 2020 lên 6.038 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, kết thúc quý IV, tín dụng của TPB tăng mạnh ở mức 21,7% so với hồi đầu năm, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống.

Cho vay khách hàng nhích mạnh 6,2% so với quý III lên 141.200 tỷ đồng (tăng 17,7% so với đầu năm), trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng 37,3% so với quý trước lên 18.600 tỷ (tăng 64,3% so với hồi đầu năm).

Đáng chú ý là CASA đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay ở mức 23,3%, so với 21,6% trong quý III và 19,4% cuối năm 2020. BVSC cho rằng nền tảng ngân hàng số vượt trội và cơ sở khách hàng mở rộng vững chắc đã giúp TPB đạt được những kết quả này.

NIM cuối quý IV đạt 4,5%, tăng 37 điểm cơ bản so với quý III và đi ngang so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi chi phí vốn thấp nhất kỷ lục đã bù đắp cho sự sụt giảm lợi suất IEA.

Mặc dù chứng kiến sự phục hồi so với quý liền trước, BVSC cũng lưu ý lợi suất IEA giảm có thể do hai yếu tố: cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và không ghi nhận lãi dự thu.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản trong năm 2021 của TPB đã cải thiện rõ rệt. Theo đó, cuối quý IV nợ xấu của ngân hàng (nhóm 3-5) tiếp tục giảm đáng kể 16% so với quý III xuống 1.157 tỷ đồng (giảm 18,6% so với cùng kỳ), tương ứng 0,82% tổng dư nợ.

SML (Nhóm 2) cũng giảm mạnh 39% so với quý trước đó xuống 2.077 tỷ đồng, tương đương 1,47% tổng số dư so với 2,56% trong quý III và 1,35% trong quý IV/2020.

Đáng chú ý, TPB đã tích cực xóa nợ xấu trong năm, nâng số dư xóa nợ năm 2021 lên 2.919,6 tỷ đồng, điều này sẽ giúp ngân hàng có thể hoàn nhập, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Với chi phí dự phòng chững lại sau khi TPB quyết liệt trích lập trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2021 đã tăng lên mức cao mới ở mức 152,6% so với mức kỷ lục trước đó là 144,8% trong giai đoạn bán niên và 134,2% vào cuối năm 2020.

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VPG

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 đạt 794 tỷ đồng, giảm 9% cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, tăng 1%.

Lũy kế cả năm 2021, VPG ghi nhận doanh thu 3.883 tỷ đồng, tăng 66% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 421 tỷ đồng, tăng 377%. Như vậy, VPG đã hoàn thành lần lượt 129% kế hoạch doanh thu và 281% kế hoạch lợi nhuận.

Trong quý IV, doanh thu từ quặng sắt đạt 244 tỷ đồng, tăng mạnh 165% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tổng doanh thu VPG giảm do dự án Việt Phát South City đã bàn giao gần hết từ quý III/2021.

Biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 12,8% (cùng kỳ 15,3%) do giảm biên lợi nhuận mảng phân phối than (2,8% so với 10,5% cùng kỳ) và thiếu đóng góp từ mảng bất động sản.

Lợi nhuận duy trì tăng trưởng dương còn nhờ khoản lãi từ tỷ giá 6,7 tỷ đồng (tăng 145% cùng kỳ) và khoản thu nhập bất thường 7,3 tỷ đồng (bao gồm phí phạt đối tác và nhận bồi thường).

Đối với VPG, phân phối than và quặng sắt là hai mảng kinh doanh lớn nhất, lần lượt chiếm khoảng 65% và 17% tổng doanh thu. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), mảng than đang có dấu hiệu suy giảm do giá than giảm nhưng động lực 2022 của VPG sẽ đến từ mảng phân phối quặng sắt.

Tỷ trọng doanh thu từ mảng phân phối quặng sắt của VPG năm 2021 đã tăng lên 30,7% so với 5,2% cùng kỳ. Giá quặng sắt đã hồi phục 42% từ mức đáy tháng 11/2021 sau khi giảm mạnh từ đầu tháng 8/2021 giúp biên lợi nhuận gộp mảng phân phối quặng sắt trong quý IV/2021 tăng lên 37,5% (cùng kỳ 7,6%) cho thấy nhu cầu quặng sắt có dấu hiệu hồi phục.

Ngoài ra, khoản người mua trả tiền trước của VPG tại thời điểm cuối quý IV/2021 cũng tăng mạnh 289% so với quý liền trước cho thấy nhu cầu tiêu thụ tốt.

Cho năm 2022, VPG đặt mục tiêu doanh thu 8.300 tỷ đồng (tăng 113% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế 203 tỷ đồng (giảm 52%). Yuanta cho rằng VPG đã đặt mục tiêu thận trọng trong 2022 do kỳ vọng mảng phân phối than suy giảm và không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, VPG đang được giao dịch tại mức P/E 12 tháng trước đó là 5,5 lần (tương ứng EPS là 9.353 đồng). Mức stock rating của VPG ở mức 95 điểm, tương ứng đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của VPG cắt lên trên đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch vẫn trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VPG được nâng lên mức tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.

VND: Triển vọng ngắn hạn của NT2 là tích cực 

Trong quý IV/2021, sản lượng của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) tiếp tục giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước do phụ tải điện duy trì mức thấp tại miền Nam, đồng thời EVN ưu tiên huy động từ các nguồn điện (thủy điện, điện năng lượng tái tạo).

Tuy nhiên, giá bán điện bình quân (ASP) tăng 32,8% so với cùng kỳ lên mức 1.981 đồng/kWh đã giúp doanh thu quý IV tăng 22,8% lên 1.634 tỷ đồng.

Song trước giá khí tăng mạnh, biên lợi nhuận ròng vẫn ghi nhận mức giảm 12 điểm phần trăm.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của NT2 đi ngang so với năm trước, lợi nhuận ròng giảm gần 15% xuống còn 533 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) tin rằng sản lượng điện NT2 sẽ hồi phục từ 2022 nhờ phụ tải điện tăng cao trở lại tại miền Nam hậu Covid-19 và dự báo giá dầu Brent sẽ ổn định lại ở mức 75 USD/thùng, giúp giá khí ổn định lại trong năm.

VND cũng nhận thấy những rủi ro cắt giảm công suất với sự xuất hiện của 3.980MW điện gió, tuy nhiên, rủi ro này sẽ được giảm thiểu khi phụ tải điện tăng cao và sớm phủ đầy mức tăng của nguồn điện trong các năm tới.

VND kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 của NT2 sẽ đạt lần lượt 7.293 tỷ đồng (tăng 18,5% so với cùng kỳ) và 788 tỷ đồng (tăng 47,5%). Trong năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng dự báo sẽ giảm nhẹ do công ty có kế hoạch đại tu, lần lượt đạt 7.007 tỷ đồng (giảm 4% cùng kỳ) và 697 tỷ đồng (giảm 1,8%).

Nhìn chung, VND vẫn đánh giá triển vọng ngắn hạn của NT2 là tích cực.

Tin mới lên