Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/12): KBC, TPB và SZC

(VNF) - SSI bày tỏ quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh khu công nghiệp của KBC do dòng vốn FDI tiềm năng đổ vào các trung tâm công nghiệp trọng điểm của Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, nơi có các khu công nghiệp của KBC đang hoạt động.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/12): KBC, TPB và SZC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (30/12): KBC, TPB và SZC

KBC: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 28.000 đồng/cổ phiếu

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) mới đây đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2. Tại đại hội, cổ đông của KBC đã thông qua việc mua cổ phiếu quỹ.

Cụ thể, cổ đông thông qua phương án mua lại tối đa 100 triệu cổ phiếu (tương đương với 13% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) với giá không quá 34.000 đồng/cổ phiếu. Theo ban lãnh đạo, việc mua lại cổ phiếu có thể giúp ổn định giá cổ phiếu KBC trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Tuy nhiên, vốn điều lệ sẽ bị ghi giảm sau khi thực hiện mua lại và dòng tiền của công ty cũng bị ảnh hưởng. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ sẽ không thực hiện được sớm trong ngắn hạn do cần thời gian chuẩn bị báo cáo tài chính kiểm toán và các phê duyệt cần thiết từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Đại hội cũng thông qua việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (tương đương tỷ suất cổ tức là 9%) trong năm 2023. Việc chi trả có thể được thực hiện theo nhiều đợt từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2022 của Công ty.

SSI dự đoán việc chi trả cổ tức sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất mua lại cổ phiếu. Tại đại hội, Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng chia sẻ kế hoạch trả cổ tức thường xuyên hơn với mức lợi suất hấp dẫn trong vòng 5 năm tới để đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

KBC quyết định hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ. Nhận định thị trường chứng khoán không thuận lợi cho việc phát hành thêm cổ phiếu, KBC đã được ĐHĐCĐ phê duyệt hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu (tương ứng với 19,6% số cổ phiếu đang lưu hành). SSI cho rằng đây là một động thái tích cực do rủi ro pha loãng lớn hơn số tiền công ty có thể thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu.

Cổ đông của KBC cũng thông qua kế hoạch doanh thu và LNST năm 2023 lần lượt là 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch lạc quan này được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng công ty có thể cho thuê 200ha đất tại các dự án khu công nghiệp trong năm 2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, KBC đã cho một số khách hàng thuê khoảng 100ha, trong đó Foxconn là khách hàng lớn nhất và dự kiến sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào ngày 2/1/2023 tới. Cùng với các dự án đang hoạt động, KBC cũng kỳ vọng sẽ nhận được phê duyệt cho 3 dự án khu công nghiệp mới có diện tích khoảng 3.000 ha.

Mặc dù KBC có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn so với các công ty cùng ngành, SSI lưu ý rằng hơn một nửa số nợ của KBC là nợ ngắn hạn trong đó có 2,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu (tương đương 74% dư nợ trái phiếu hiện tại) sẽ đáo hạn trong nửa đầu năm 2023, điều này sẽ tạo áp lực đáng kể cho thanh khoản

Mặc dù ban lãnh đạo vẫn tự tin vào tiến độ cho thuê đất khu công nghiệp và thu tiền thanh toán, SSI cho rằng việc mua lại cổ phiếu và chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ là thách thức đáng kể đối với dòng tiền của công ty.

SSI bày tỏ quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh khu công nghiệp của KBC do dòng vốn FDI tiềm năng đổ vào các trung tâm công nghiệp trọng điểm của Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, nơi có các khu công nghiệp của KBC đang hoạt động.

Công ty chứng khoán này cũng giữ nguyên ước tính lợi nhuận sau thuế cho năm 2022 và 2023, lần lượt là 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 160,3% so với cùng kỳ) và 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 33,2% so với cùng kỳ).

Tại mức giá hiện tại 22.850 đồng/cổ phiếu, KBC giao dịch với P/E dự phóng năm 2023 là 5,6 lần và P/B là 0,9 lần. SSI điều chỉnh giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu KBC từ mua xuống khả quan với giá mục tiêu không đổi là 28.000 đồng/cổ phiếu.

TPB: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 23.600 đồng/cổ phiếu

Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tăng 21% so với 9 tháng đầu năm ngoái, với động lực chính đến từ khoản thu nhập lãi thuần tăng 21% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp trên thị trường chứng khoán năm 2022, khoản lợi nhuận từ mảng hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận gần 550 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 78% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.875 tỷ đồng, giúp khoản thu ngoài lãi đạt 3.350 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ).

Tỷ lệ nợ xấu giảm 12% so với cùng kỳ, ở mức 0.91%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 22,4% so với cùng kỳ, đạt 1,99%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 142%.

NIM của TPB duy trì ở mức ổn định nhờ duy trì tốt nguồn vốn huy đồng giá rẻ. Ngân hàng có tổng tài sản đạt 317.328 tỷ đồng, và hoàn thành 91% mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm nay của ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 11,7% trong năm nay, đạt gần 180 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp)

Công ty Chứng khoán MB (MBS) điều chỉnh giá mục tiêu của TPB từ 31.250 đồng/ cổ phiếu về 23.600 đồng/ cổ phiếu, bởi 3 lí do. Một là điều chỉnh mức tăng trưởng tín dung từ 16% về còn 14,5% trong năm 2022. Ngoài ra, mức tăng trưởng tín dụng trong các năm sau được dự báo sẽ quanh mức 13% - 14%.

Hai là môi trường lãi suất tăng tác động tiêu cực lên NIM và ROE. Việc lãi suất huy động tăng sẽ tác động lên chi phí huy động, cũng như NIM và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, việc môi trường lãi suất tăng cũng gây sức ép đến lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn giá rẻ của TPB.

Ba là rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng nắm giữ. Các khoản trái phiếu doanh nghiệp hiện tại do ngân hàng nắm giữ phần lớn đến từ các tổ chức không niêm yết, điều này gây khó khăn trong việc phân tích.

MBS dự phóng tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB trong năm 2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt là gần 15.575 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và 16.273 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2022 đạt 7.700 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) và năm 2023 đạt 8.760 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ).

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 dự phóng đạt trên 3 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và năm 2023 dự phóng đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ). Thu nhập từ lãi dự tính đạt 72% tổng thu nhập hoạt động trong năm 2022 và 2023. Chi phí hoạt động dự kiến đạt 4.700 tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 3,2% so với cùng kỳ) và 4.900 tỷ đồng trong năm 2023 (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Trước áp lực của việc tăng lãi suất huy động, MBS cho rằng tỷ lệ CASA của TPB trong năm 2022 và 2023 sẽ ở quanh mức 18,5%/năm. Tăng trưởng tín dụng được MBS dự tính sẽ đạt mức 14,5% trong năm 2022. Tính đết hết quý III/2022, tăng trưởng tín dụng của TPB đạt 11,7%. Như vậy, ngân hàng vẫn còn 2,8% tín dụng trong quý IV, tương đương với gần 4.500 tỷ đồng.

SZC: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 44.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng chi phí đền bù tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận 9 tháng năm 2022 của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC). Theo đó, SZC công bố doanh thu và lợi nhuận ròng quý III/2022 lần lượt giảm 24,3% và 65% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu tăng 17,3% so với cùng kỳ lên 663,2 tỷ đồng nhờ doanh thu khu công nghiệp trong 9 tháng năm 2022 tăng 14,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu thuê khu công nghiệp tăng cao tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và khoảng 15,6 tỷ đồng doanh thu từ sân golf lần đầu tiên được ghi nhận.

Dự án Sonadezi Hữu Phước tiếp tục chậm bàn giao và không ghi nhận doanh thu trong 9 tháng năm 2022. Ngoài ra, giá bồi thường đất tăng khiến biên lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2022 của SZC giảm 26,5 điểm % so với cùng kỳ xuống 36,5%. Do đó, lợi nhuận ròng trong 9 tháng năm 2022 giảm 37,5% so với cùng kỳ, chỉ hoàn thành 42,4% dự phóng cả năm của VNDirect.

Công ty chứng khoán này cho rằng những khó khăn đang dần xuất hiện ở cả bất động sản khu công nghiệp và bất động sản dân cư của SZC. Theo đó, VNDirect nhận thấy những khó khăn sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của SZC gồm chi phí bồi thường đất cho khu công nghiệp Châu Đức tăng, chậm thủ tục pháp lý để bàn giao dự án Sonadezi Hữu Phước, dù giai đoạn 1 của dự án này đã hoàn thành 90-95% do thay đổi lãnh đạo cấp cao tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

VNDirect điều chỉnh doanh thu năm 2022 và năm 2023 giảm lần lượt 23,4% và 10,7% so với dự phóng trước đó sau khi loại bỏ hoàn toàn doanh thu từ bất động sản dân cư trong 2022 và giảm doanh thu bất động sản dân cư năm 2023 xuống 29,8% so với trước đó, do lo ngại về tiến độ bàn giao của Sonadezi Hữu Phước có thể chậm hơn dự kiến.

Theo đó, VNDirect điều chỉnh giảm lợi nhuận ròng năm 2022 và năm 2023 lần lượt 36,9% và 9,9% so với dự phóng trước đó. Công ty chứng khoán này tin rằng thị trường bất động sản nhà ở sẽ phục hồi vào năm 2024 sau một năm khó khăn, do đó điều chỉnh tăng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2024 lần lượt là 1,2% và 1,3% so với dự báo trước đó.

VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 44.000 đồng/cổ phiếu theo phương pháp định giá từng phần sau khi thay đổi giả định WACC, giảm định giá dự án Sonadezi Hữu Phước và tăng tỷ lệ chiết khấu cho phần diện tích còn lại.

Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu SZC bao gồm giá thuê và diện tích cho thuê của khu công nghiệp Châu Đức tăng cao hơn dự kiến, thời gian triển khai giai đoạn 2 của Sonadezi Hữu Phước sớm hơn dự kiến.

Tin mới lên