Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
VNDirect đánh giá khả quan đối với cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) bởi đây là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ việc lãi suất gia tăng. Cụ thể, Bảo Việt là công ty bảo hiểm duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động ở cả 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ. Nhờ đó, trong môi trường lãi suất tăng, BVH sẽ không chỉ hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả đầu tư tài chính như các công ty thuần phi nhân thọ mà còn từ việc chi phí dự phòng ở mảng nhân thọ được giảm thiểu.
Ngoài ra, việc lãi suất trái phiếu chính phủ tăng sẽ kéo đã khiến lãi suất chiết khấu tăng theo và chi phí dự phòng của doanh nghiệp được giảm thiểu. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 và 15 năm trên thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 180-190 điểm cơ bản từ đầu năm nay. Xét về dài hạn, VNDirect cho rằng một loạt các yếu tố vĩ mô thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nhu cầu bảo hiểm bao gồm tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở mức cao, già hóa dân số nhanh, tiến bộ trong nền giáo dục, sự phát triển của thị trường tài chính, và đầu tư nước ngoài.
Về cơ cấu sở hữu, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), với tư cách là đại diện của chính phủ, sở hữu lần lượt 65% và 2,98% cổ phiếu BVH đang lưu hành. Nhà đầu tư chiến lược Sumitomo Life, một trong những công ty Bảo hiểm Nhân thọ hàng đầu đến từ Nhật Bản, là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 22,09%.
Nhìn chung, mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ thông qua sở hữu cổ phần mang lại cho BVH một lợi thế cạnh tranh lớn trên cả hai thị trường mà công ty đang tham gia, đặc biệt khi tham gia đấu các gói thầu đến từ doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, một vấn đề tiềm ẩn từ việc tỷ trọng sở hữu nhà nước cao là khả năng huy động vốn kịp thời để hỗ trợ tăng trưởng. Tại đại hội cổ đông 2022, BVH đã đề cập đến khả năng Bộ Tài Chính sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% trong giai đoạn 2026 đến 2030. Việc phát hành riêng lẻ và IPO các công ty con ở mảng bảo hiểm cũng đang được xem xét là các giải pháp để huy động vốn.
Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, VNDirect dự tính BVH sẽ ghi nhận tăng trưởng phí bảo hiểm gốc lần lượt ở mức 10,0%, 9,7% và 9,4% trong các năm tới. Phí bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong khoảng 15 đến 20% với động lực chính đến từ nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu để đảm bảo tương lai tài chính. Đối với ngành phi nhân thọ, mức tăng trưởng phí được dự đoán sẽ đạt mức 10-12% đến năm 2025 trong kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% đến 7%. Với vị thế là một công ty hàng đầu ở cả 2 thị trường, BVH được cho là sẽ nắm bắt tốt tiềm năng tăng trưởng to lớn của ngành bảo hiểm ở Việt Nam.
Mặt khác, một trong những lý do cổ phiếu BVH được đánh giá cao là mức định giá hấp dẫn. Hiện tại, BVH đang giao dịch ở mức giá trên giá trị sổ sách (P/B) đạt 1,7, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 2,1 lần. Với kỳ vọng BVH có thể nâng cao mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên mức 2 chữ số trong môi trường lãi suất tăng cùng với việc tập đoàn có thể mở rộng tiềm năng tăng trưởng doanh thu một khi sản phẩm liên kết đơn vị được đem ra thị trường, cổ phiếu BVH được đánh giá là sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và được thị trường đánh giá lại ở mức P/B cao hơn.
Với các lý do trên, VNDirect đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho BVH là 76.000 đồng/cổ phiếu và giá trị sổ sách trên cổ phiếu năm 2023 là 30.437 đồng.
Về tình hình kinh doanh, tính riêng quý III năm nay 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ghi nhận đạt 7.939 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước) và ghi nhận khoản lỗ khoảng 887 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với việc sản lượng tiêu thụ sụt giảm do nhu cầu nội địa cũng như trong nước giảm mạnh, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của HSG trong năm 2022 đạt 941.697 tấn, giảm 33.6% và sản lượng ống thép đạt 250.100 tấn giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt 506.731 tấn, ống thép đạt 15.277 tấn, lần lượt giảm 43% và giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy rằng sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu rất lớn tới từ nhu cầu tại EU và Mỹ giảm mạnh.
Ngoài ra biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh trong bối cảnh giá thép HRC giảm sâu. Cụ thể, con số này trong 9 tháng đầu năm 2022 của HSG là khoảng 8,5%, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc HSG đã nhập phần lớn hàng tồn kho giá cao trong 2 quý đầu năm nay.
Với các lý do trên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá không cao triển vọng kinh doanh của HSG trong thời gian tới. Với việc nhu cầu thép giảm tiếp tục đe dọa tới khả năng bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành, HSG và một số công ty trong ngành đã phải dừng một số nhà máy để giảm áp lực tồn kho.
Hiện nay theo ước tính của VCBS, lượng hàng tồn kho giá cao của HSG hiện tại vẫn cần 1-2 quý để giải phóng, từ đó gây áp lực tới biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, giá thép bán trong nước đang cao hơn thế giới từ 2 đến 3 triệu đồng/tấn vì vậy việc xuất khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn bán ở nội địa.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường lớn trở lại và giá thép có xu hướng ổn định hơn. VCBS ước tính giá trị hợp lý của HSG là 10.300 đồng/cổ phiếu tương ứng với mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm 2023 là 1.290 đồng/cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh quý III, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đạt doanh thu thuần 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ) và lỗ ròng 52 tỷ đồng so với 56 tỷ đồng LNST trong quý 3/2021, mặc dù mức lỗ thấp hơn so với các quý trước.
So với quý III năm 2021, triển vọng kinh doanh năm nay sáng sủa hơn với doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ khoan dầu tăng 84% so với cùng kỳ do hiệu suất sử dụng giàn khoan Jackup tăng lên 94%, và giá thuê trung bình theo ngày tăng lên 59 nghìn USD/ngày, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong quý này, công ty đã cung cấp dịch vụ khoan cho Premier Indonesia, Repsol - BRB, Shell Brunei, Premier Oil Vietnam và GBRS. Lợi nhuận gộp từ mảng khoan chuyển biến khả quan sau hai quý thua lỗ, đạt 24 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi biên độ thấp của các quý trước
Về mảng kinh doanh dịch vụ giếng khoan, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp giảm 24% so với cùng kỳ do thiếu các chiến dịch khoan tại thị trường Việt Nam, một trong những thị trường quan trọng của PVD trong mảng dịch vụ giếng khoan. Đây cũng là lý do khiến thu nhập từ các liên doanh (ví dụ như PVD - Baker Hughes) thấp, chỉ thu về 11 tỷ đồng, giảm mạnh 73% so với cùng kỳ do công ty này chỉ hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Trong ba quý đầu năm, PVD đã cho thấy sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tổng doanh thu tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp tăng 32% so với cùng kỳ.
Về triển vọng trong quý IV, SSI cho rằng các giàn khoan của PVD sẽ được sử dụng hết công suất với giá thuê ngày tốt hơn so với quý III. Cụ thể, công ty được dự báo doanh thu năm 2022 đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng 34,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận gộp đạt 576 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 223 tỷ đồng cho năm 2022 (tăng mạnh so với mức 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021).
Ngoài ra, SSI không nhận thấy sự ảnh hưởng đáng kể về nhu cầu khoan từ những thay đổi vĩ mô do các hoạt động đầu tư của ngành dầu khí dự kiến sẽ cao hơn trong vòng 5-10 năm tới. Theo đó, với những thay đổi về dự báo và lãi suất chiết khấu, SSI đặt ra mức giá mục tiêu 1 năm xuống 18.200 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức lỗ dự kiến trong quý IV năm 2022.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.