(VNF) - Là ngân hàng có nhiều sự kiện đáng chú ý trong năm 2021, cổ phiếu SHB từ đầu năm đến nay ghi nhận những biến động khá mạnh mẽ. Theo quan sát, dường như sự tăng - giảm của SHB ở nhiều thời điểm trong 2 quý vừa qua lại không liên quan gì đến chuyển biến chung của toàn thị trường.
Theo thống kê của VietnamFinance, ở những tuần đầu năm 2021, thị giá bình quân của cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội dao động trên dưới ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản tương ứng trên 12,4 triệu đơn vị mỗi phiên.
Đây cũng là mức giá trung bình của tháng cuối cùng năm 2020, tuy nhiên khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đã có sự suy giảm không nhỏ, khi giai đoạn này thường xuyên duy trì trên ngưỡng 20 triệu đơn vị.
Kể từ ngày 19/1, cổ phiếu SHB bắt đầu lao dốc khá nhanh. Sau loạt phiên "dò đáy", giá cổ phiếu SHB chỉ còn hơn 12.270 đồng/đơn vị - mức giá chốt phiên 1/2 với thanh khoản gần 20 triệu cổ phiếu. Như vậy, SHB đã "bốc hơi" đến 27,8% chỉ sau gần 10 phiên cuối tháng.
Ở giai đoạn này, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận hàng loạt phiên điều chỉnh khá mạnh, tuy nhiên vẫn không quá đáng kể so với tỷ lệ giảm của cổ phiếu SHB. Theo đó, chỉ số VN-Index, HNX-Index đã giảm lần lượt 8,4% và 7,2% kể từ ngày 19/1 đến 1/2, xuống còn 1.035,5 điểm và 208,85 điểm.
Bước sang tháng 2, cổ phiếu SHB đã đảo chiều bật tăng. Ngoài hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của toàn thị trường, một yếu tố khác được cho là thúc đẩy thị giá SHB đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc của ngân hàng. Thời điểm cuối tháng 1, SHB đã công bố báo cái tài chính hợp nhất quý IV/2020 với lợi nhuận trước thuế của cả năm đạt 3.412 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với năm trước.
Mảng tín dụng, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư của SHB đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong năm 2020, tổng thu nhập hoạt động của SHB đạt 12.234 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhìn chung mức tăng của cổ phiếu SHB vẫn là khá thấp so với sự thăng hoa của toàn thị trường. SHB đã ì ạch hơn 1 tháng, ở quanh ngưỡng trung bình 13.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng mạnh lên 31,6 triệu đơn vị/phiên, chỉ cao hơn 10% so với mức "đáy" hồi đầu tháng 2, tính đến ngày 10/3.
Trong khi đó, chỉ số VN-Index và HNX-Index với nhiều phiên sắc xanh bao phủ, đã tăng đến 16% và 33%, lần lượt đạt 1.200 điểm và 277,4 điểm, từ ngày 1/2 đến 10/3.
Đáng chú ý, ở tuần cuối cùng của tháng 3, cổ phiếu SHB bất ngờ tăng mạnh với 4 phiên liên tiếp tăng hơn 9% (26/3 - 31/3), qua đó nâng mức giá kết thúc quý I của SHB lên 25.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 74% so với thị giá hồi đầu tháng 3.
Bổ trợ cho đà tăng này, nhiều khả năng đến từ những kế hoạch lạc quan trong năm 2021 của SHB.
Những ngày đầu tháng 4, nhà băng này đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021, với mục tiêu đầy tự tin cho năm 2021, với 2 kịch bản: Kịch bản 1, trong trường hợp ngân hàng hoàn thành phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng trong quý III/2021, phần vốn tăng thêm được sử dụng vào hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận cho ngân hàng, dự kiến đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước.
Kịch bản 2, SHB hoàn thành việc chào bán cổ phiếu ra công chúng trong quý IV/2021, kế hoạch lợi nhuận dự kiến ở mức 5.828 tỷ đồng, tăng 78%.
Như vậy, gắn liền với kế hoạch tăng trưởng là các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng. Theo đó, SHB cũng thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2019 và 2020, bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ là 20,5%.
Mặt khác, ngoài hai phương án tăng vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, SHB còn có kế hoạch chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán đề xuất là 12.500 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng vốn điều lệ lên hơn 26.600 tỷ đồng. Một sự kiến đáng chú ý khác, ngân hàng cũng đề cập đến kế hoạch chuyển sàn giao dịch sang HoSE.
Tính chung tháng 4, cổ phiếu SHB dao động trung bình trong khoảng 25.700 đồng/đơn vị, và bắt đầu có những phiên điều chỉnh ở nửa đầu tháng 5.
Chi đến khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB và một số ngân hàng khác được nới room tín dụng, từ ngày 13/5 đến 17/5, cổ phiếu của nhà băng này mới tăng mạnh với 2 phiên tăng kịch biên độ và 1 phiên tăng gần 4%, qua đó đưa thị giá lên 29.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23,7% so với giá đóng cửa ngày 4/5.
Ngoài nhóm ngân hàng khởi sắc, nhìn chung toàn thị trường giai đoạn này không có nhiều biến động, chỉ số VN-Index giảm nhẹ còn 1.258 điểm và chỉ số HNX-Index chỉ ghi nhận mức tăng hơn 3%, đạt 296,8 điểm vào cuối ngày 17/5.
Mãi đến trung tuần tháng 6, thời điểm 175 triệu cổ phiếu SHB chính thức được giao dịch bổ sung (cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%), giá trị của cổ phiếu SHB mới có sự thay đổi rõ nét, khi giảm liên tiếp từ 29.000 đồng (ngày 8/6) xuống 27.000 đồng/đơn vị (ngày 16/6), giảm 6,8% sau 1 tuần.
Mức giá này tiếp tục giằng co ở những phiên kế tiếp. Cho đến cuối tháng 6, cổ phiếu SHB nhanh chóng tìm lại được sắc xanh và hồi phục về ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/7.
Tuy nhiên ngay sau đó, SHB ghi nhận 3 phiên liên tiếp sụt giảm mạnh (8/7 - 12/7) khiến cho thị giá "bốc hơi" hơn 21%, còn 23.700 đồng/cổ phiếu. Trong đó phiên 12/7 giảm sâu nhất với 8,85%, thanh khoản lên đến 41,6 triệu đơn vị.
Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu SHB có xu hướng tăng trở lại nhưng với biên độ khá nhỏ. Kết thúc phiên 3/8, cổ phiếu SHB tăng nhẹ 0,7% lên 27.500 đồng/cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của SHB đạt 458.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành đến 99,5% kế hoạch đại hội cổ đông đề ra. Vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 19.260 tỷ đồng.
Cùng với đó, dư nợ tín dụng hợp nhất tại 30/6/2021 của ngân hàng đạt 332.000 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2020, huy động vốn hợp nhất đạt 423.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020.
Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021, SHB có thể sẽ đạt 6.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 85,5% so với cùng kỳ), dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ.
Nợ xấu giảm dần, chất lượng tín dụng tốt và sự tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu giúp SHB có thể tăng tốc về quy mô và lợi nhuận, ROE dự kiến cải thiện lên 15-16% (từ 10-13% trong các năm trước).
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.