Cổ phiếu Vinalines chào sàn nhưng nhà đầu tư chưa được giao dịch

Bình Nguyên - 08/10/2018 15:13 (GMT+7)

Hôm nay (8/10) là ngày đầu tiên Vinalines niêm yết cổ phiếu MVN lên sàn nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể mua bán vì cổ phiếu của doanh nghiệp này đang nằm trong diện hạn chế giao dịch.

VNF
Tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất 2017 của doanh nghiệp

Sáng nay (8/10), hơn 5,4 triệu cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines) chính thức được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên nhà đầu tư muốn mua bán cổ phiếu MVN ngay trong phiên chào sàn cũng sẽ không thể thực hiện được bởi HNX cũng vừa có quyết định đưa cổ phiếu MVN vào diện hạn chế giao dịch. Theo đó, cổ phiếu MVN chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Điều này có nghĩa, dù hôm nay là phiên chào sàn, cổ phiếu MVN chỉ có thể giao dịch lần đầu vào thứ sáu tới đây, ngày 12/10.

Nguyên nhân MVN bị hạn chế giao dịch là tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất 2017 của doanh nghiệp. 

Cụ thể, kiểm toán từ chối đưa ý kiến vì các vấn đề liên quan đến BCTC các công ty con trực thuộc của MVN. Chẳng hạn, BCTC 2017 của CTCP Vận tải biển Việt Nam, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Biển Đông, CTCP Vận tải Vinaship, CTCP Vinalines Nha Trang đều nhận ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của các công ty này do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, doanh thu thuần hợp nhất của MVN đạt 13.560 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp của tổng công ty tăng đột biến từ 97 tỷ đồngnăm 2016 lên trên 808,5 tỷ đồng, gấp 7,3 lần.

Lợi nhuận gộp tăng mạnh cũng không thể xóa hết gánh nặng từ khoản lãi vay cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp. Đơn cử, dù đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, chi phí lãi vay của đơn vị này vẫn lên tới 807 tỷ đồng. Riêng việc trả lãi vay đã ngốn gần hết số tiền thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty. Khoản chi phí quản lý ở mức trên 917 tỷ đồng.

Do đó, tổng công ty vẫn lỗ tới hơn 537 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh (giảm mạnh so với con số lỗ 2.171 tỷ đồng năm 2016)

Tính tới cuối năm 2017, Vinalines đang ôm khoản lỗ lũy kế tới gần 3.254 tỷ đồng. Tại thời điểm này, tổng tài sản của công ty đạt mức 28.137 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong năm, tài sản cố định hữu hình giảm giá trị từ 15.337 tỷ đồng xuống còn 13.463 tỷ đồng. Mặt khác, các khoản mục hàng tồn kho, tài sản dở dang dài hạn lại tăng đáng kể. Ngoài ra, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết cũng tăng tới hơn 35% lên 851,6 tỷ đồng.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác