Cờ 'phủi' Hà Nội: Những số phận long đong

Đinh Tịnh - 07/02/2019 11:52 (GMT+7)

(VNF) - Trong ngàn vạn nghề mưu sinh, chọn cách kiếm sống bằng cờ tướng là một “nghề” khắc nghiệt. Bởi “trạng cờ” phải bỏ quá nhiều công sức, trí óc để nghiên cứu “tuyệt nghệ”, thế nhưng, kiếm sống bằng “cờ độ” không dễ, người bị thua nhiều chắc chắn sẽ không chơi nữa. Vì thế, kiếm tiền bằng chơi cờ tướng rất bấp bênh, vậy mà không hiểu tại sao, hàng trăm “cao thủ” vẫn chọn con đường mưu sinh đó…

VNF
Trạng Cờ Đất Việt do VTC tổ chức luôn là nơi hấp dẫn nhiều kỳ thủ tham gia thi đấu

Nói thật, ban đầu không ai coi “cờ tướng” là một nghề cả, bởi hầu hết mọi người chơi để vui, xả tress, hoặc may lắm thì “rinh” được vài giải “cờ vườn”. Tuy nhiên, khi chơi vui, người chầu rìa ai cũng góp nước được, thậm chí khán giả còn cao hứng cầm cây đi loạn xạ khiến bàn cờ thiếu nghiêm túc. 

Vì thế, mới nảy sinh cờ độ để người ngoài bớt mách nước (hoặc để phân trình cao thấp). Lúc mới chơi thì đánh nhỏ, sau này, cay cú đánh lớn. Dần dà thành quen, đánh cờ không có độ thì không chịu được. Từ đây, nảy sinh những “thợ cờ” chỉ đi đánh độ ăn tiền. Dù chưa định nghĩa là một nghề, thế nhưng, vẫn có nhiều người trót yêu cờ, đắm chìm vào cái nghiệp đó cứ như bị ma ám khó lòng dứt ra được.

Nở rộ những xới cờ “phủi”

Thực chất, cờ tướng chỉ là thú vui – thế nhưng cái thú vui xuất phát từ Trung Quốc này đã mang tính dân gian Việt lúc nào không hay. Theo thống kê, có tới hơn 1/3 người dân Việt biết chơi cờ tướng (nhiều hơn cả Trung Quốc - cái nôi của nghệ thuật cờ tướng).

Thậm chí, cờ tướng hiện đã được đưa vào cấp 1 dạy cho các em học sinh như những bài học ngoại khoá. Những khoái kiệt cờ tướng cũng được trưởng thành từ đây.

Ảnh: Cờ tướng đã được đưa vào trường học như một môn học ngoại khoá

Ông Phan An, một huấn luyện viên cờ nổi tiếng tại Hà Nội cho biết: Ngay cả lúc thăng trầm trầm nhất của đất nước khi có chiến tranh, thì cờ tướng vẫn có chỗ đứng riêng.

“Tôi nhớ, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những giải vô địch cờ tướng vẫn được tổ chức. Cờ tướng tồn tại bền bỉ vì môn thể thao trí tuệ này không đòi hỏi sân bãi cầu kỳ. Chỉ cần 32 quân cờ với một bàn gỗ, hoặc một tờ giấy, thậm chí một vài ô gạch là chơi được”.

“Rồi đến thời bao cấp, hàng hóa khó khăn, có khi người ta tự làm lấy quân cờ bằng những mẩu gỗ thừa. Đến những năm 1990 đã bắt đầu có nhiều giải cờ, nhiều “thợ cờ” chỉ đi đánh độ kiếm tiền. Ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trong cả nước, các xới “cờ phủi” bắt đầu xuất hiện”, ông An kể.

Cho đến giờ, Hà Nội có vô số "kỳ đài" tự phát tại các hè phố, vườn hoa, những “xới” cờ vỉa hè này đã đóng góp nhiều danh thủ trứ danh cho quốc gia. Nhưng cũng chính từ các xới phủi này, cờ độ, cờ ăn tiền diễn ra khá công khai.

Thử điểm mặt các xới cờ phủi Hà Nội, không thể không nhắc tới các địa danh như: Ngõ Trạm, Vườn hoa con Cóc (phố Ngô Quyền), Hoàn Cầu, Kim Liên, Nghĩa Tân, đoạn ven Hồ Trúc Bạch…

Tại các xới cờ này, cứ mỗi buổi chiều (thậm chí đến đêm), tập trung đủ các nhân vật, từ kỹ sư xây dựng, bác sĩ, thầy giáo, và cả những nghề thời thượng như chứng khoán, nhà đất, ngân hàng, hoặc như lái xe, xe ôm,…. đều “mê” cờ đến quên đường về.

Mà chơi vui mãi cũng chán, phải có độ nó mới xôm, mới hết mình, mới phân rõ tài cao thấp. Thế nên, những xới cờ phủi vô tình thành “xới bạc”, việc kiếm tiền cờ độ cũng hình thành. Vì vậy, nhiều người cứ băn khoăn với câu hỏi đó là nghề, hay là nghiệp?

Cờ tướng có sức hấp dẫn với mọi lứa tuổi, đủ ngành nghề

“Nghiệp cờ” đeo đẳng kiếp người...

Tâm sự với VietnamFinance, anh Vũ Thiện Bảo, huấn luyện viên cờ Hà Nội (nhiều lần xuất hiện trên truyền hình) tâm sự: Đó là nghiệp. Ai đã nghiên cứu, chơi cờ tương đối sâu rồi thì khó bỏ lắm, nó ám ảnh, “ngấm” đến mê mẩn. Có nhiều người đã bỏ cả sự nghiệp, công danh, nhà cửa chỉ vì mê cờ.

Còn với các cao thủ đã coi cờ tướng là “nghề” liệu có đủ sống không? Anh Bảo cho rằng: Nếu nói một cách công bằng thì ngay cả với các tuyển thủ ăn lương tại Việt Nam (hay còn gọi là “hàng tướng”) cũng đang sống rất chật vật với nghề.

Ví dụ như tại Hà Nội, một cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có cỡ lương chỉ từ 5-6 triệu/tháng. Với thu nhập đó buộc họ phải có nghề tay trái, hoặc phải đi đánh cờ phủi, cờ độ kiếm thêm.

Còn với những kỳ thủ kém “hàng tướng” một chút – gọi là “hàng tá” thì kiếm cơm bằng cờ tướng thực sự vất vả. Họ không có lương nên buộc phải đi đánh độ tại các xới cờ để “chăn gà” kiếm tiền.

HLV Vũ Thiện Bảo, người góp công lớn trong phát triển bộ môn cờ tướng, cờ vây tại Hà Nội

Anh Nguyễn Khánh Ngọc, một tuyển thủ cờ Hà Nội chia sẻ, không chỉ riêng em, mà một loạt các danh thủ Hà Nội như: Quân “bún”, Cường Kim Liên, Trường “ngọng” (danh thủ Lại Việt Trường), Hà Văn Tiến… dù có lương nhưng vẫn đi đánh cờ độ kiếm thêm là chuyện bình thường.

Còn đã ra độ thì tuỳ từng “đối” mà chấp, chỉ cần xem họ đi vài ba nước là biết “trình” thuộc loại nào. Khi bọn em đã ra độ thì chắc chắn là phải “lấy”. Thời gian đầu em mới nổi, ít người biết nên kiếm dễ, giờ đã thành danh, lên tivi, lên mạng nhiều nên “gà” quen mặt, giờ rủ đánh họ cũng không dám chơi, hoặc phải chấp “sâu” khó thắng lắm, vì thế thu nhập kém hẳn.

Giờ em xin làm thêm tại công ty cây xanh Hà Nội, công việc tay chân hàng tháng cũng giúp em có thêm 5 triệu/tháng chứ lương cờ không đủ anh ạ.

Khi tôi hỏi, “với mức thu nhập đó, em có định bỏ cờ không?”, “Chắc chắn không anh ạ, để có “công lực” như ngày hôm nay, em đã bỏ bao nhiêu công sức, trí óc mới vào trong top 20 người cao nhất toàn quốc. Vì thế, nó là nguồn sống duy nhất của em, muốn làm cái khác cũng không được”, ông nói.

Còn với Nguyễn Văn Tuấn, biệt danh “tiểu tử lang thang”, một cao thủ thuộc “hàng tá” Hà Nội thì cờ tướng như “ăn” vào máu. Tôi biết Tuấn từ khi cậu còn là một sinh viên trên giảng đường Đại học Quốc gia, thế nhưng, những xới cờ phủi “thực dụng” hơn những bài giảng.

Từ một cậu học trò nghèo quê Phú Thọ xuống Thủ đô, ban đầu Tuấn lân la các xới cờ học hỏi đánh vui, sau đó nghiên cứu sâu để đánh độ chăn gà. Thời điểm năm 2004-2007, Tuấn “sống khoẻ” vì cờ tướng khi biết chăn những “con gà” lắm tiền nhưng ham chơi.

Tôi nhớ, như in ngày 25 Tết âm lịch năm Ất Dậu (2005), Tuấn tìm đến nhà tôi hỏi vay 300 nghìn đồng. Tôi hỏi: “Về quê à?”, “Không, em có con gà ngon lắm, nhưng hết tiền, anh cho em vay, mai em trả”.

Ngày hôm sau, đúng hẹn Tuấn đến nhà tôi với 1 chiếc xe máy mới tinh, trả tiền và mời đi ăn. Tuấn hào hứng kể: hôm qua em “giòng” được con gà ngon quá anh ạ. Ông ý là “dân xã hội”, nhiều tiền, em chấp 1 ngựa, lúc đầu đánh 100 trăm đồng/ván, em thắng gần 10 ván, gã cay cú nâng lên 500 trăm/ván, đỉnh cao nhất lên 3 triệu/ ván. Đánh cả đêm em được gần 36 triệu anh ạ.

Nhưng đó chỉ là may mắn nhất thời, vì sau trận đó khó có con gà nào chịu chơi nữa, vì họ đã biết đến tiếng của Tuấn. Số tiền kiếm được cũng mau chóng tiêu hết.

Đến giờ, sau 10 năm gặp lại Tuấn, vẫn cái bộ dạng nhếc nhác ngồi lê hết vỉa hè này đến vỉa hè khác, cuộc sống mưu sinh của Tuấn trở nên khá gập ghềnh và khó khăn khi sau những trận cờ anh chỉ tìm thú vui vào… rượu.

Nhưng không chỉ riêng Tuấn, tại Hà Nội, không thiếu những số phận nghiệt ngã vì đã coi cờ tướng là một nghề kiếm tiền.

Tôi cứ nghĩ mãi về một câu thơ "Cờ tiên, rượu thánh ai đong? Lưu tinh, Đế thích là phường tri âm". Nghe thì thật thong dong, nhưng sống thì thật khó khăn, đúng như anh Vũ Thiện Bảo đã nói; “Cờ tướng là một cái nghiệp, nó đam mê và đeo đẳng cả một kiếp người”…

Đưa dần vào chính quy

Trong vài năm trở lại đây, cờ tướng Việt Nam đã có chỗ đứng trên bản đồ thế giới (chỉ xếp sau Trung Quốc.) Tại một số giải cờ không cho các “chiến tướng” Trung Quốc ra trận thì các kỳ thủ Việt Nam đều vô địch.

Mới đây, tại giải cờ Vân Nam, Trung Quốc, kỳ thủ Nguyễn Hải Linh (biệt danh Linh cót) đem chuông đi đánh xứ người và được giải nhất. Tuy nhiên, “lực cờ” như Linh cót tại Hà Nội nhiều tới hàng chục người. Điều đó cho thấy các xới cờ phủi ở Hà Nội đã bắt đầu dần dần được nâng cấp.

Mặt khác, cũng phải kể đến việc Đài truyền hình VTC trong 5 năm trở lại đây đã tổ chức khá thành công giải “Trạng cờ đất Việt”, “Đấu trường cờ Việt”, các kênh dạy cờ khác như: “Thăng Long Kỳ đạo”, Kỳ bài TV… cũng giúp phát triển phong trào cờ tướng mạnh mẽ.

Từ đây, hàng trăm danh thủ khắp các miền Bắc – Trung – Nam được cọ sát thi đấu đỉnh cao. Những trận cờ được cập nhật qua mạng, qua internet “kéo gần” khoảng cách cờ Việt Nam gần hơn tới đẳng cấp quốc tế

Ông Nguyễn Văn Bình, phó Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết: Việc dần đưa cờ tướng vào chính quy là hết sức cần thiết. Chúng tôi có may mắn được đồng hành với nhiều nhà tài trợ, nhiều bạn yêu cờ tâm huyết đưa cờ tướng Việt nâng tầm mới, nhưng phải đậm bản sắc riêng.

Một trận đấu tại giải Trạng Cờ Đất Việt do truyền hình VTC tổ chức

Bên cạnh đài truyền hình VTC, phải kể đến sự đóng góp lớn của CLB Thăng Long Kỳ đạo với làng cờ Hà Nội và cả nước, khi CLB này đã quy tụ được hầu hết các danh thủ hàng đầu trong và ngoài nước đến tham gia thi đấu với nhiều giải đấu chuyên nghiệp do CLB tổ chức.

Bản thân CLB này cũng đã xây dựng lên một học viện cờ tướng, shop cờ tướng riêng. Từ đây, rất nhiều tài năng trẻ đã dần hình thành với cái “nôi” cờ tướng chuyên nghiệp chứ không phải “vỉa hè” như trước đây.

Cho đến bây giờ, không thể phủ nhận “sức sống” của cờ tướng đối với người dân Việt. Nếu đến bất cứ lễ hội làng nào, thì cờ tướng đều xuất hiện như “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Chẳng vậy mà, Hà Nội là nơi hiếm hoi trong cả nước, có đền thờ Ðế Thích - một vị bậc Thánh cờ trong Phật giáo.

Hiện nay, lễ hội Chùa Vua (mồng 6 tết âm lịch) luôn là nơi diễn ra giải cờ tướng nổi tiếng nhất cả nước. Chính vì sự “ngấm sâu” từ dân gian đó đã khiến nhiều người mê cờ đến quên lối về. Nhưng đã đến lúc, chúng ta phải đưa cờ tướng dần vào quy củ với mức thu nhập đủ sống cho kỳ thủ, chứ không thể biến tướng thành những “xới bạc” vỉa hè.

Hai nữ Kiện tướng quốc gia Phạm Thu Hà (áo đỏ) và Lê Thi Kim Loan (áo xanh) thi đấu biểu diễn tại Lễ hội truyền thống rước vua Đền Sái, thôn Thuỵ Lôi, Hà Nội năm 2018

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Hủy phong tỏa tài sản của vợ Vũ ‘nhôm’ và các công ty liên quan

Hủy phong tỏa tài sản của vợ Vũ ‘nhôm’ và các công ty liên quan

(VNF) - UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản về hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài các công ty liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ ông Vũ).

'Gian lận, trốn thuế trong thương mại điện tử là vấn đề nghiêm trọng

'Gian lận, trốn thuế trong thương mại điện tử là vấn đề nghiêm trọng

(VNF) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng.

Thu hồi giấy phép của loạt DN phân phối xăng dầu

Thu hồi giấy phép của loạt DN phân phối xăng dầu

(VNF) - Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 4 doanh nghiệp.

Trung Quốc: 'Vàng thăng hoa, kim cương sụp đổ'

Trung Quốc: 'Vàng thăng hoa, kim cương sụp đổ'

(VNF) - Với tâm lý tiêu dùng bị ảnh hưởng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều người mua Trung Quốc đang yên tâm "đặt cược" vào các khoản đầu tư trú ẩn an toàn như vàng, thay vì mua kim cương.

Dấu hiệu 'hụt hơi' của loạt ông lớn xe điện Trung Quốc

Dấu hiệu 'hụt hơi' của loạt ông lớn xe điện Trung Quốc

(VNF) - Các nhà sản xuất xe điện (EV) hàng đầu của Trung Quốc từ BYD đến Xpeng đang mất nhiều thời gian hơn để giải quyết các khoản thanh toán với nhà cung cấp, trước thực trạng doanh số bán hàng chậm lại và chiết khấu ngày càng tăng.

Trưởng phòng công ty BĐS lừa đồng nghiệp góp 38 tỷ mua nhà giá 'sập hầm'

Trưởng phòng công ty BĐS lừa đồng nghiệp góp 38 tỷ mua nhà giá 'sập hầm'

(VNF) - Nguyễn Chí Học đưa ra thông tin gian dối rằng mình quen biết với cán bộ ngân hàng tại TP.HCM nên biết được thông tin về nhà đất giá “sập hầm” hoặc nhà đất bị ngân hàng phát mãi. Học kêu gọi mọi người góp vốn để mua nhà rồi chiếm đoạt.

Giá vàng cao kỷ lục do kỳ vọng Fed giảm lãi suất, bạc tăng vọt

Giá vàng cao kỷ lục do kỳ vọng Fed giảm lãi suất, bạc tăng vọt

(VNF) - Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 20/5 do xu hướng lạm phát chậm lại của Mỹ làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, trong khi giá bạc đạt mức cao nhất hơn 11 năm.

Sự nghiệp của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Sự nghiệp của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

(VNF) - Với kết quả biểu quyết 475/475 đại biểu có mặt (chiếm tỉ lệ 97,54% tổng số Đại biểu Quốc hội) tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội khóa 15.

Thanh khoản dâng cao, tiền chảy đột biến vào cổ phiếu bảo hiểm

Thanh khoản dâng cao, tiền chảy đột biến vào cổ phiếu bảo hiểm

(VNF) - Đến cả nhóm ngành ảm đạm như bảo hiểm giờ cũng nhận dòng tiền đột biến, phần nào cho thấy “sóng tăng” hiện tại trên TTCK không tầm thường.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay

(VNF) - Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác; phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay.

Chân dung tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chân dung tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

(VNF) - 475/475 đại biểu có mặt (100%) thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội.