Ngân hàng

Cơ sở nào để MB đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' trong năm 2021?

(VNF) - Năm 2021, MB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 25-30%. Có 3 yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kế hoạch khá tham vọng này.

Cơ sở nào để MB đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' trong năm 2021?

Cơ sở nào để MB đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' trong năm 2021?

Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) được tiết lộ cách đây không lâu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Theo đó, mục tiêu của MB là đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 25-30% trong năm nay.

Đây được cho là mức tăng trưởng khá tham vọng khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường, cùng với đó là lộ trình trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN dự kiến sẽ được áp dụng ngay trong năm nay.

Trong một dự báo gần đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 nếu may mắn thì cũng chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương năm 2020, tức là khoảng 10%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của MB có thể gấp khoảng 3 lần mức trung bình toàn ngành.

Cơ sở nào cho mục tiêu tham vọng này?

Đầu tiên phải kể đến lực đẩy từ mảng tín dụng. Dữ liệu cho thấy trong 3 quý đầu năm 2020, dư nợ cho vay của MB chỉ tăng 7,3%, tương đương tăng trên 18.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ riêng trong quý IV/2020, dư nợ cho vay đã tăng tới trên 29.600 tỷ đồng. Sự bật lên đầy ngoạn mục này đã giúp tăng trưởng dư nợ cho vay của MB trong cả năm 2020 lên đến 19,2%, cao hơn hẳn mức tăng trưởng toàn ngành vào khoảng 12%.

Lượng lớn dư nợ cho vay tăng thêm trong quý cuối cùng của năm 2020 khó lòng giúp doanh thu mảng tín dụng của MB tăng mạnh ngay trong năm 2020 do thời gian quá ngắn, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho doanh thu năm 2021.

Thêm vào đó, biên lợi nhuận dự báo sẽ cải thiện do lượng dư nợ cho vay tăng thêm phần lớn đến từ khách hàng cá nhân.

Thứ hai, năm 2020, MB dành khá nhiều nguồn lực để tăng cường trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của ngân hàng này đến cuối năm ngoái chỉ ở mức 1,09%, trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất lên đến 134% - mức cao hàng đầu hệ thống ngân hàng.

Điều này sẽ giúp MB giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2021, trong bối cảnh việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN dự kiến sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực trích lập dự phòng đối với toàn ngành ngân hàng từ năm nay đến hết năm 2023.

Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của MB trong năm nay.

Thứ ba, nền lợi nhuận năm 2020 khá thấp, chỉ nhỉnh hơn khoảng 6% so với năm 2019. Nền so sánh thấp cho phép MB dễ dàng hơn trong việc đạt tăng trưởng cao trong năm 2021.

3 yếu tố trên, cộng với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng hàng năm theo chiến lược kinh doanh mà MB đang theo đuổi, là cơ sở để ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận tham vọng trong năm nay.

Tin mới lên