'Con hổ Nam Á' gây lo sợ cho Trung Quốc khi muốn chiếm ngôi công xưởng thế giới

Mai Lý - 01/07/2023 06:45 (GMT+7)

(VNF) - Apple, Boeing, Adidas... và hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ đã chọn Ấn Độ để đặt trung tâm sản xuất mới. Quốc gia Nam Á này đang nổi lên mạnh mẽ, cạnh tranh với vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc.

VNF

Làn sóng rời Trung Quốc đến miền đất hứa Ấn Độ

Mối quan hệ giữa các công ty Mỹ và Ấn Độ với tư cách là đối tác sản xuất – chuỗi cung ứng đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Trung căng thẳng hơn.

Tại khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur – một thành phố ở miền nam Tamil Nadu, trước đây, các khu công nghiệp này chỉ tập trung sản xuất ô tô và thiết bị dành cho thị trường Ấn Độ. Thế nhưng giờ đây, các khu công nghiệp này đã có thêm những công ty đa quốc gia sản xuất đủ loại hàng, từ tấm pin mặt trời, turbine gió, giày dép cho đến đồ chơi trẻ em. Những “nhân tố mới” này đều chọn Ấn Độ như một địa chỉ sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Apple chính là ví dụ điển hình cho làn sóng dịch chuyển Trung sang Ấn. Gã khổng lồ công nghệ đã dần chuyển một số dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Năm 2022, hãng bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi mẫu smartphone đời mới này ra mắt.

Bên trong một nhà máy sản xuất ở Ấn Độ

Theo Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase, ước tính 1/4 sản lượng iPhone trên thế giới vào năm 2025 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Gã khổng lồ công nghệ hiện sản xuất từ 5% - 7% số lượng iPhone ở Ấn Độ, một bước nhảy vọt so với con số 1% vào năm 2021. Ấn Độ sẽ sớm sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn như MacBook cùng các sản phẩm nhỏ hơn như Apple Watch và AirPods, tờ CNBC trích lời Navkendar Singh, phó chủ tịch của International Data Corporation (IDC) Ấn Độ.

Chưa kể, Apple còn khai trương Apple Store đầu tiên ở Ấn Độ - động thái cho thấy hãng đang đặt cược vào “miền đất mới” từ cả sản xuất đến bán lẻ.  Foxconn – đối tác lắp ráp hàng đầu của Apple cũng có khoản đầu tư hơn 200 triệu USD vào nhà máy sản xuất tại nghe AirPods mới tại bang Telangana, theo SCMP.

Đại dịch Covid-19 và chính sách Zero Covid của chính quyền Bắc Kinh đã khiến nhiều “ông lớn” điêu đứng vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như đổ thêm dầu vào lửa, khiến nhiều công ty lớn, không chỉ các công ty công nghệ, chọn mở rộng sản xuất tại Ấn Độ vì không muốn gặp rủi ro khi “bỏ trứng vào một giỏ”.

Các nhà sản xuất giày dép lớn trên thế giới đang tìm kiếm nơi đặt nhà xưởng mới, trong đó Ấn Độ là một ứng cử viên sáng giá. Nhà sản xuất giày dép Crocs đang xây dựng một trung tâm sản xuất tại quốc gia Nam Á này. Trong khi đó, Pou Chen – nhà cung cấp sản phẩm cho Nike và Adidas dự kiến khánh thành cơ sở sản xuất trị giá 280 triệu USD tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Boeing và Airbus cũng mạnh tay đầu tư vào Ấn Độ

Vesta – một trong những nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới đã xây dựng 2 nhà máy mới ở Sriperumbudur để sản xuất linh kiện turbine gió. Một số nhà cung cấp của Vestas cũng mở rộng hoạt động ở Ấn Độ và giảm hoạt động ở Trung Quốc. Theo Charles McCall – Giám đốc cao cấp của Vestas Assembly India cho hay có tới 85% nhà cung cấp của Vesta sẽ đặt nhà máy tại Ấn Độ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, chủ tịch Boeing International khẳng định Ấn Độ là một phần quan trọng trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của nhà sản xuất máy bay này. Boeing đã ký một thỏa thuận đắt giá khi cung cấp cho hãng hàng không Ấn Độ 220 máy bay trị giá khoảng 34 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng.

Boeing hiện có 5.000 nhân viên và 300 nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của mình ở Ấn Độ. Cơ sở sản xuất có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ của Boeing gần đây đã triển khai sản xuất bộ phận đuôi đứng của dòng máy bay 737. Ông lớn khác trong ngành hàng không là Airbus cũng có kế hoạch lắp ráp 40 máy bay C295 tại Gujarat, quê hương của Thủ tướng Narendra Modi thông qua liên doanh Airbus - Tata.

Sức hút khó cưỡng của Ấn Độ

Tìm đến Ấn Độ đặt công xưởng là xu thế khó đảo ngược trong tình hình hiện nay khi đất nước Nam Á này sở hữu nhiều lợi thế, đủ hấp dẫn để “mời gọi” các công ty nước ngoài.

Lợi thế đầu tiên của quốc gia Nam Á này chính là nguồn lao động dồi dào. Vào tháng 4/2023, Ấn Độ chính thức soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số đông hơn với lực lượng lao động chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 – 30 giúp thị trường Ấn Độ hấp dẫn hơn Trung Quốc.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, lực lượng lao động của Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp lại. Khoảng 203 triệu người, chiếm 14,3% dân số Trung Quốc hiện đang trong độ tuổi từ 65 trở lên. Rõ ràng Ấn Độ đang là quốc gia duy nhất có lực lượng lao động đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu nhân công của một “công xưởng thế giới”.

Ấn Độ đang tranh giành "miếng bánh ngọt" của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất cao cấp hơn

Khoảng 40 năm trước, sự bùng nổ dân số Ấn Độ gắn liền với thuật ngữ “chảy máu chất xám”, ám chỉ tình trạng lực lượng lao động trẻ, lành nghề của Ấn Độ di cư sang phương Tây để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, theo thời gian, lực lượng lao động trẻ ở Ấn Độ đã chọn ở lại và là “nguồn nhân lực chính” cho sự bùng nổ của nền kinh tế nội địa.

Không chỉ có sức trẻ, lực lượng lao động của Ấn Độ còn rất năng động. Họ lớn lên trong nền kinh tế thị trường và có cơ hội tiếp cận Internet và những tiến bộ mới của nhân loại. Không thể phủ nhận được rằng chất lượng lực lượng lao động ở Ấn Độ đang ngày càng cải thiện, tờ Time nhận định.

Chi phí lao động của Ấn Độ cũng rẻ hơn đáng kể so với Trung Quốc. Theo báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế công bố vào năm 2022, mức lương lao động phổ thông trung bình hàng tháng ở Trung Quốc là 1.287 USD, trong khi con số này ở Ấn Độ là 208 USD. Lao động giá rẻ từng là một trong những yếu tố đáng cân nhắc khi các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Trung Quốc trong những năm 1980. Giờ đây, Ấn Độ đang sử dụng chính lợi thế này để lặp lại thành công của Trung Quốc.

Tăng trưởng trong nền công nghiệp nội địa cũng đóng vai trò quan trọng giúp Ấn Độ đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa ước mơ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết, tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức 6,1%, vượt xa mức tăng trưởng 4,4% của Trung Quốc trong năm 2023. Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thập kỷ tới và là “nền kinh tế trị giá 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035”, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia nhằm nâng cao tỷ trọng ngành chế tạo trong GDP của quốc gia. Từ năm 2014, chính quyền Modi đã đề xuất kế hoạch “Made in India” với nhiều chính sách hấp dẫn, trong đó phải kể đến việc đưa ra các mức thuế khác nhau cho mỗi giai đoạn sản xuất khác nhau. Từ đó, các công ty sẽ chuyển dần dây chuyền sản xuất về Ấn Độ và tạo ra một hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh.

Chính phủ Ấn Độ đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn

Vào cuối năm 2021, quốc gia Nam Á này phê duyệt kế hoạch thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn với trị giá khoảng 10 tỷ USD. Ấn Độ kỳ vọng sẽ lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu, thúc đẩy họ xây dựng nhà máy và dần đưa quốc gia Nam Á này trở thành trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất điện tử.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ liên tục thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư mạnh vào xây dựng đường cao tốc, đường sắt và sân bay nhằm cải thiện kết nối. Chỉ trong 9 năm ông Modi cầm quyền, Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần chi tiêu hàng năm cho phát triển đường bộ và đường sắt. Ấn Độ còn được dự báo sẽ trở thành thị trường hàng không thương mại lớn thứ 3 thế giới trong 10 năm tới. Sự phát triển của hàng không Ấn Độ sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho việc tìm nguồn cung ứng và hỗ trợ đắc lực cho việc thu hút các công ty nước ngoài.

"Gót chân Achilles" của ông lớn Nam Á

Thế nhưng, Ấn Độ khó có thể tái tạo những lợi thế mà Trung Quốc đã dày công tạo dựng trong nhiều năm qua về quy mô và tốc độ sản xuất trong một sớm một chiều. Nếu như Trung Quốc được ưu ái khi có các quốc gia láng giềng có năng lực và bổ sung cho nhau trong lĩnh vực công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á thì khu vực láng giềng của Ấn Độ vẫn còn kém phát triển về công nghiệp, ngoại trừ lĩnh vực may mặc, trích tờ CNCB.

Bên cạnh đó, theo New York Times, Ấn Độ cần phải giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới khi có quá ít phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Nếu như ở Trung Quốc, có tới hơn 60% phụ nữ trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các công ty thì ở Ấn Độ, con số này chỉ ở mức 20%. “Không có một nền kinh tế sản xuất nào có tỷ lệ như vậy. Kinh tế Ấn Độ không thể phát triển mạnh mẽ nếu phụ nữ không tham gia vào sản xuất”.

Ấn Độ vẫn còn cần khắc phục một số điểm yếu để thực sự trở thành "công xưởng của thế giới"

Tờ Business Insider chỉ ra một điểm cần khắc phục của Ấn Độ trong hành trình trở thành “công xưởng của thế giới” – đó chính là nạn quan liêu và tham nhũng. Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong chế tài và đổi mới nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đến Ấn Độ vẫn phải tuân thủ “hằng hà sa số” quy định khác nhau. Theo xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh được đưa ra bởi Ngân hàng Thế giới vào năm 2019, Trung Quốc đứng thứ 31 trong danh sách 190 quốc gia trong khi Ấn Độ đứng thứ 63.

Chưa kể, Ấn Độ còn chưa nắm được “quân bài chủ lực” giống như Trung Quốc – hệ sinh thái sản xuất. Nói cách khác, Trung Quốc đã xây dựng được một dây chuyền sản xuất lớn đến mức hầu hết các nguyên vật liệu cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều có thể được mua ở trong nước. Điều này cho phép Trung Quốc sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn chưa làm được điều này.

“Ấn Độ sẽ mất hai đến ba năm để học hỏi những kỹ năng sản xuất và nhiều năm để xây dựng chuỗi cung ứng ở mức độ như Trung Quốc đang có. Thế nhưng, họ sẽ làm được”, Vivek Wadhwa – nhà nghiên cứu tại Thung lũng Silicon nhận định.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Đề xuất mở cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng

Đề xuất mở cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng

(VNF) - Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc nối TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng với chiều dài hơn 80km, tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.

Gửi xe thời số hoá: Hàng rào tự mở, tự động trừ tiền

Gửi xe thời số hoá: Hàng rào tự mở, tự động trừ tiền

(VNF) - Người dân không lo bị chặt chém, lại thuận tiện, không mất thời gian khi gửi xe và trải nghiệm dịch vụ thu phí không dừng đối với ô tô tại Phủ Tây Hồ. Đây là một mô hình mới đang được TP. Hà Nội áp dụng, kỳ vọng mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Bổ sung 2 dự án giao thông lớn vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia

Bổ sung 2 dự án giao thông lớn vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung 2 dự án Vành đai 4 TP. HCM và đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành (thuộc dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành.

Mua trước – trả sau: Cơ hội cho Fintech làm chủ 'vùng đất mới'

Mua trước – trả sau: Cơ hội cho Fintech làm chủ 'vùng đất mới'

(VNF) - Trong khi xu hướng mua trước – trả sau (BNPL) đã trở nên thịnh hành trên thế giới thì thị trường BNPL của Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bước vào giai đoạn khởi động để phát triển.

ASML - 'mảnh ghép' độc nhất ngành công nghiệp AI

ASML - 'mảnh ghép' độc nhất ngành công nghiệp AI

(VNF) - ASML Holding là công ty Hà Lan, hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc (photolithography) cho ngành công nghiệp bán dẫn. Công ty này đang là mảnh ghép không thể thiếu góp phần dẫn tới sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới hiện nay.

Top 10 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Top 10 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(VNF) - Tính trong 5 tháng đầu năm 2024, TP. HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 37,8%), điều chỉnh vốn (chiếm 16,4%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 71,1%).

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản dự kiến có hiệu lực từ 1/8

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản dự kiến có hiệu lực từ 1/8

(VNF) - Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8, thay vì tháng 7 như kế hoạch tại Nghị quyết của Chính phủ.

Startup biến 'nguy thành cơ' nhờ chuyển đổi số

Startup biến 'nguy thành cơ' nhờ chuyển đổi số

(VNF) - Dịch Covid-19 rồi đến suy thoái kinh tế khiến cho hầu hết các thị trường ảm đạm, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở Quảng Nam, nhờ áp dụng triệt để chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hạn chế tối đa ảnh hưởng của khủng hoảng.

Choáng ngợp biệt thự rộng 6.000m2 của Bác sĩ thẩm mỹ Hoàng Tuấn

Choáng ngợp biệt thự rộng 6.000m2 của Bác sĩ thẩm mỹ Hoàng Tuấn

(VNF) - Mặc dù không tiết lộ về tổng chi phí đầu tư cho ngôi nhà thứ 2 của mình ở ngoại ô Hà Nội, nhưng chỉ với chi tiết: ông đã bỏ ra gần nửa tỷ để xây dựng phòng karaoke, thì chúng ta có thể đoán được đó là một con số khổng lồ.

Data Center: 'Xương sống' của kinh tế số

Data Center: 'Xương sống' của kinh tế số

(VNF) - Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số hiện nay, cuộc đua phát triển trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Việt Nam ngày càng sôi động, với sự tham gia của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG…

Những sân golf 36 - 54 hố, lớn hàng đầu Việt Nam

Những sân golf 36 - 54 hố, lớn hàng đầu Việt Nam

(VNF) - Golf không còn là một bộ môn thể thao quá xa lạ tại Việt Nam. Hiện nay, có tổng cộng gần 80 sân đang hoạt động trên toàn quốc, trong đó, nhiều sân golf được đầu tư xây dựng với diện tích lớn quy mô 36 - 54 hố, đạt chuẩn quốc tế.