'Còn tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm khi thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế'

Kỳ Thư - 17/10/2022 22:19 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ đánh giá ở một số nơi còn chưa quán triệt đầy đủ tầm quan trọng của Chương trình phục hồi kinh tế, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ. Còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.

VNF
'Còn tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm khi thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế'

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chương trình). Đến ngày 30/9, số vốn giải ngân đạt trên 61.000 tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của chương trình.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến ngày 23/9 đã giải ngân hơn 3.544 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động, vượt số đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu tại thời điểm xây dựng (4 triệu người).

Bên cạnh đó, đến ngày 30/9, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đạt 10.704 tỷ đồng cho gần 240.000 đối tượng, trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm giải ngân 7.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đến hết tháng 9, các ngân hàng đã giải ngân hỗ trợ khoảng 29 tỷ đồng, tạm tính doanh số hỗ trợ lãi suất trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Các loại thuế, tiền thuê đất đã gia hạn 97.895 tỷ đồng, trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 91.525 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án. Đối với các dự án còn lại, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn của chương trình, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi tiếp tục giao kế hoạch vốn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo chỉ ra việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai một số chính sách thuộc chương trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số chính sách thực hiện chưa được như kỳ vọng, còn tình trạng tạo thêm các thủ tục mới tại một số chính quyền địa phương; còn có tâm lý e ngại, sợ sai trong thực hiện…

Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc chương trình.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế giải ngân chậm. Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình rằng cần làm "thận trọng để tránh sơ suất" và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn".

Cùng chuyên mục
Tin khác