Covid-19 'ghìm chân' lợi nhuận ngành dầu khí

Việt Anh - 26/11/2021 09:01 (GMT+7)

(VNF) - Trước biến động mạnh mẽ của giá dầu thế giới cùng diễn biến phức tạp của Covid-19, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp dầu khí trên sàn chứng khoán cho thấy xu thế chững lại sau khoảng thời gian tương đối tích cực nửa đầu năm.

VNF
Covid-19 'ghìm chân' lợi nhuận ngành dầu khí.

Tính đến cuối tháng 9/2021, giá dầu Brent thế giới được giao dịch ở ngưỡng 78,3 USD/thùng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 54,5% so với giá đóng cửa phiên đầu tiên của năm. Tuy nhiên, so với quý liền trước, giá dầu Brent chỉ tăng khoảng 5%, phản ánh tốc độ tăng trưởng đã chậm dần sau nhiều tháng bứt tốc. Đồng thời, giá dầu Brent quý này cũng liên tục thăng giáng, thiếu ổn định hơn khoảng thời gian trước.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế, gây đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ cũng khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm rất mạnh.

Trong bối cảnh đó, nhóm doanh nghiệp hạ nguồn (các đơn vị chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng) chịu tác động lớn nhất. Quý III/2021, “ông lớn” chiếm tới 50% thị phần bán lẻ xăng dầu nội địa là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã ghi nhận sản lượng kinh doanh chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ chuyện làm ăn của công ty mẹ bị đình đốn, các đơn vị thành viên của PLX hoạt động trong lĩnh vực khác như vận tải, nhiên liệu bay, kho bãi, hóa dầu... cũng đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Giá dầu thế giới bất ổn nhiều tuần là nguyên nhân làm biên lợi nhuận của PLX “bay hơi” gần một nửa về còn 5,8% trong quý III, trong khi doanh thu thuần vẫn tăng 26% dựa trên nền so sánh thấp cùng kỳ năm trước. Kết quả là PLX chỉ đem về 79,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn 91% mức thực hiện quý III/2020 và giảm tương ứng 89% và 95% so với quý I và II năm nay.

Một “đại gia” khác sở hữu 20% thị phần bán lẻ xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, HoSE: OIL) cũng vừa có một quý lao đao với lợi nhuận sau thuế giảm tới 80% so với quý liền kề, xuống vẻn vẹn 57 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn cải thiện so với mức lỗ 16,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng rất khốn đốn khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước xuống mức thấp. Hồi đầu tháng 8, BSR đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ khi sản lượng tiêu thụ giảm dữ dội, khiến tồn kho của doanh nghiệp tăng vọt và dẫn tới nguy cơ vượt sức chứa. Khi ấy, BSR đã buộc phải nghĩ tới chuyện dừng hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất. BSR sau đó báo lãi sau thuế quý III/2021 giảm tới 74% so với quý liền trước, xuống 476 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, BSR vẫn báo lãi tăng 175% nhờ nền so sánh thấp.

Có phần khả quan hơn nhóm hạ nguồn, nhóm trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối dầu khí) với đầu tàu là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS) ghi nhận tình hình kinh doanh tương đối tích cực. Ngoài động lực từ giá dầu Brent, việc giá khí đạt đỉnh 12 năm trở lại đây cũng giúp bồi đắp đáng kể cho lợi nhuận của GAS do đơn vị này đang nắm giữ xấp xỉ 70% thị phần LPG toàn quốc và sở hữu lượng hàng tồn kho dồi dào tích trữ từ mức giá thấp.

Đồng thời, các yếu tố bổ trợ về giá cũng làm lu mờ tác động của sự sụt giảm về sản lượng tiêu thụ khí và LPG trong quý III, thời điểm mà các khách hàng lớn nhất là khối doanh nghiệp buộc phải dừng, cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh vì Covid-19.

Theo đó, quý vừa qua, GAS vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.463 tỷ đồng, cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đó cũng là kết quả tốt nhất doanh nghiệp đạt được trong 3 quý đầu năm.

Cũng là doanh nghiệp ở phân khúc trung nguồn, song Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) lại tỏ ra “đuối” hơn trong quý III do hoạt động kinh doanh chủ yếu là vận chuyển dầu thô khai thác trong nước. Trước tình trạng bị cắt giảm lượng lớn sản lượng hàng hóa, PVT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý III cùng giảm 10% so với cùng kỳ, về mức 1.680 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Trên thực tế, kết quả kém tích cực trên cũng tới từ các khoản chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, việc giao, nhận hàng giữa thời Covid-19 cũng đè nặng lên dòng tiền chi ra của doanh nghiệp.

Về phía thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), sản lượng khai thác trong quý III vẫn chưa thể thoát ra khỏi xu thế chững lại, đồng thời căng thẳng trên khu vực biển đã làm gián đoạn công tác đưa các mỏ mới vào hoạt động, trong khi các mỏ lớn tuổi có chi phí khai thác cao. Thế nhưng, từ những chuyển động tích cực của riêng từng doanh nghiệp thượng nguồn, quý vừa qua lại là một mùa kinh doanh tốt nhất trong 3 quý năm 2021.

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) là một điển hình “vượt khó”. Do khối lượng công việc khá ít ỏi, doanh nghiệp này thậm chí còn không ghi nhận doanh thu giàn khoan thuê trong khi quý III/2020 có 1,7 giàn. Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng sở hữu cũng giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến doanh thu giảm 20% xuống 1.010 tỷ đồng. Tuy nhiên do tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng, cùng việc tiết giảm các chi phí (bảo dưỡng thường xuyên, quản lý chung) đã giúp lãi sau thuế của PVD vẫn tăng 47% so với cùng kỳ lên 55 tỷ đồng.

Tương tự PVD, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cũng ghi nhận doanh thu giảm 33% xuống còn 3.980 tỷ đồng trong quý III, thế nhưng may mắn có được phần lãi đột biến của các công ty liên doanh và từ nguồn thu nhập khác do đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành theo quy định của hợp đồng, PVS vẫn báo lãi tăng trưởng 8% trong quý III, đạt 240 tỷ đồng.

Nhận định về triển vọng của ngành dầu khí trong quý IV, nhiều công ty chứng khoán đều có chung quan điểm tích cực. Trước hết, sau khi Chính phủ có động thái nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở cửa lại nền kinh tế từ cuối tháng 9 thì hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần được khôi phục, lưu lượng di chuyển cộng đồng trong nước đã tăng trở lại.

Đây là động lực rõ ràng nhất, kỳ vọng sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trở về mức cao hoặc ít nhất là về thời điểm trước khi làn sóng thứ tư bùng phát. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đã liên tiếp điều chỉnh tăng từ cuối tháng, thời gian gần đây đã nhảy vọt lên mức rất cao trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu đang ngày càng trầm trọng.

Các chuyên gia cũng dự báo giá dầu Brent sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay trong quý IV, giữa bối cảnh nguồn cung vẫn bị thắt chặt, còn nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, đặc biệt ở các nước lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc.

Mặt khác, giá dầu ở mức cao cũng giúp thị trường thuê giàn khoan sôi động trở lại trong quý IV. Đây là tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn.

Cùng chuyên mục
Tin khác