'Cửa' nào cho hệ thống bán lẻ xăng dầu tiếp tục kinh doanh?
Hoàng Tú -
28/03/2023 08:11 (GMT+7)
Hiện nay, trên nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện tình trạng một số chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DN BLXD) làm đơn xin giải thể, sang nhượng cây xăng vì kinh doanh thua lỗ. Dự thảo Nghị định quản lý về kinh doanh xăng dầu sắp đến hạn trình Chính phủ. Liệu có “cửa” nào sáng để hệ thống bán lẻ tiếp tục kinh doanh?
Nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ giải thể
Đại diện một số DN BLXD cho biết, thời điểm hiện nay chiết khấu cho bán lẻ vẫn rất thất thường, chỉ tăng cao hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn khi các ban, ngành liên tục có hội thảo về kinh doanh xăng dầu. Hơn một năm nay DN BLXD vẫn trong tình trạng mang tiền nhà ra kinh doanh để giữ được chuỗi bán lẻ.
Tất cả DN BLXD đều đang rất hy vọng những tiếng kêu than của họ đến được các cơ quan làm chính sách. Bởi nếu vẫn duy trì chính sách giá như cũ, không phân chia rõ ràng lợi nhuận của từng mắt xích thì DN BLXD sẽ tiếp tục kinh doanh thua lỗ, đặc biệt vào các kỳ giá xăng dầu được điều hành giảm theo giá thế giới.
Thậm chí, một chủ DN BLXD còn cho rằng, nếu kiến nghị đưa chi phí định mức cố định vào nghị định sửa đổi lần này không đến được nơi cần đến hoặc không được xem xét và “Khi nghị định sửa đổi được ban hành mà không có chi phí định mức cho DN BLXD, thì tôi tin rằng trên 60% DN nhỏ lẻ như mình sẽ phải phá sản, giải thể hoặc bán lại” - đại diện một DN BLXD chia sẻ.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) bày tỏ: “Trong lúc khó khăn, DN BLXD chúng tôi chỉ cần chi phí định mức để duy trì hoạt động phục vụ cho nền kinh tế, đảm bảo sao cho không lỗ hoặc đứt vốn, dẫn đến phải bán đất đai, cầm cố tài sản. Nếu tình hình không được cải thiện, nếu vẫn không quy định cụ thể chi phí định mức dành cho khâu bán lẻ thì chúng tôi sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bấp bênh, cho đến khi không còn gì để bán thì chúng tôi 'chết từ từ' và hệ thống sẽ ngưng hoạt động”.
Thậm chí, DN BLXD còn rơi vào tình trạng kinh doanh mà không được quyền tự chủ làm gì. “Chúng tôi hiện đang ở tình thế kinh doanh mà hiệu quả do người khác quyết định và không hề có một thỏa thuận nào. Kiểu kinh doanh giống như kêu hùn vốn cùng kinh doanh nhưng lời thì chia mà lỗ cũng phải làm chứ không được rút vốn, không được nghỉ làm, cùng nhau hoạt động đến khi nào đứt vốn thì thôi” - ông Giang Chấn Tây nói.
Hầu hết các DN BLXD đều khẳng định, nếu không có chi phí định mức cho DNBL thì DNBL hoạt động không an toàn. Không ai đảm bảo DNBL được chiết khấu trên điểm hoà vốn. Nếu không có chi phí định mức thì DNBL không thể chủ động trong việc kinh doanh mang tính thường xuyên và xuyên suốt được.
Phải quy định cụ thể định mức cho 3 khâu trong mắt xích kinh doanh
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng chia sẻ với PLVN, các DN BLXD cần phải tự thỏa thuận với đầu mối kinh doanh hoặc thương nhân phân phối phần chiết khấu cho đại lý, đưa khoản này vào hợp đồng cụ thể. Tuy nhiên, các chủ DN BLXD đều cho rằng “không có cửa để thỏa thuận với DN đầu mối hay thương nhân phân phối vì chúng tôi đã từng đề nghị nhưng các công ty xăng dầu làm việc trực tiếp với chúng tôi đều cho biết hợp đồng từ trên áp xuống, không thể sửa được” - một DN BLXD chia sẻ.
Hơn nữa, hiện nay, nhóm BLXD cho rằng, họ không đòi chiết khấu đại lý bán lẻ (dù theo luật quy định, các đại lý bán lẻ phải được hưởng con số % nhất định trong giá bán ra) mà họ đang muốn nói đến phần chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận kinh doanh định mức. Theo quy định, chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận kinh doanh định mức phải được chia cho đủ 3 khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ nhưng vì khoản này không được quy định cụ thể nên họ đang bị “tước đoạt”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) phân tích, thực tế hiện nay, DN BLXD thực hiện quan hệ mua - bán bình đẳng (mua hàng trả tiền, không phải hình thức giao - nhận đại lý) với DN đầu mối hoặc thương nhân phân phối nhưng trong giá cơ sở và giá bán lẻ được cơ quan nhà nước điều hành, không hề chỉ ra phần chi phí dành cho DN BLXD. Trong khi, hệ thống các cửa hàng trực thuộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu đều được hưởng phần chi phí lợi nhuận định mức và phần chi phí kinh doanh định mức và được đưa vào chi phí vận hành DN.
“Như vậy, DN BLXD không được hưởng phần lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh định mức đã được quy định tại nghị định và thông tư liên quan đến kinh doanh XD. Trong khi đó, DN BLXD mang danh là đại lý bán lẻ nhưng thực tế đã phải bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách Nhà nước độc lập. Tuy nhiên, chúng tôi không được hưởng đầy đủ phần lợi ích và lợi nhuận phải được hưởng” - ông Thắng nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone