Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Tiếp nối đà tăng trưởng trên 30% của năm 2021, bước sang quý I/2022, lợi nhuận ngân hàng niêm yết tiếp tục tăng trưởng trên 30%. Cụ thể, thống kê của Đầu tư Tài chính với 27 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế quý vừa qua ở mức gần 68.200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín dụng tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực khi đem về gần 98.100 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng 19,1%.
Đi sâu hơn, tương tự như những quý trước, các ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhờ tối ưu chi phí huy động vốn dù lãi suất bắt đầu đối mặt với áp lực nhất định. Theo đó, chi phí huy động mảng tín dụng chỉ tăng 3,9% nên dù doanh thu mảng tín dụng chỉ tăng 11,6% nhưng chênh lệch thu – chi (thu nhập lãi thuần) vẫn tăng tới 19,1%, như đã đề cập phía trên.
Chi phí huy động của một số ngân hàng thậm chí còn suy giảm như trường hợp của ACB, SHB, MSB, SeABank, Eximbank, BacABank, VietBank, VietABank, NCB, Kienlongbank, Saigonbank. Tuy nhiên, vẫn có một số ít ngân hàng ghi nhận chi phí tăng mạnh hơn doanh thu trong mảng tín dụng, có thể kể đến VietinBank, Sacombank và PGBank.
Với các mảng kinh doanh phi tín dụng, tăng trưởng còn khả quan hơn khi đạt mức 31,5%, với tổng lãi thuần đem về gần 36.100 tỷ đồng. Dù vậy, có sự phân hóa rõ nét giữa các mảng kinh doanh khác nhau.
Mảng dịch vụ vẫn đều đặn đi lên khi tăng trưởng lãi thuần đạt mức 14%, lên trên 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, màn trình diễn ở các ngân hàng lại rất khác nhau. Có những ngân hàng ghi nhận lãi thuần mảng dịch vụ suy giảm như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Eximbank. Ngược lại, có những ngân hàng tăng trưởng rất mạnh như MSB, SeABank, NamABank, NCB đều tăng trên 100% hoặc như HDBank, Sacombank, TPBank cùng tăng trên 80%; trong đó TPBank gây ấn tượng bởi lãi thuần từ hoạt động thanh toán tăng rất mạnh, các ngân hàng còn lại phần lớn tới từ nguồn thu không thường xuyên.
Tích cực hơn, mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận tăng trưởng lãi thuần lên đến 49%, đạt gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank, MSB, BAB, KLB, SGB tăng trưởng hàng trăm phần trăm.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác đem về tới trên 14.000 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 113%, phần lớn nhờ thương vụ gia hạn hợp đồng bancassurance giữa VPBank và AIA tạo ra thu nhập đột biến ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần ở mức 296 tỷ đồng, tăng 16%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán diễn biến kém khả quan nhất. Cụ thể, tổng lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh của 27 ngân hàng niêm yết chỉ vỏn vẹn… 155 tỷ đồng trong quý I/2022, giảm tới 85,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 1.926 tỷ đồng, giảm mạnh 40%.
Chốt quý I/2022, tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 134.142 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. VietABank, SHB, VPBank là 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cao nhất.
Nhờ chi phí hoạt động tăng chậm hơn (ở mức 12%) nên khấu trừ thu nhập – chi phí, tổng lợi nhuận thuần còn lại là 93.752 tỷ đồng, tăng trưởng 27%.
Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thấp hơn, ở mức 18%, nên lợi nhuận sau dự phòng (tức lợi nhuận trước thuế) của 27 ngân hàng niêm yết đạt mức tăng trưởng 30,7%, lên 68.199 tỷ đồng.
Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất là Eximbank, VPBank và VietABank, đều ở mức 3 chữ số, lần lượt đạt 278%, 178% và 171%. Bên cạnh đó, SHB và SeABank cũng là ngân hàng gây ấn tượng khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 94% và 87%.
Một số ngân hàng niêm yết khác tăng trưởng trên mức trung bình có thể kể đến: Saigonbank (68%), LienVietPostBank (61%), Sacombank (59%), PGBank (55%), NamABank (40%), BIDV (33%) và ACB (33%). “Ông lớn” Vietcombank chỉ đạt tăng trưởng “bình bình”, ở mức 15%.
Trong số các ngân hàng suy giảm lợi nhuận trong quý vừa qua, có sự xuất hiện của “ông lớn” VietinBank với mức giảm lên tới 28%. Tuy nhiên, sự suy giảm này không hẳn tiêu cực bởi mức nền lợi nhuận quý I/2021 là cao đột biến.
Quán quân lợi nhuận ngân hàng quý I/2022 thuộc về VPBank với 11.146 tỷ đồng trước thuế, cao hơn 12% so với “á quân” Vietcombank. Đây là sự hoán đổi vị trí đáng chú ý nhất trên bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý vừa qua.
Vững vàng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Techcombank và MB, không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong số 4 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý I/2022, có tới 3 ngân hàng ngoài quốc doanh, đặc biệt, quán quân lợi nhuận cũng thuộc về ngân hàng ngoài quốc doanh. Điều này cho thấy các ngân hàng quốc doanh ngày càng hụt hơi trong cuộc đua lợi nhuận.
Vị trí thứ 5 thuộc về VietinBank, rớt mạnh so với vị trí thứ 2 ngân hàng này đạt được trong quý I/2021. Vị trí thứ 6 và thứ 7 lần lượt thuộc về BIDV và ACB, không thay đổi so với cùng kỳ.
Top 10 ngân hàng niêm yết có lợi nhuận trước thuế lớn nhất Việt Nam cũng gọi tên SHB, HDBank và VIB.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng niêm yết có lợi nhuận trước thuế thấp nhất gồm: NVB (25 tỷ đồng), Saigonbank (99 tỷ đồng), VietBank (113 tỷ đồng), PGBank (127 tỷ đồng), Kienlongbank (127 tỷ đồng) và VietCapitalBank (174 tỷ đồng).
Nhìn nhận sòng phẳng, sở dĩ VPBank lên ngôi đầu lợi nhuận trong quý I năm nay là do khoản lợi nhuận đột biến đến từ thương vụ gia hạn hợp đồng bancassurance với AIA. Nếu tính tổng lợi nhuận trước thuế 4 quý gần nhất (từ quý II/2021 đến quý I/2022), Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu, xếp sau là Techcombank và tiếp theo mới đến VPBank.
Top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc như VietinBank, BIDV, ACB, HDBank, VIB và SHB.
Không phải các ngân hàng cỡ nhỏ, những ngân hàng đem lại tỷ suất sinh lời hiệu quả nhất đều có quy mô vừa và lớn.
Cụ thể, tính toán tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của 27 ngân hàng niêm yết trong 4 quý gần nhất cho thấy, VIB là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất với ROEA lên đến 34%. Theo sau đó cũng đều là các ngân hàng có vốn chủ sở hữu bình quân trên 20.000 tỷ đồng như ACB (28%), MB (28%), HDBank (27%), Techcombank (26%) và Vietcombank (25%).
Trong số 10 ngân hàng có ROEA thấp nhất, có tới 7 ngân hàng có vốn chủ sở hữu bình quân dưới 10.000 tỷ đồng, 1 ngân hàng có vốn chủ sở hữu “khủng” trên 90.000 tỷ đồng là VietinBank và 2 ngân hàng đang tái cấu trúc là Sacombank và Eximbank.
Không chỉ ROEA, nếu xét đến tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân (ROAA), hiệu quả kinh doanh vẫn nghiêng về các ngân hàng có quy mô vừa và lớn.
Đứng đầu về ROAA đang là Techcombank với 4,1%. Theo sau là 2 ngân hàng ngoài quốc doanh lớn là VPBank và MB với lần lượt 3,9% và 2,8%.
Các ngân hàng cỡ vừa như OCB, MSB và VIB cũng có ROAA cao, lần lượt ở mức 2,7%, 2,7% và 2,6%. Các ngân hàng còn lại trong top 10 có ROAA cao nhất gồm: ACB (2,5%), HDBank (2,2%), TPBank (2,1%) và Vietcombank (2%).
Có phần tương tự như ROEA, trong số 10 ngân hàng có ROAA thấp nhất có 7 ngân hàng có tổng tài sản bình quân chưa tới 120.000 tỷ đồng (các ngân hàng này cũng đều có vốn chủ sở hữu bình quân dưới 10.000 tỷ đồng). Đáng chú ý, 2 “ông lớn” quốc doanh là BIDV (tổng tài sản bình quân trên 1,8 triệu tỷ đồng) và VietinBank (tổng tài sản bình quân trên 1,5 triệu tỷ đồng) cũng góp mặt trong top 10 ngân hàng có ROAA thấp nhất. Trường hợp còn lại là Sacombank đang trong giai đoạn tái cấu trúc.
Có thể thấy, nếu ngân hàng cỡ nhỏ thì khó tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô, tuy nhiên nếu ngân hàng quá lớn thì tính linh hoạt lại kém đi, khả năng sinh lời theo đó cũng bị ảnh hưởng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.