Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Biển hiệu “Cần phát huy tình thần tự lực, tự cường về khoa học công nghệ, nắm bắt mọi thời điểm để tạo đột phá trong các vấn đề quan trọng” nằm nổi bật trên đường cao tốc Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) dẫn đến trụ sở của nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất Trung Quốc.
Đó là những lời mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong chuyến thăm công ty chuyên sản xuất robot dùng trong ngành sản xuất ô tô Siasun Robot & Automation vòa tháng 8/2022.
Chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra 2 tháng sau khi một cổ đông lớn của Viện Tự động hóa Thẩm Dương bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen của xuất khẩu.
Trong bối cảnh Washington nỗ lực ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu, Trung Quốc đã tìm thấy một tương lai đầy tiềm năng ở khu vực “vành đai gỉ sét” phía Đông Bắc, gần biên giới với Nga.
Vùng Đông Bắc của Trung Quốc bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và một phần của khu tự trị Nội Mông. Nơi đây từng được so sánh với thành phố Detroit của Mỹ khi góp phần không nhỏ trong sự phát triển công nghiệp nặng và quân sự của Trung Quốc vào những năm 1950.
Tuy nhiên, khu vực này đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau trong suốt nhiều thập kỷ sau đó kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978. Từ một thủ phủ công nghiệp trọng điểm của quốc gia, vùng Đông Bắc đã trở thành “vành đai gỉ sét”, thậm chí là “gánh nặng” của quốc gia châu Á.
Thế nhưng, khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng hướng nội hơn, khu vực gần biên giới Nga này lại đang dần thu hút sự chú ý của chính quyền Bắc Kinh và đứng trước cơ hội “hồi sinh”.
Vào đầu tháng 9, khi các nhà lãnh đạo thế giới khác tập trung tại New Delhi để dự Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình lại đến thăm Hắc Long Giang. Đây là chuyến đi thứ 10 của ông tới vùng Đông Bắc kể từ khi lên nắm quyền 11 năm trước.
“Hiện tại, chúng ta đang có thêm nhiều cơ hội mới để thúc đẩy quá trình hồi sinh toàn diện vùng Đông Bắc Trung Quốc”, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc nói trong một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại thủ phủ tỉnh Cáp Nhĩ Tân.
Theo Sinolink Securities, “khi xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, việc đẩy nhanh chuyển đổi công nghiệp, nâng cấp và đạt được công nghệ cao đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế ngắn hạn và trung hạn của Trung Quốc”. Và Bắc Kinh đã giao phó cho khu vực Đông Bắc nhiều nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình này.
Trên thực tế, nỗ lực hồi sinh vùng Đông Bắc đã chính thức được triển khai từ cách đây 20 năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, việc hồi sinh vành đai gỉ sét vẫn chưa được như kỳ vọng. Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã nhìn thấy những hy vọng mới tại khu vực này.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của 3 tỉnh phía Đông Bắc nhìn chung đã vượt xa cả nước với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 7,5%, 7,6% và 5,1%. Yếu tố đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng công nghiệp tại khu vực này là các ngành sản xuất tiên tiến.
Lấy nền kinh tế Liêu Ninh, nơi chiếm gần ½ tổng GDP của khu vực, làm ví dụ. Nền kinh tế của tỉnh thành này từng khốn đốn trước sự sụp đổ của hàng loạt công ty lớn nhỏ trong cuộc suy thoái kinh tế. Chưa kể, tốc độ già hóa dân số tại Liêu Ninh thuộc top nhanh nhất ở Trung Quốc khiến nơi đây trở nên kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong 3 quý năm 2023, kinh tế Liêu Ninh tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng 5,2% của cả nước. Năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên GDP của Liêu Ninh vượt qua GDP của Trung Quốc trong vòng một thập kỷ qua.
Sản xuất thiết bị là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất tại Liệu Ninh với mức tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực này bao gồm các ngành sản xuất tiên tiến như ô tô, hàng không vũ trụ và đóng tàu, những thế mạnh vốn có của Liêu Ninh.
Là trung tâm của khu vực Đông Bắc nói chung và tỉnh Liêu Ninh nói riêng, thành phố Thẩm Dương đang lấy sản xuất thiết bị làm ngành công nghiệp trụ cột. Nhờ sự đóng góp của các ngành công nghiệp này, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Thẩm Dương đạt 18% trong quý I, đứng đầu trong số 15 thành phố trực thuộc tỉnh của Trung Quốc.
Tín hiệu tích cực của nền kinh tế Liêu Ninh là kết quả của cuộc cải cách cơ cấu đầy “đau đớn” kéo dài cả thập kỷ qua. Liêu Ninh đã thực hiện cải cách đối với hệ thống và cơ chế kinh tế của khu vực, tích cực hấp thụ vốn từ khu vực nước ngoài, tư nhân và đặc biệt là việc ban hành thêm nhiều quy định mới nhằm tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp “lớn nhưng yếu”.
Tập đoàn thiết bị điện lạnh và điều hòa không khí khổng lồ Bingshan Group, có trụ sở tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã trải qua hai đợt cải tổ quyền sở hữu kể từ năm 2008. Một phần ba cổ phần của tập đoàn này hiện thuộc sở hữu của chính quyền thành phố, trong khi phần còn lại đã được tư nhân hóa hoặc bán cho các công ty nước ngoài, trong đó có Panasonic của Nhật Bản.
Tập đoàn Công nghiệp nặng Phương Bắc cũng có những bước tiến ấn tượng sau quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2019, khi tập đoàn tư nhân Fangda Group trở thành cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất thiết bị khai thác mỏ và kỹ thuật đường hầm này.
Liêu Ninh cũng tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại của mình. Hơn 110 loại khoáng sản được phát hiện tại Liêu Ninh, trong đó trữ lượng sắt, boron, magnesit, kim cương, bột talc, ngọc bích và gần 10 loại khoáng sản khác ở Liêu Ninh đứng đầu cả nước.
Giao thông đường bộ và đường thủy phát triển cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển ngoạn mục của tỉnh này. Liêu Ninh không chỉ có mạng lưới đường sắt dày đặc nhất Trung Quốc mà còn là tỉnh duy nhất ở phía Đông Bắc Trung Quốc có đường bờ biển với Đại Liên, Dinh Khẩu, Hồ Lô Đảo và các bến cảng tự nhiên khác.
Những lợi thế này đã được Liêu Ninh tận dụng thành công và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế tỉnh. Nơi đây thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu sắt thép, doanh nghiệp hóa chất, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thô, cũng như doanh nghiệp sản xuất công cụ gia công,…
Để giải quyết vấn đề nhân lực, trong những năm qua, Liêu Ninh đã tăng cường củng cố và phát triển hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học ở các trường dạy nghề, đại học và viện nghiên cứu. Vấn đề cạn kiệt nguồn lao động đã được giải quyết đáng kể bằng cách sử dụng các công nhân lành nghề kết hợp với những công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Công cuộc cải cách đầy mạnh mẽ và quyết liệt đã giúp Liêu Ninh “thoát kén” và rũ bỏ hoàn toàn nền công nghiệp xưa cũ. Sự thành công của Liêu Ninh đã chứng minh được sự đúng đắn của chính quyền Bắc Kinh khi quyết định hồi sinh lại khu vực Đông Bắc đầy tiềm năng.
Vị thế của khu vực Đông Bắc đã được củng cố trong những năm gần đây, phù hợp với chiến lược “lưu thông kép” của Bắc Kinh nhằm kêu gọi thúc đẩy khả năng tự lực của Trung Quốc trước những bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.