Cuộc đời bươn chải của tỷ phú Lý Gia Thành

Phiên An - 16/09/2019 15:42 (GMT+7)

Chưa đầy 16 tuổi, ông Lý Gia Thành phải nghỉ học nhưng 18 tuổi ông đã là giám đốc nhà máy và nay thuộc nhóm những người giàu nhất châu Á.

Sau khi gia đình di cư từ miền nam Trung Quốc trong Thế chiến II, cha ông Lý Gia Thành qua đời vì bệnh lao. Ông phải nghỉ học trước 16 tuổi để làm việc trong một nhà máy nhựa.

Trong gần 4 năm Nhật chiếm đóng Hong Kong, ông gửi 90% tiền lương cho mẹ. Ông trở thành nhân viên kinh doanh hàng đầu và thăng chức lên giám đốc nhà máy năm mới 18 tuổi.

Ông làm việc chăm chỉ từ nhỏ, thường làm việc 16 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Thói quen này, theo lời ông, vẫn tiếp tục được duy trì ở tuổi 89. Ảnh: Indochink

 

Với tư cách là lãnh đạo và có tầm nhìn, ông mở nhà máy Cheung Kong Industries đầu tiên năm 1950, ở tuổi 22. Nhà máy sản xuất tất cả đồ nhựa, đặc biệt là hoa nhựa. Ông dự đoán nhựa sẽ trở thành ngành công nghiệp bùng nổ, và ông đã đúng. Ảnh: WikiMedia Commons

 

Sau thành công của nhà máy Cheung Kong chỉ với khoảng 50.000 USD, ông sẵn sàng tìm hiểu các xu hướng công nghiệp mới nhất. "Sự tương quan giữa kiến thức và kinh doanh là chìa khóa dẫn đến thành công gần hơn bao giờ hết", ông nói. Ảnh: WikiMedia Commons

 

Mặc dù bỏ học từ nhỏ và chưa bao giờ nhận bằng đại học, Lý Gia Thành luôn là một người ham đọc và nói rằng bản thân thành công nhờ khả năng tự học. Chẳng hạn, ông ta đã tự hoàn thành sổ kế toán của Cheung Kong trong năm đầu tiên mà không có kinh nghiệm kế toán. Ông chỉ đơn giản là tự học từ giáo trình. Ảnh: Forbes

 

Tính tiết kiệm từ thời thơ ấu đã phần nào ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Chính sách không nợ của Lý Gia Thành có nghĩa là các công ty của ông hoạt động bằng cách ít vay nợ nhất có thể. Ảnh: Indochink

 

Cùng với kiến thức và hiểu biết về các ngành công nghiệp, ông Lý coi trọng uy tín và danh tiếng như chìa khóa thành công. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 với Forbes, ông nói: "Bất cứ khi nào tôi nói ‘vâng, với ai đó, thì đó là một hợp đồng".

Năm 1956, ông từ chối một đề nghị mang lại thêm 30% lợi nhuận vì đã hứa miệng với người mua khác. Ông vẫn giữ nguyên tắc này đến nay, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc mất tiền. Ảnh: Reuters

 

Năm 1979, ông Lý thắng lớn khi mua quyền kiểm soát Hutchison Whampoa từ HSBC Holdings. Ông đã đàm phán để mua cổ phần Hutchison với giá thấp hơn một nửa giá trị và trở thành người gốc Hoa đầu tiên sở hữu một trong những công ty do Anh kiểm soát, thống trị Hong Kong kể từ những năm 1800. Ảnh: Zhongwanhang

 

Mặc dù được biết đến chủ yếu như một nhà phát triển bất động sản nhưng các công ty của ông kiểm soát 70% lưu lượng cảng và hầu hết tiện ích điện và viễn thông ở Hong Kong. Ông cũng sở hữu phần lớn cổ phần của Husky Energy, một công ty Canada. Ảnh: Reuters

 

Tỷ phú Lý Gia Thành thích dùng tiền để đầu tư và khá khiêm tốn về vật chất. Ông đeo chiếc đồng hồ Citizen 50 USD trong nhiều năm trước khi chuyển sang một chiếc Seiko rẻ không kém. Những năm gần đây, ông đã nâng cấp lên chiếc Citizen mới giá 400 USD. Ảnh: Reuters

 

Một trong những thương vụ thành công lớn nhất của ông là bán công ty điện thoại di động Orange cho tập đoàn Mannesmann AG (Đức) với lợi nhuận 15 tỷ USD vào năm 1999. Ông luôn có các chiến lược để đảm bảo an toàn trước bất kỳ biến động nào của thị trường. "Tôi không quá lạc quan khi thị trường tốt, cũng không quá bi quan khi thị trường đi xuống", ông nói. Ảnh: Reuters

 

Tỷ phú Lý Gia Thành cũng có sở thích đầu tư vào các công ty công nghệ, nhưng phải là các công ty ông thấy có sự đột phá. Hoạt động đầu tư được tiến hành thông qua Horizons Ventures, một quỹ công nghệ do người bạn lâu năm là Solina Chau điều hành. Ông là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của Facebook, Spotify và một startup nghiên cứu thay thế trứng bằng một sản phẩm thực vật. Ảnh: AFP

 

Không phải lúc nào việc làm ăn của ông cũng thuận buồm xuôi gió. Năm 2013, ông đối diện một cuộc đình công lớn và bị các đoàn thể phỉ báng. Trong bức ảnh, người đình công cầm mặt nạ gương mặt ông với dòng chữ 'quái vật' viết lên trán. Ảnh: Reuters

 

Năm 2012, ông tuyên bố sẽ giao Cheung Kong cho con trai cả Victor Li, và giúp tiền cho con trai thứ hai Richard phát triển kinh doanh riêng. Đến năm 2018, ông tuyên bố sẽ nghỉ hưu để tập trung vào quỹ từ thiện của mình, mà ông đã gọi là "con trai thứ ba".

Tỷ phú Lý Gia Thành nói rằng ông hy vọng châu Á trở nên giàu có hơn, những người khác cũng sẽ như ông mà làm từ thiện. Ông cam kết sẽ cho đi một phần ba khối tài sản trị giá 27,8 tỷ USD của mình. Ảnh: Reuters

 

Chính trị bất ổn tại Hong Kong khiến cá nhân ông mất 3 tỷ USD trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 8. Tuy nhiên, mất mát không ngăn được gia đình ông thực hiện các thương vụ. CK Asset Holdings, hiện do con trai Victor điều hành, đã thâu tóm chuỗi Greene King của Anh với giá 5,6 tỷ USD vào ngày 19/8. Greene King sở hữu 2.700 quán rượu, nhà hàng và khách sạn. Ảnh: AP
Theo VNE/Business Insider
Cùng chuyên mục
Tin khác