Cựu Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đang điều trị bệnh, phải có người dìu đến tòa

Tiểu An - 16/01/2025 11:18 (GMT+7)

(VNF) - Tại toà, cựu bộ trưởng, cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cần 2 người dìu, tay run, khi trả lời giọng yếu, đứt quãng.

Sáng 16/1, ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến việc “bẻ lái” kết luận thanh tra, dẫn đến thâu tóm dự án Sài Gòn Đại Ninh. Bị cáo bị buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và hiện đang được tại ngoại.

Ông Dũng được hai người dìu vào phòng xét xử và trong suốt quá trình trả lời Hội đồng xét xử, ông vẫn cần sự hỗ trợ để đứng dậy. Trong phiên tòa, ông ho liên tục và có vẻ yếu ớt. Khi đến tòa, ông Dũng đội mũ lưỡi trai và đeo khẩu trang kín mặt, được hai người dìu vào từ ngoài.

Ông Mai Tiến Dũng (giữa) được 2 người dìu tới toà

Luật sư Trần Nam Long, bào chữa cho ông Dũng, cho biết thân chủ của mình hiện đang điều trị bệnh rối loạn tiền đình và di chứng nhồi máu não. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cho phép ông Dũng nằm tại phòng điều trị y tế khi không tham gia các phần xét hỏi và được ngồi khi khai báo.

Tương tự, luật sư của ông Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Công ty Giáo dục Văn Lang và Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) thông báo thân chủ cũng đang điều trị bệnh cột sống tại bệnh viện và xin cho ông Trí được ngồi khi khai báo.

Chủ tọa phiên tòa cho biết tòa đã chuẩn bị tổ y tế sẵn sàng và nếu có vấn đề sức khỏe trong quá trình xét xử, các bị cáo có thể được hỗ trợ.

Khi Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng dài 27 trang, ông Dũng và ông Trí được phép ngồi để nghe nội dung cáo trạng.

Hội đồng xét xử đã triệu tập 38 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, trong đó có đại diện từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và nhiều đơn vị khác.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh chụp màn hình

Theo cáo trạng, vào năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được giao thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình thanh tra công tác quản lý đất đai và đầu tư xây dựng tại Lâm Đồng từ năm 2013 đến 2018, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, đã thỏa thuận mua lại dự án. Ông Trí đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân, dùng tiền và lợi ích vật chất để câu kết với các cá nhân tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, nhằm thay đổi, điều chỉnh quyết định của Nhà nước một cách trái phép. Hành động này dẫn đến việc các cá nhân tại Thanh tra Chính phủ đã sửa đổi kết luận, hủy bỏ kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh.

Cáo trạng cũng cho biết, nhóm cán bộ tại tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý thay đổi giấy đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng dự án cho ông Trí, đồng thời không thực hiện thu hồi dự án.

Cụ thể, ông Trí đã đưa hối lộ tổng cộng 6,3 tỷ đồng cho các cán bộ tại Lâm Đồng, bao gồm 2,1 tỷ đồng cho ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, và 4,2 tỷ đồng cho ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Về phía ông Mai Tiến Dũng, cáo trạng cho biết mặc dù không được phân công phụ trách lĩnh vực thanh tra hay giải quyết đơn thư, ông Dũng vẫn nhận được đơn kiến nghị từ Công ty Sài Gòn Đại Ninh qua ông Trí. Sau đó, ông Dũng đã chỉ đạo Vụ trưởng Vụ I, Trần Bích Ngọc, tham mưu và xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ để chuyển đơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra và giải quyết trái quy định pháp luật. Ông Dũng sau đó nhận khoản tiền “cảm ơn” 200 triệu đồng từ ông Trí.

Cùng chuyên mục
Tin khác