Đã đến lúc bỏ trần tăng trưởng tín dụng?

Nhuệ Mẫn - 17/12/2018 07:24 (GMT+7)

Báo cáo Điểm lại - ấn phẩm bán thường niên về kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã cho thấy những quan ngại về tình hình tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng WB cho biết, mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn theo hướng tạo thuận lợi, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phần nào thắt lại tăng trưởng tín dụng trong quý III/2018.

Các ngân hàng đã “thấu” được nỗi đau nợ xấu khi tăng trưởng tín dụng dễ dàng

Cụ thể, NHNN đã giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của khu vực ngân hàng xuống 17% cho năm 2018 so với 18% cho năm 2017. NHNN cũng đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng để điều tiết tổng tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ thực hiện chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, NHNN tái khẳng định quan điểm kiểm soát chặt chẽ việc cho vay các lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng tư nhân). Theo đó, thanh khoản khu vực ngân hàng suy giảm do lượng tiền gửi giảm, khiến lãi suất liên ngân hàng trong ngắn hạn bị đẩy lên.

“Với điều kiện huy động vốn bị thắt chặt hơn, tăng trưởng tín dụng chững lại còn khoảng 15% vào tháng 10/2018 (so với cùng kỳ năm trước). Tuy vậy, tổng dư nợ tín dụng của khu vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn ở mức cao”, ông Eckardt nói.

Ông Eckardt phân tích, tăng trưởng tín dụng cao trong những năm qua - hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành - đã nâng hệ số tín dụng trên GDP lên 136% vào quý III/2018, cao hơn so với hầu hết các quốc gia cùng mức thu nhập như Việt Nam.

Mức nợ cao kết hợp với các giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm tăng rủi ro về ổn định tài chính. Sự quan ngại càng lớn hơn khi nhìn vào tỷ lệ vốn tương đối mỏng và khối lượng nợ xấu trước đây còn "lơ lửng" ở một số ngân hàng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 đối với hệ thống ngân hàng Việt, ông Eckardt cho rằng, nên để thị trường tự xác định nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế, nhất là khi tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thực sự tốt.

Mặc dù cảnh báo về quy mô tín dụng cao so với GDP, nhưng ông Eckardt vẫn ủng hộ việc bỏ biện pháp hành chính trong giới hạn trần tăng trưởng tín dụng từng ngân hàng, chuyển sang kiểm soát bằng các giới hạn an toàn.

"Trước đây, vấn đề tăng trưởng tín dụng cao từng mang lại một số hệ lụy cho nền kinh tế. Do đó, nên cân nhắc việc tiếp tục bình ổn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề cung - cầu nên để thị trường quyết định và NHNN giám sát để làm sao đảm bảo thanh khoản, lãi suất phù hợp với các hoạt động trong nền kinh tế”, ông Eckardt nói.

Đồng quan điểm không nên giữ trần tăng trưởng tín dụng trong năm 2019, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, NHNN nên để mỗi ngân hàng tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. Các ngân hàng tự bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, những chỉ số như dư nợ trên huy động, tỷ lệ nợ xấu không quá 3%..., còn lại tăng trưởng, kinh doanh như thế nào là tùy vào điều kiện, năng lực của mỗi ngân hàng.

“Bỏ trần tín dụng không chỉ trong hệ thống, mà cho từng ngân hàng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Trước quan ngại nếu bỏ trần tín dụng các ngân hàng sẽ quay lại thời điểm trước kia, khi có ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng lên đến 100% tổng tài sản, TS. Hiếu cho rằng, trường hợp này khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại bởi các lãnh đạo ngân hàng đã học được bài học nợ xấu của những năm trước đó, không đi vào vết xe đổ của “đồng tiền dễ dãi”, mà phải tự điểu chỉnh một cách cẩn trọng hơn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có nhiều công cụ để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng. Chẳng hạn, theo đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020, các ngân hàng phải báo với NHNN về danh mục tín dụng, cũng như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể...

“Điều này có nghĩa, trên cơ sở định vị khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng, NHNN sẽ buộc các ngân hàng phải tuân thủ quy định và kế hoạch của chính ngân hàng. Như vậy, NHNN có đủ các công cụ để giảm thiểu rủi ro và kiểm soát được sự tăng trưởng quá đáng của một vài ngân hàng nào đó nếu có”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, khá nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng chung quan điểm nên bỏ trần tăng trưởng tín dụng, bởi chính các ngân hàng đã “thấu” được nỗi đau nợ xấu khi tăng trưởng tín dụng dễ dàng.

“Nhìn lại thời điểm cuối quý II/2018, khá nhiều ngân hàng đã phải xin NHNN nới trần tăng trưởng tín dụng và đến cuối năm thì một vài ngân hàng được chấp thuận. Khi quay trở lại cơ chế xin cho, ban phát trong việc nới trần tín dụng cho một vài ngân hàng có nghĩa NHNN đã can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính, cũng như chủ động mở và đóng van tín dụng ở chỗ nào.

Trong nền kinh tế thị trường, NHNN cần điều tiết bằng chính sách, công cụ chung cho toàn hệ thống, trừ một vài ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt hoặc quá yếu kém, cần sự can thiệp riêng của cơ quan quản lý”, lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng nói.

Xem thêm: Thống đốc: 'Tăng trưởng tín dụng năm 2018 dưới 16%'

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác