'Đại bull-trap' năm 2020

Thanh Long - 19/04/2020 15:18 (GMT+7)

(VNF) - TTCK Mỹ thời gian qua chứng kiến làn sóng tăng điểm mạnh mẽ bất chấp những dự báo rất xấu về sức khỏe nền kinh tế. Tại TTCK Việt Nam, tình hình cũng diễn biến tương tự. Trong nhiều ý kiến đưa ra để lý giải cho sự khác thường này, VietnamFinance trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một bài viết của tác giả Edward Iftody đăng trên nền tảng blog Medium có tựa đề "The Great Bull Trap of 2020", tạm dịch là " 'Đại bull-trap' năm 2020".

VNF
'Đại bull-trap' năm 2020 (Ảnh minh họa)

Edward Iftody cho rằng làn sóng khác thường này là một "bẫy tăng giá khổng lồ" (hay "đại bull-trap"), có phần tương tự năm 1929. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

* * *

"Con số thất nghiệp kỷ lục được công bố và thị trường đi lên. Tỷ lệ tử vong gia tăng và lan truyền trong cộng đồng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, thị trường vẫn đi lên. Những tuyên bố đáng báo động rằng bệnh nhân có thể bị tái nhiễm sau khi chữa khỏi, thị trường vẫn đi lên.

Nếu bạn còn băn khoăn, điều đó là tốt. Các nhà đầu tư, chuyên gia và các nhà phân tích của CNBC giờ đây hoàn toàn bị bối rối trước hành động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.

Hôm nay, tôi sẽ đưa ra 5 lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta đang ở đâu đó giữa một cú bull-trap khổng lồ (hay cuộc nổi dậy của thị trường gấu), rất giống với những gì đã xảy ra vào cuối năm 1929 và tại sao sắp tới, chúng ta có thể chứng kiến cơ hội mua vào hiếm hoi trong cuộc đời.

Tại sao thị trường tăng?

Một số chuyên gia vẫn nghĩ rằng tất cả các tin tức xấu đã được phản ánh vào giá và chúng ta đang trong giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi hình chữ “V”. Kết cục này đang ngày càng khó xảy ra khi ngày càng có nhiều tin tức kinh tế được công bố hơn.

Những lý do tôi nghĩ rằng khiến thị trường nhanh chóng tăng điểm:

Thứ nhất, các khoản lương hưu và quỹ phòng hộ sẽ phân bổ lại lợi nhuận từ thu nhập cố định vào các cổ phiếu bị bán quá mức trong bối cảnh lãi suất được cắt giảm ở mức chưa từng có.

Tiếp đến là sự lạc quan của thị trường khi một số lượng tiền khổng lồ được bơm vào các nền kinh tế trên thế giới thông qua các gói hỗ trợ.

Cùng với đó, hiện nay, tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến sự kết hợp giữa việc người bán khống cắt lỗ và hiệu ứng FOMO (Fear of missing out – sợ bỏ lỡ cơ hội).

Những cuộc “nổi dậy” trong thị trường gấu rất khó hiểu và hiệu ứng FOMO thường thu hút các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua, ngày càng nhiều nhà phân tích và chuyên gia đi đến sự đồng thuận rằng chúng ta đang trong quá trình phục hồi lâu dài.

Tuy nhiên, hiện giờ tôi lại cho rằng chúng ta nên chuẩn bị cho một thị trường giảm điểm sâu, kéo dài nhiều tháng, có thể trong phần còn lại của năm 2020 và có thể còn hơn thế nữa.

Đúng là không có thị trường gấu nào giống hết nhau, nhưng nhìn lại các mô hình lịch sử cũng giúp chúng ta đưa ra một số ý tưởng trong tương lai.

Hãy nhìn vào mô hình năm 1929. Có một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa 100 ngày đầu tiên của thị trường gấu năm 1929 và năm 2020. Trong cả hai trường hợp, đã có một sự lao dốc đột ngột, sau đó là sự phục hồi đáng kể trong thời gian tương đối dài.

Một khác biệt giữa các sự kiện là vào năm 2020, có vẻ như công nghệ giao dịch và truyền thông hiện đại đang khiến các sự kiện diễn ra nhanh hơn gần gấp đôi so với năm 1929. Chỉ trong 30 ngày, chúng ta đã hoàn tất cú lao dốc đầu tiên và bắt đầu hồi phục. Trong khi đó, năm 1929 mất khoảng 50 ngày.

Cú bull-trap năm 1929 kéo dài trong khoảng 100 ngày rồi đảo chiều. Nếu chiếu theo mô hình này, chúng ta có thể chỉ còn vài tuần hoặc thậm chí vài ngày nữa là hoàn thành cú bull-trap và tiếp tục rơi vào thị trường gấu dài hơn, tàn bạo hơn và cũng là lúc tạo ra cơ hội mua tuyệt vời.

Đường màu đỏ là đại khủng hoảng năm 1929. Đường màu xanh là đại suy thoái năm 2007

Diễn biến Dow Jones cập nhật đến ngày 17/4/2020

Đánh giá nhanh về vụ sụp đổ năm 1929

Tất nhiên, lịch sử vang vọng hơn là lặp lại. Các tác nhân gây ra sự sụp đổ trên thị trường là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để viết bài này, tôi đã bị ấn tượng bởi sự tương đồng đáng báo động giữa năm 1929 và năm 2020 khiến tôi tin rằng đang có một cái bẫy tăng giá.

Thế chiến

Trong Thế chiến thứ nhất, trái phiếu tự do đã được giới thiệu ra công chúng và thậm chí được người nổi tiếng như Charlie Chaplin tán thành, để giúp tài trợ cho chiến tranh. Nhiều người mua trái phiếu chiến tranh vì nghĩa vụ với đất nước.

Trái phiếu này được Kho bạc Hoa Kỳ đảm bảo thanh toán lãi cứ 6 tháng một lần.

Mặc dù không phổ biến rộng rãi với công chúng đầu tư nhưng cuối cùng, trái phiếu tự do cũng đã được giới thiệu tới những người bình thường ý tượng về đầu tư các khoản tiết kiệm và nhận về tiền lãi.

“Những năm 20 gầm thét”

Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, đã có sự mở rộng kinh tế và thiết lập sự giàu có, được gọi là “những năm 20 gầm thét”. Theo thời gian, công chúng được giới thiệu về đầu tư chứng khoán và mọi người bắt đầu có sở thích kiếm tiền dễ dàng thông qua các cổ phiếu được giao dịch công khai. Đến cuối những năm 1920, có sự đồng thuận lớn rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng mãi mãi.

Công chúng vẫn còn tương đối lạ lẫm với đầu tư, nhưng nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đã rót tiền vào thị trường trong lúc thị trường tăng, một số đã tạo ra thành quả trước khi thị trường giá lên kết thúc sau 9 năm hoạt động mạnh mẽ.

Ngày thứ Năm đen tối

Đầu năm 1929, đã có những dấu hiệu tiêu cực trong nền kinh tế khi sản lượng tiêu thụ thép và ô tô giảm dần, trong khi nợ tiêu dùng tiếp tục tăng do tiêu chuẩn tín dụng thấp. Tuy nhiên, thị trường đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo và tiếp tục tăng cho đến tháng 9/1929.

Chỉ mới có một tháng đầu tiên mà nhiều người tham gia thị trường đã cho rằng đây là một đợt “điều chỉnh lành mạnh”. Mặc dù có sự phục hồi ngắn, nhỏ, biến động trên thị trường ngày một tăng. Ngày 24/10/1929, ngày thứ Năm đen tối – thị trường đã giảm 11%.

Các nhân viên ngân hàng nổi tiếng ở Phố Wall đã gặp nhau để cố gắng tìm ra cách lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và tạm dừng việc bán tháo cổ phiếu. Họ quyết định gom một lượng lớn tiền từ ngân hàng để mua cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu blue-chip. Thị trường tạm thời phục hồi.

Ngày 28/10/1929, là ngày thứ Hai đen tối – thị trường giảm gần 13%. Một lượng lớn tiền mặt đã được đưa vào thị trường bởi các chủ ngân hàng nổi tiếng – bao gồm cả Rockefeller – tuy nhiên, hành động bán cuối cùng cũng không thể dừng lại được và thị trường chứng khoán tiếp tục sụp đổ cho đến giữa tháng 11.

Mặc dù sự lao dốc ban đầu gây sốc nhưng những gì tiếp theo hóa ra còn tồi tệ hơn. Thị trường đã phục hồi khoảng 50% trong một đợt tăng giá trong vòng 5 tháng trước khi trượt xuống mức thấp nhất, từ tháng 4/1930 đến ngày 8/7/1932. Tổng mức giảm của thị trường là 90% từ đỉnh.

5 lý do vì sao chúng ta có thể sớm nhìn thấy cơ hội mua vào hiếm hoi trong cuộc đời

Cuộc “nổi dậy” trên thị trường hiện tại và các điều kiện kinh tế cơ bản có chung một số điểm tương đồng đáng chú ý với cuộc “nổi dậy” diễn ra vào cuối năm 1929, đầu năm 1930.

1. Nợ

Thị trường đã tăng giá đều đặn để từ cuộc đại suy thoái 2007 – 2009. Các nhà đầu tư đã kiếm được rất nhiều tiền, ngay cả nhà đầu tư mới cũng tự tin đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn bao giờ hết.

Mặc dù suy thoái kinh tế đã được dự đoán rộng rãi vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, động thái cắt giảm thuế của Tổng thống Trump đột nhiên khiến đầu tư trở thành một trò chơi không thua lỗ. Giá cổ phiếu tăng tốc cho đến mua thu năm 2019, đến giữa tháng 2/2020, sự trượt dốc bắt đầu xảy ra do lo ngại về đại dịch.

Thật không may, giống như “những năm 20 gầm thét”, nợ hộ gia đình hiện giờ rất cao, cao hơn cả cuộc suy thoái năm 2007. Nợ quốc gia cũng cao chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai và vẫn đang tăng nhanh. Nhiều hộ gia đình thậm chí không thể trang trải ngay cả khi được hỗ trợ 400 USD.

Mọi thứ đã diễn ra theo một cách kỳ lạ. Tại sao chúng ta lại phải thế chấp thêm và trả nợ với lãi suất thấp khi mà bạn có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn nhiều trên thị trường chứng khoán?

Với tất cả mọi người đang thực hiện “giãn cách xã hội”, các khoản nợ của các hộ gia đình có thể sẽ sớm vỡ nếu họ không thể quay trở lại làm việc trong tương lai gần. Không có nguồn thu nhập đáng tin cậy, nhiều hộ gia đình sẽ phải bán các tài sản có đòn bẩy quá cao, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ và bất động sản – bất kể mọi điều kiện thị trường.

Tình hình nợ quốc gia của Mỹ

Không chỉ các hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp cũng đang gánh quá nhiều nợ. Ngay cả khi thị trường tăng trưởng hoành tráng, nhiều nhà kinh tế như Nouriel Roubini đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tín dụng sắp xảy ra. Hiện giờ, đối mặt với một cú sốc kinh tế đột ngột, rõ ràng nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể hơn.

2. Các gói hỗ trợ tài chính hoành tráng

Giống như các nhân viên ngân hàng đã làm trong vụ sụp đổ thị trường năm 1929, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính chưa từng có trong nỗ lực trấn an và hỗ trợ thị trường.

Mặc dù việc can thiệp tài chính phần nào giúp loại bỏ rủi ro đóng băng tín dụng nhưng trớ trêu thay, nó cũng làm tăng thêm sự không chắc chắn bằng cách làm "mờ" đi việc phát hiện rủi ro. Ví dụ, Boeing có được cứu trợ không? Câu trả lời ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Theo cách tương tự, một sự can thiệp tài chính cũng làm lu mờ đi các quyết định kinh doanh quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ví dụ, các khoản trợ cấp tiền lương cho doanh nghiệp nhỏ không diễn ra suôn sẻ. Đã có những video trên YouTube được tạo ra bởi các chủ doanh nghiệp nhỏ nêu chi tiết về cuộc đấu tranh của họ nhằm tiếp cận được gói hỗ trợ tài chính – trái với sự đảm bảo của chính phủ.

Có vẻ như các ngân hàng không sẵn lòng hoặc không thể gia hạn các khoản vay do chính phủ bảo trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Một số suy đoán cho rằng đó là vì không có đủ lợi ích tài chính cho các ngân hàng để họ nhận về công việc mang tính hành chính này.

Hiện chúng ta đang phải đối mặt với sự không chắc chắn liên quan đến sự sẵn có của các khoản vay để tài trợ tiền lương, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với tình trạng khó xử trong việc giữ lương cho nhân viên và hy vọng các khoản vay sẽ được gia hạn hoặc sa thải nhân viên, hủy bỏ hợp đồng thuê thương mại và cố gắng tích trữ bất kỳ khoản tiền mặt nào mà họ còn có thể để cứu lấy doanh nghiệp mà họ đã mất nhiều năm để xây dựng.

3. Lượng thất nghiệp cao lịch sử

Chỉ trong vài tuần, hàng triệu người trên toàn thế giới đã hoặc sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Một số nhà kinh tế tin rằng con số thất nghiệp cuối cùng có thể cao hơn cả cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Thất nghiệp hàng loạt một cách đột ngột tạo ra hiệu ứng domino. Các chủ nhà đang phải đối mặt với một số lượng đáng kể người thuê từ chối trả tiền nhà. Theo tờ New York Times, khoảng 31% người thuê nhà không thể trả tiền nhà.

Chủ bất động sản thương mại trên toàn thế giới có thể gặp nhiều rắc rối hơn. Nhiều người không sẵn sàng trả tiền thuê trong thời gian chính phủ yêu cầu đóng cửa.

Ngay cả khi sự đình trệ này kết thúc sớm, không có nhà khoa học đáng tin cậy nào khẳng định rằng chúng ta có thể loại bỏ được việc “giãn cách xã hội” mà không để xảy ra nguy cơ tái bùng phát. Có vẻ như rõ ràng, các chủ nhà ở cũng như bất động sản thương mại sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính đáng kể trong tương lai gần.

Đến giờ, mọi thứ có vẻ chắc chắn, một số sẽ rơi vào phá sản.

4. Sự suy giảm tiêu dùng dài hạn

Giống như năm 1930, một số lượng lớn người thất nghiệp trong thời gian dài cuối cùng sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể hoạt động kinh tế trong thời gian dài do sự cung cầu đều bị phá hủy đáng kể.

Các doanh nghiệp không thiết yếu trên toàn thế giới đang phải đối mặt với việc chấm dứt kinh doanh hoàn toàn theo lệnh từ chính phủ và khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Nhà hàng, khách sạn và nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ khác phải đối mặt với mối đe dọa kinh doanh nghiêm trọng và hoàn toàn bất ngờ.

Ngay cả khi việc đóng cửa được nới lỏng, mọi người vẫn có nguy cơ bị cách ly trên tàu du lịch. Mọi người có nguy cơ bị mắc kẹt ở nước ngoài vì một kỳ nghỉ. Các nhà hàng buộc phải chỉ cung cấp dịch vụ hoặc chỉ cho phép một số lượng khách ít hơn đáng kể trước đây vào dùng bữa trong nhà hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận.

Khi điều này kéo dài hàng tháng trời, kể cả khi được hỗ trợ thì một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp này cuối cùng cũng sẽ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn. Điều này có thể khiến một số lượng lớn chủ bất động sản phải đối mặt với nguy cơ tài sản dừng sinh lãi và có lẽ sẽ buộc hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp, khiến cho hoạt động tiêu dùng diễn biến xấu đi.

5. Triển vọng sớm có vaccine ngày càng xa vời

Donald Trump muốn mọi người trở lại làm việc vào lễ Phục Sinh. Shinzo Abe tin rằng có thể cứu Thế vận hội mùa hè. Có vẻ như ban đầu không có nhà lãnh đạo nào lắng nghe các nhà khoa học.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tiếp tục lặp đi lặp lại cảnh báo: giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly. Dù vậy, nếu không có vaccine, sẽ không có giải pháp lâu dài để khắc phục những tác động kinh tế do đại dịch gây ra.

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới dường như hiểu được mức độ nghiêm trọng của loại virus này, nhưng tôi không nghĩ rằng tất cả trong số họ đồng ý với thực tế là rất lâu mới có thể tìm ra vaccine. Tiến sĩ Fauci đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ không có vaccine trong vòng một năm hoặc 18 tháng. Gần đây, tôi đã nghe một số bác sĩ và các nhà lãnh đạo như Bill Gates nói rằng chúng ta có thể phải chờ 18-24 tháng hoặc lâu hơn để vaccine có mặt trên toàn cầu.

Một tài liệu gần đây bị rò rỉ trên tờ New York Times cho thấy chúng ta sẽ phải duy trì việc đóng cửa một phần trong nhiều tháng nếu không muốn chứng kiến sự gia tăng đột biến về số người chết. Đóng cửa một phần suốt 12 tháng sẽ là điều khủng khiếp với nền kinh tế thế giới. 24 tháng sẽ phá hủy hoàn toàn.

Lịch sử sụp đổ và phục hồi của thị trường chứng khoán

Những thị trường chứng khoán lớn giảm mạnh thường mất nhiều năm để phục hồi. Vì sao lần này sẽ khác?

Diễn biến TTCK trong đại suy thoái năm 2007

TTCK Mỹ (giai đoạn 1925 - 1955) trải qua đại khủng hoảng năm 1929 với cú bull-trap là phần khoanh màu đỏ

Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 và sự phục hồi sau đó

Vài lời sau cùng

Khó có thể bỏ qua những điều kiện tiên quyết gây ra sự sụp đổ vào năm 1929 và tạo ra cú bull-trap khổng lồ. Những điều tương tự cũng xuất hiện vào năm 2020.

- Quá nhiều đòn bẩy.

- Quá nhiều nhà đầu tư hào hứng.

- Quá nhiều niềm tin vào các nhà hoạch định chính sách.

Một số người có thể lập luận rằng các công cụ tài chính mà chúng ta dùng để chống lại suy thoái đã được thiết lập sau một chặng đường dài kể từ vụ sụp đổ năm 1929 và tin rằng cuối cùng, sự can thiệp tài chính sẽ cứu chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả khi công cụ tài chính của chúng ta hiện nay vượt trội hơn năm 1929 thì dường như vào năm 2020, chúng ta lại bị một cơn bão hoàn hảo tấn công. Ngoài tất cả những vấn đề tương tự mà chúng ta đã lặp đi lặp lại từ năm 1929, chúng ta còn có:

- Thất nghiệp kỷ lục do ngừng hoạt động kinh tế đột ngột.

- Mức nợ kỷ lục trở nên hoàn toàn không bền vững khi nền kinh tế đột ngột dừng lại.

- Một loại virus hiện không thể chữa được khiến cho việc tái khởi động nền kinh tế trở nên rất khó khăn.

FED và Quốc hội Mỹ đã làm việc chăm chỉ để củng cố thị trường tín dụng và Jay Powell nói rằng FED vẫn còn nhiều "đạn dược" để chống lại sự suy thoái này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những nỗ lực cuối cùng có thể trở thành vô ích nếu như chúng ta không thể sớm tìm thấy vaccine.

Nếu tôi như đang nói chuyện với một người bạn, tôi có lời khuyên thận trọng với hiệu ứng FOMO ở thời điểm này – không đuổi theo sự “nổi dậy”. Còn có rất nhiều rủi ro. Tại sao không đứng bên lề bây giờ? Nếu hóa ra chúng ta đang ở giữa cuộc “đại bull-trap” của năm 2020 thì sự kiên nhẫn sẽ được đền đáp bằng một trong những cơ hội mua vào hiếm có nhất trong đời. Nếu tôi sai và chúng ta bắt đầu bằng một thị trường tăng giá mới, gần như chắc chắn sẽ có điểm mua vào tốt trong tương lai gần.

Tiết lộ: Tôi đang giữ khoảng 95% tiền mặt khi tôi xuất bản bài viết này. Vui lòng tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.".

Độc giả có thể đọc bài viết gốc tại file đính kèm: The Great Bull Trap of 2020.

Edward Iftody là một huấn luyện viên giao tiếp, tác giả của Surviving Work, là người kỳ cựu trong lĩnh vực fintech tại Canada và người đam mê lĩnh vực blockchain.

Cùng chuyên mục
Tin khác