Đại gia Thái Lan lên kế hoạch xây nhà máy điện 6.000MW tại Việt Nam

Lệ Chi - 03/09/2019 15:26 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf của Thái Lan có kế hoạch phát triển các nhà máy điện ở Việt Nam và Lào nhằm tăng cường sự hiện diện của tập đoàn này ở Đông Dương.

VNF
Nhà máy của Gulf

Truyền thông Thái Lan ngày 3/9 dẫn lời ông Ratthaphol Cheunsomchit, Phó giám đốc điều hành của Gulf, cho biết tập đoàn này đã trình kế hoạch phát điện lên Chính phủ Việt Nam để phát triển một nhà máy điện trong tương lai với công suất ban đầu 6.000MW.

Theo ông Ratthaphol, Gulf có kế hoạch nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho dự án ở Việt Nam.

Còn tại Lào, Gulf muốn phát triển một nhà máy thủy điện với một công ty của Trung Quốc để phân phối điện cho Tập đoàn Điện lực Thái Lan (Egat). Dự án ở Lào dự kiến sẽ có công suất 2.500MW, trong đó Gulf sẽ nắm giữ 30-35% cổ phần.

Ông Ratthaphol cho hay quyết định cuối cùng đối với hai nhà máy điện nói trên sẽ được đưa ra vào năm 2020. Đối với Việt Nam, nhà máy điện chạy bằng khí đốt là một phần trong kế hoạch của Gulf trở thành một nhà vận chuyển LNG ở Đông Nam Á do nhu cầu khí đốt đang gia tăng.

Hai dự án lớn này được lên kế hoạch sau khi hai nhà máy điện chạy bằng khí đốt với công suất 5.200 MW ở tỉnh Chon Buri và Rayong của Thái Lan bắt đầu được xây dựng.

Gulf là tập đoàn của tỷ phú Sarath Ratanavadi và là công ty phát điện lớn thứ ba ở Thái Lan. Sau khi IPO với giá trị 733 triệu USD vào năm ngoái, Gulf cho biết hiện đang nghiên cứu nhiều dự án tại các quốc gia láng giềng như Myanmar, Lào và Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Gulf đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận để đề xuất kế hoạch đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná.

Theo đó, Gulf muốn Ninh Thuận đồng ý về mặt chủ trương để tập đoàn có thể thực hiện dự án kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, quy mô 6.000 MW, bao gồm 4 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy có công suất 1.500 MW. Dự án có vốn đầu tư lên tới 7,8 tỷ USD, dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT, hoặc các hình thức khác.

Tháng 9 năm ngoái, cùng với việc ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh này nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp.

Cùng chuyên mục
Tin khác