Đại gia Việt đối mặt nợ nần, ‘ngửa tay’ xin xỏ

Thanh Long - 19/01/2018 14:59 (GMT+7)

(VNF) – "Nhất tội, nhì nợ". Nhiều đại gia Việt trong lúc khốn đốn với nợ nần đã "ngửa tay" xin miễn, giảm nợ và gần đây nhất là trường hợp của ông chủ Tập đoàn Mai Linh.

VNF
Nhiều đại gia Việt từng công khai xin miễn, giảm nợ trong lúc khốn đốn với nợ nần

Tập đoàn Mai Linh – đơn vị từng là "ông trùm" ngành taxi – mới đây đã gây xôn xao khi gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan nhà nước xin miễn tính lãi phát sinh, miễn nghĩa vụ nộp phạt chậm cho khoản nợ gốc (bao gồm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) lên đến 150 tỷ đồng.

Trong đơn cầu cứu, Tập đoàn Mai Linh cho biết: "Hiện nay Mai Linh cũng như một số đơn vị vận tải khác đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab…".

Lãnh đạo Mai Linh cũng bày tỏ sự quan ngại nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do không có đủ nguồn thu bởi các khoản nợ hầu hết đã đến hạn trả.

Khi được hỏi về việc nộp đơn cầu cứu đến các cơ quan liên quan, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, các khoản nợ mà tập đoàn xin là món nợ cũ của các công ty con không hoạt động nữa; nợ này có từ năm 2012, khi Mai Linh tái cấu trúc, giảm từ tập đoàn 100 công ty thành viên xuống còn khoảng 60 như hiện nay.

"Tôi khẳng định là tôi xin, vì số nợ phát sinh sau 5 năm quá cao. Nếu Nhà nước cho thì tôi xin, nhưng không được thì vẫn phải trả nợ cho Nhà nước không thiếu một đồng nào. Đó là nguyên tắc của tôi, dù có phải cày cuốc, xoay xở mọi cách thì cũng phải trả nợ", Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh.

Nói thêm về việc "xin xỏ" này, ông Huy còn cho hay nếu Mai Linh không thanh toán được, trong trường hợp ra tòa mà căn cứ theo luật các công ty này phá sản thì Nhà nước sẽ chịu thiệt. "Nhưng tôi đã nhận trách nhiệm về số nợ này, do vậy mới xin miễn lãi và khoanh nợ. Bởi xét theo luật phá sản, nếu tôi buông thì Nhà nước mất khoản này", ông Huy khẳng định.

Thực ra, việc đại gia Việt "xin xỏ" khi lâm vào cảnh nợ nần không phải là chuyện lạ. Nửa cuối năm 2013, trong một buổi họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại gia Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc kiêm lãnh đạo một loạt công ty khác đã đề nghị xem xét cho phép được lùi thời gian trả nợ tới cuối năm 2014 những khoản trái phiếu do các công ty mà ông Tâm làm chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp phát hành trị giá 1.700 tỷ đồng.

Theo ông Tâm, do không lường trước được những khó khăn của nền kinh tế nên việc cam kết trả nợ đúng hạn là điều không thể thực hiện được.

Đối với ngân hàng Navibank (đang tái cơ cấu, đã đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân – NCB), ông Tâm cũng đề nghị NHNN xem xét hỗ trợ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cho lùi thời gian trả nợ vay Navibank của các nhóm cổ đông có liên quan tới ông.

Một đại gia khác cũng phải cầu cứu các chủ nợ là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Năm 2016, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã phải "nhóm họp" tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó). Xét thấy khó khăn của HAGL do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.

NHNN sau đó đã chấp thuận "cứu" HAGL.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.