Thị trường

Đại gia xăng dầu miền Tây xin trả góp 1.100 tỷ tiền nợ thuế: Bộ Tài chính chỉ rõ điều kiện cần và đủ

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết, để được nộp dần thuế nợ, NSH Petro phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 80/2021, trong đó, phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng gửi đến Cục thuế tỉnh Hậu Giang để được xem xét.

Đại gia xăng dầu miền Tây xin trả góp 1.100 tỷ tiền nợ thuế: Bộ Tài chính chỉ rõ điều kiện cần và đủ

Đại gia xăng dầu Miền Tây NSH Petro 'xin' trả góp hơn 1.100 tỷ tiền nợ thuế, Bộ Tài chính nói gì?

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro), có địa chỉ tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, xin nộp dần tiền nợ thuế.

Về việc này, Bộ Tài chính cho biết tại khoản 5, điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội và khoản 2, điều 66 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, NSH Petro đang bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Vì vậy, để được nộp dần thuế nợ, NSH Petro phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 80/2021, trong đó, phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng gửi đến Cục thuế tỉnh Hậu Giang để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ theo đúng thẩm quyền quy định.

“Trường hợp công ty không hoàn thiện được hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, Cục thuế tỉnh Hậu Giang thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với công ty theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính cho hay.

Liên quan tới khoản nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng, ngày 5/1, NSH Petro đã có văn bản giải trình về việc bị cưỡng chế thuế. Theo đó, công ty cho biết trong các ngày 18/12/2023 và 22/12/2023 đã nhận được các công văn về quyết định cưỡng chế thuế của Cục thuế tỉnh Hậu Giang và Cục thuế thành phố Cần Thơ.

Đáng chú ý, ngày 20/12/2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã gửi công văn đến Bộ tài chính và Tổng cục thuế về việc xin ý kiến tháo gỡ khó khăn cho công ty, tạo điều kiện để công ty cam kết với địa phương thực hiện nộp dần tiền thuế nợ cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo NSH Petro, hiện nay công ty vẫn hoạt động kinh doanh bán hàng và nộp thuế theo từng lần phát sinh 18% vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, công ty cũng đã giài trình với Cục thuế tỉnh Hậu Giang và có phương án khắc phục thanh toán nợ thuế trong năm 2024.

Căn cứ tình hình nộp thuế công ty năm 2021 đã nộp là 1.775 tỷ, năm 2022 là 1.224 tỷ, do thuế phát sinh thường xuyên và liên tục hàng tháng nên công ty đã kê khai và nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định (mỗi tháng phát sinh khoảng 146 tỷ). Tuy nhiên, cuối năm 2022 do ảnh hưởng kinh tế về thị trường xăng dầu thể giới nói chung và trong nước nói riêng khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải nhập hàng đảm bảo nguồn cung thị trường không bị đứt gãy, do đó công ty đã tập trung nguồn tiền để nhập hàng hoá dẫn đến chậm trễ trong việc nộp thuế.

"Bên cạnh đó, từ tháng 4 - 7/2023, công ty đã mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu mã PSHH2224001 và PSHH2224002, tổng giá trị 250 tỷ đồng, gây tác động đến nguồn tiền", NSH Petro giải bày.

Theo dữ liệu quản lý thuế tại Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, năm 2023 NSH Petro đã nộp thuế hơn 595 tỷ đồng. Số liệu nợ thuế tính đến ngày 7/1/2024 của NSH Petro tổng cộng là gần 1.135 tỷ đồng, bao gồm: tiền chậm nộp (tính đến ngày 31/12/2022) hơn 286 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường hơn 573 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 148 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 101 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 15 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 10 tỷ đồng.

Xem thêm: Đại gia xăng dầu Miền Tây bị cưỡng chế thuế, Hậu Giang xin Bộ Tài chính tạo điều kiện

Tin mới lên