Đạm Ninh Bình chây ì quyết toán, Kiểm toán Nhà nước gặp khó

Thanh Long - 09/04/2018 07:57 (GMT+7)

(VNF) – Kiểm toán Nhà nước chưa thể thực hiện kiểm toán đối với Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình – 1 trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương - do đến thời điểm hiện tại, nhà máy này vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán.

VNF
Kiểm toán Nhà nước chưa thể thực hiện kiểm toán Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Công văn số 3054/VPCP-KTHH ngày 4/4/2018 về việc kiểm toán Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Theo nội dung công văn, về đề nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Công văn số 447/KTHH-CNVI ngày 26/3/2018 về việc kiểm toán Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo.

"Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 13767/VPCP-KTTH ngày 27/12/2017 của Văn phòng Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quyết toán Dự án theo đúng quy định để Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với Dự án", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đạm Ninh Bình là 1 trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương. Trong chuyến thăm và làm việc tại Đạm Ninh Bình hồi cuối tháng 2/2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thành viên ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, đã chỉ ra 3 vấn đề chính mà Đạm Ninh Bình đang gặp phải.

Thứ nhất, than là nguyên liệu đầu vào, chiếm 56-60% giá thành sản xuất đạm, ngày càng tăng giá trong khi giá bán phân đạm lại xuống. Hiện giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công…

Thứ hai, Đạm Ninh Bình đang rất khó khăn về vốn. Nhà máy cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào và hiện vay của TKV 133 tỷ đồng để vận hành đến khoảng cuối quý I. Giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, nhà máy không có vốn để mua nguyên liệu.

Thứ ba, Đạm Ninh Bình cũng khó khăn về vốn vay ngân hàng. Lãnh đạo Đạm Ninh Bình đang đề nghị vay thêm để đại tu nhà máy, có vốn lưu động để sản xuất.

Cũng tại chuyến thăm và làm việc, người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định chưa bao giờ Bộ Công Thương hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt vấn đề để tồn tại hay không tồn tại nhà máy Đạm Ninh Bình mà chỉ tính đến việc làm thế nào để hoạt động ổn định, hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng cần sớm xây dựng đề án cụ thể, khắc phục những tồn tại của nhà máy, song song với đó là duy trì vận hành, không để nhà máy dừng hoạt động. Người lao động được đào tạo phải có chính sách để họ gắn bó, không bỏ việc. Ông cũng đề nghị cần tăng hiệu suất sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

"Với các vấn đề lớn, Bộ Công Thương và Vinachem sẽ xem xét và cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Nhưng nhà máy cần tự cứu mình trước khi trời cứu. Nếu không tự cứu mình bằng chất lượng, sản lượng thì không thể làm gì được. Lãnh đạo nhà máy cũng phải tuyên truyền để mọi người hiểu nó đang tồn tại, khó khăn ra sao và nỗ lực vực dậy như thế nào", người đứng đầu ngành Công Thương nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác