Dân cạn tiền chi tiêu, chuỗi bán lẻ Việt tụt doanh thu, suy giảm lợi nhuận
Anh Phan -
26/07/2023 07:31 (GMT+7)
(VNF) - Tăng trưởng các nhà bán lẻ chậm lại trong quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ chi phí cao hơn, việc thực hiện các chương trình khuyến mãi và giảm hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty.
Báo cáo phân tích mới đây của ACBS cho biết, trong 5 tháng năm 2023, sức mua của người tiêu dùng được ghi nhận sụt giảm do tình hình kinh tế không thuận lợi, lãi suất tăng, khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng, lo ngại về sự ổn định của thu nhập/việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn và tình trạng sa thải ở nhiều công ty.
Các công ty bán lẻ niêm yết đều báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023. Cụ thể, doanh thu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) giảm 21% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2023; CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) giảm 9,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng; Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) giữ ổn định so với cùng kỳ trong quý I/2023 và giữ quan điểm thận trọng về triển vọng năm 2023, đặc biệt là 6 tháng năm 2023.
Tăng trưởng các nhà bán lẻ chậm lại trong quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ chi phí cao hơn, việc thực hiện các chương trình khuyến mãi và giảm hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty.
Đối với MWG, chuỗi TGDD và ĐMX (bao gồm Topzone và DMS) mặc dù có doanh thu sụt giảm 27% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2023 nhưng đã có một số cải thiện trong tháng 4 và tháng 5 (dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước), phần lớn là nhờ việc kinh doanh máy lạnh đạt kết quả tốt do mùa nóng năm nay gay gắt hơn.
BHX duy trì tăng trưởng doanh thu 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng năm 2023. Đối với FRT, chuỗi FPT Shop chứng kiến doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ trong quý I/2023, trong khi chuỗi nhà thuốc nhà thuốc Long Châu tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh 51% so với cùng kỳ trong quý I/2023 nhờ mạng lưới mở rộng mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ thuốc ít bị tác động bởi bất ổn kinh tế.
ACBS ước tính Long Châu đã tạo ra 68 tỷ đồng LNST trong quý I/2023. Tính đến cuối quý I/2023, Long Châu có 1.056 cửa hàng đang hoạt động.
Đối với PNJ, có doanh thu bán lẻ giảm 10,3% so với cùng kỳ, trong khi mảng bán buôn và vàng miếng giảm lần lượt 30,2% và 1,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng năm 2023. Tính đến hết tháng 6/2023, PNJ có 381 cửa hàng đang hoạt động.
Tuy nhiên, triển vọng ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Theo đó, chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của Chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính...
ACBS cho rằng quan điểm thận trọng về triển vọng kinh tế năm 2023, các nhà bán lẻ này không đặt mục tiêu mở rộng mạnh mạng lưới cho hầu hết các chuỗi bán lẻ của họ. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023, triển vọng ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn.
Mô hình dân số đông và đang tăng trưởng kéo theo nhu cầu các sản phẩm thiết yếu vẫn được chú trọng nhất là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các nhóm sản phẩm thiết yếu, trong khi tầng lớp trung lưu mở rộng có thể hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm hàng xa xỉ. Về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện rất sối động, bao gồm không chỉ nhà bán lẻ trong nước mà cả nước ngoài. Nhiều chuỗi bán lẻ FMCG, dược phẩm, điện thoại di động, điện tử gia dụng,... xuất hiện và trở nên nổi bật bởi tốc độ mở rộng mạng lưới cửa hàng nhanh chóng.
Trong đó, MWG hiện đang có 5.778 cửa hàng kinh doanh sản phẩm FMCG, dược phẩm, điện thoại di động, điện máy tính đến cuối tháng 5/2023 so với 2.187 cửa hàng cuối năm 2018; chuỗi FPT Shop (sở hữu bởi FRT) có 807 cửa hàng vào cuối quý I/2023 so với 533 cửa hàng vào cuối năm 2018.
Minimart là mô hình phát triển nhanh nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây với những cái tên được nhiều người biết đến như Bách hóa Xanh, Winmart+,... tiếp cận cả người dân thành thị và nông thôn. Nổi bật nhất trong 2022 là nhóm chuỗi nhà thuốc, gồm Long Châu (tăng 537 cửa hàng mới), An Khang (tăng 322), Pharmacity (tăng 250).
Thành tích tăng trưởng nhanh đã giúp một số nhà bán lẻ Việt Nam có chỗ đứng trong danh sách các nhà bán lẻ hàng đầu khu vực cùng với các tên tuổi nước ngoài. MWG là cái tên Việt Nam duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á 2022 (dựa trên doanh thu năm 2021) và là một trong hai công ty Việt Nam (cùng với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn- Saigon Coop) có mặt trong danh sách Top 25 nhà bán lẻ hàng đầu ở Đông Nam Á, theo Euromonitor.
Theo ACBS, trong số rất nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ có niêm yết trên sàn chứng khoán là MWG, FRT và PNJ. MWG là nhà bán lẻ niêm yết lớn nhất về cả doanh thu và lợi nhuận, trong khi PNJ tạo ra CAGR mạnh nhất trong giai đoạn 2017-2022. FRT sử dụng nợ cao với tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu năm 2022 cao nhất.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.