Đạo đi buôn

Hoàng Lan - 12/02/2024 11:43 (GMT+7)

(VNF) - Nếu chợ nổi Phụng Hiệp (Ngã Bảy) gắn với chợ cá, rùa, rắn, chim, chuột… từ lung Ngọc Hoàng thì chợ Cái Răng gắn với trung tâm lúa gạo, đầu mối thương hồ từ bắc sông Tiền, nam sông Hậu, bán đảo Cà Mau… sau khi kênh xáng Xà No hoàn tất vào năm 1903, Cái Răng ngũ xá kết nối cả tây sông Hậu.

VNF
Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ

Đạo nào vui bằng đạo đi buôn

Xuống biển, lên nguồn gạo chợ nước sông

Chợ nổi hồi xưa ở bến Ninh Kiều gắn với chợ Hàng Dương, sau này mới dồn về Cái Răng, Phong Điền. Nếu chợ nổi Phụng Hiệp (Ngã Bảy) gắn với chợ cá, rùa, rắn, chim, chuột… từ lung Ngọc Hoàng thì chợ Cái Răng gắn với trung tâm lúa gạo, đầu mối thương hồ từ bắc sông Tiền, nam sông Hậu, bán đảo Cà Mau… sau khi kênh xáng Xà No hoàn tất vào năm 1903, Cái Răng ngũ xá kết nối cả tây sông Hậu.

1. Thủy lộ là “hệ sinh thái” để dân thương hồ dọc ngang sông nước định hình 10 chợ nổi từ Cái Bè, Trà Ôn, Hàng Dương, Cái Răng, Phong Điền, Vĩnh Thuận, Ngã Bảy, Long Xuyên, Ngã Năm, sông Đốc... Từ năm 1866, khi người Pháp dùng xáng vét lại rạch Bến Lức, sông Bảo Định (Mỹ Tho) và nạo vét kênh Chợ Gạo (Canal Duperrée) năm 1876, sâu 5m và mở rộng thêm hàng chục mét đã mở ra thủy lộ huyết mạch xuất khẩu gạo ở Nam Kỳ. Rồi thì kênh Lái Hiếu, kênh Thốt Nốt, kênh Rạch Giá - Hà Tiên; đến năm 1913 là kênh Hậu Giang – Long Mỹ, kênh Phụng Hiệp, Phổ Dương, Xẻo Von, Carabelli, Mang Cá, Ba Rinh, Cái Lớn, Mỏ Cày; tiếp đó mở rộng kênh Cổ Chiên –Trà Vinh, kênh Bassac – Long Mỹ, Ba Xuyên - Ô Môn, Sóc trăng –Phụng Hiệp, Hậu Giang - Long Mỹ, Bạc Liêu – Cà Mau, kênh Tiếp Nhựt… những con kênh hợp lại thành ra Ngã Năm, Ngã Bảy; kết nối giao thông thủy ở miền Tây trở thành mạng lưới sông ngòi và kênh đào.

Sách xưa kể rằng năm 1900, toàn quyền De Lanessan cho đấu thầu và Công ty Montvenoux trúng thầu với giá đào 0,35 F/m3. Kênh Xà No được khởi công vào năm 1901 có chiều rộng 60m, chi phí 36.800.000 phờ răng Pháp. Ngày 29/6/1904, Thống đốc Rodier phê chuẩn và từ đó kênh xáng Xà – No (Snor) chính thức đưa vào khai thác. Khi Cái Răng định hình làng, có Nhà việc và nơi họp chợ mua bán sầm uất (năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Nếu như năm 1899 Nam Kỳ chỉ xuất cảng được 500.000 tấn gạo thì từ khi có kênh xáng Xà No lượng gạo xuất khẩu tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, xứ “gạo trắng, nước trong” mỗi năm xuất khẩu 116.000 tấn, đứng hạng nhất xứ Nam Kỳ vào thời kỳ này.

Chợ Cái Răng xứ hào hoa

Phố lầu hai dải xinh đà quá xinh

Có trường hát cất rộng thênh

Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca

Ngày nay, chợ nổi Cái Răng ở chi lưu, nối sông Cần Thơ với sông Hậu, có vẻ như lòng sông đã hẹp hơn khi bờ kè mở rộng và sinh cảnh vui chơi đậm màu dịch vụ công nghiệp không khói hơn là nhịp sống thương hồ.

Những năm cuối thế kỷ trước, mỗi ngày có 250 – 300 ghe mua bán trung bình 2.000 tấn/ngày, tổng doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/ngày (hơn 1.000 tỷ đồng/năm). Mỗi năm, chợ nổi thu hút khoảng 1 triệu du khách tới đây ngắm nhìn sinh cảnh mua bán nhộn nhịp. Tại đây là sự hòa trộn những dòng hàng hóa với nhau, ghe buôn sỉ chia sớt cho những ghe hàng bán lẻ trong vùng sâu, gọi là “sang hàng” sao cho người mua đi bán lại có lời. Đạo đi buôn của dân thương hồ, nền văn hóa bất thành văn, đã tồn tại trên một thế kỷ.

Thế kỷ 21, ở khu chợ nổi Cái Răng mọc lên nhiều nhà hàng nổi, kết bè cung ứng dịch vụ mua sắm, ăn uống của du khách. Dân Phong Điền nói chợ nổi bây giờ thuộc quyền quản lý của quận Cái Răng, mỗi lần thành phố tổ chức sự kiện du lịch thì Cái Răng, Phong Điền và các huyện tham gia trưng bày sản phẩm OCOP, giới thiệu món ngon trên đất liền.

Dung, con cháu dân thương hồ đã lên bờ mở tiệm uốn tóc kể lại: Ngày hội du lịch, dân thương hồ cũng tề tựu, vui khi tìm lại cảm xúc bồng bềnh, nhưng ai cũng hiểu rằng hơn phân nửa dân thương hồ đã lên bờ. “Quy định trật tự đường thủy nội địa, bến bãi, luồng lạch không như hồi xưa nữa nên dân thương hồ phải tìm phương kế khác để sinh nhai”, Dung nói.

Bà Bảy Ẩn (Nguyễn Thị Ẩn), năm nay 80 tuổi, hai đời buôn bán ở chợ nổi Cái Răng, Phong Điền nói: “Tới đời cháu của tui, nó không chịu đi bán nữa. Đành bán ghe, chỉ chừa lại 1 chiếc nhỏ để chạy đi vườn hay ra chợ mua bán đồ rẫy. Hai đứa con cũng theo “Đạo đi buôn” nhưng lái xe theo đường bộ chứ chợ nổi bây giờ là điểm cho du khách chụp hình, ngắm cảnh chứ đâu có mua bán gì nhiều.

Bà Hai (Trang Thị Tím), quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang, 65 tuổi, nói tuy có đỡ hơn mấy chợ nổi khác, nhưng ở đây cũng vắng! Nhà có 8 anh chị em, 4 người đang bán ở chợ nổi Cái Răng, ai cũng than rát ruột “bạn hàng đi đâu hết rồi”.

Bà Hai chuyên bán khoai lang, khoai mì - lấy hàng ở Giồng Riềng, Tân Quới, Bình Tân, Sóc Sài về đây. Tới tết thì bán thêm dưa hấu, củ hành, rau, bắp cải… Ghe trọng tải 22 tấn, bán không hết thì ghe hàng thành nhà kho bán sỉ, chờ hoài không thấy bạn hàng mối sỉ thì bán lẻ. “Thằng con trai, theo ghe nối nghề nhưng nó cũng than cực, đòi lên bờ đi làm công ty nhưng tui không cho. Ở quê, làm ruộng, vườn hay nuôi con gì cũng lỗ, người ta bỏ xứ lên Bình Dương đông lắm rồi, nghề gì thì cũng có cái khổ riêng. Mấy anh em của tui cũng chạy chợ từ Cái Bè về đây chờ thời, tối tối xúm xít lai rai đờn ca, xướng hát, thấy cũng vui hơn là lên bờ… Bờ kè làm xong, nếu cò thu tiền bãi thì lên bờ chứ bây giờ chưa nghĩ tới, cũng chưa tính chuyện bán loại hàng khác, vì đồ hàng họ trên ghe nhưng nó dính tới mối lái xưa nay ở trong thôn xóm. Làm mặt hàng mới, chưa có kinh nghiệm, không có mối lái, bán không được là mang nợ”.

Ông Tám Thuộc ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng, 86 tuổi, sống rày đây mai đó cả đời người, tiếp tục cho 6 người con, mỗi người một chiếc ghe để buôn bán trên sông. Cuối cùng chỉ có chị Trần Thị Ngọc Hằng, 41 tuổi, bám chợ nổi Cái Răng. “Hồi nhỏ đi bán vui lắm, chợ đông - người mua, người bán- tấp nập. Bây giờ, chỉ còn ghe bỏ sỉ và ghe chở khách du lịch. Giá mà có sự hỗ trợ cho dân thương hồ kết nối với mối lái trên bờ hoặc có cách nào đó cho khách du lịch hiểu thương hồ!

Ở chợ nổi này hơn 40 năm, cô Bảy (Nguyễn Thị Bé), 67 tuổi, quê gốc ở Hậu Giang sống với nghề chèo đò từ lúc chưa có chồng tới khi có 4 đứa con - đã gả cưới xong xuôi hết. Một mình cô Bảy ở chợ nổi. “Trước khi có bờ kè, ngày nào cũng có khách. Một tour chở khách được 150.000 – 250.000 đồng. Làm bờ bè, không có khách thì quay qua bán trái cây theo mùa sống đắp đổi qua ngày. Thật ra tui cũng muốn lên bờ nhưng không biết mần gì vì già rồi, lạ nước lạ cái! Con Út Hiệp đậu ghe ở đây hơn 20 năm lên bờ, bây giờ cả nhà lên Tây Ninh hết rồi”, cô Bảy nói.

Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể là một kịch bản có hậu cho chợ nổi khi có nhiều học giả, nhà nghiên cứu đưa ra những đề xuất làm bờ kè, làm đài quan sát, tổ chức ngày hội du lịch, thi biểu diễn thời trang áo Bà Ba… Dân thương hồ không rành về bảo tồn văn hóa phi vật thể… Nhưng nếu ai đó hò ơ…

Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy

Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình

Hay:

Quả năm ngăn trong lòng son đỏ

Mấy lời to nhỏ bỏ bạn sao đành

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành

Tàu Tây kia kiệt máy, anh mới đành bỏ em!

Hoặc cảnh giao thương:

Tàu số một chạy lên Vàm Tấn

Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ

Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ

Lỡ duyên chịu lỡ, cũng chờ cho được anh

(Trích từ “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca” in vào năm 1909)

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ

Thì sức sống văn hóa dân gian sẽ thức dậy… Chợ nổi cần nghệ thuật sống dung hợp hài hòa những cảnh đời thương hồ và xu hướng mới có tính khả thi giữa du lịch với cộng đồng thương hồ, giúp cả hai xây dựng nhịp sống mới; trong đó dòng chảy hàng hóa theo tiêu chuẩn xanh có thể xem như giải pháp kết nối làng quê, nông trại với chợ nổi.

Dân thương hồ tập hợp dân tứ xứ cùng sống chung trên sông nước đều tin vào sự linh thiêng của Thủy Thần, thờ cúng Bà Cậu. Tín ngưỡng, tôn giáo rất khác nhau (Phật giáo Tiểu thừa, Đại thừa, Islam, Công giáo và các tôn giáo mang đậm sắc thái văn hóa Nam Bộ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo…) nhưng cuộc sống hòa hợp, trượng nghĩa và dù theo đạo nào thì tất cả đều “Tứ hải giai huynh đệ”.

“Chợ nổi không phải mô hình vật lý, cách làm du lịch không có gì mới nên du khách tới một lần thôi”, TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, nói. Vấn đề là tìm phương sách để chợ nổi mua bán thật sự. Những ngành hàng nào còn sống được, có nhu cầu thì đo lường “kích thước” để có cách tổ chức, cùng nhau tìm những ngành hàng, dịch vụ mới để cuộc sống thực diễn ra, để những giá trị văn hóa hiển hiện.

Nhiều sinh viên hiện lập nhóm thu gom rác, dạy tiếng Anh cho trẻ con ở chợ nổi, nhiều nhà nhiếp ảnh làm bộ sưu tập hình ảnh dân thương hồ cố cựu với cố gắng bảo vệ nét riêng trong dấu ấn kinh tế- văn hóa của chợ nổi. Thay vì các chỉ khai thác hình ảnh bề nổi vào ban ngày, việc làm sống lại những điệu hò, bài ca vọng cổ trong mênh mang sông nước hữu tình trên ghe bầu neo đậu đang là mơ ước hồi sinh “Đạo đi buôn” của thế hệ thương hồ vốn mong mong, dễ vỡ. Chợ nổi là không gian sáng tạo – sáng tạo – và sáng tạo, đó là khát khao bất tận của dân thương hồ.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

(VNF)- Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

(VNF) - Theo tính toán của Chính phủ, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ làm giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

(VNF) - Kết thúc quý I/2024, Vietnam Airlines lãi ròng 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Chiều 2/5, Quốc hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ.

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Hệ thống Y tế Vinmec vừa nhận 4 giải quốc tế cho 4 hạng mục lớn: “Doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp vì cộng đồng tốt nhất”, “Doanh nghiệp trao quyền cho phụ nữ” và “Nơi làm việc tốt nhất” trong khuôn khổ Hội nghị CSR và ESG toàn cầu lần thứ 16.

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

(VNF) - Sáng mai (3/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng, với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

(VNF) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới nhất, dựa trên những dấu hiệu sáng sủa hơn về lạm phát và nhu cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khiêm tốn.

Khoản lãi ‘bé hạt tiêu’ của Hodeco

Khoản lãi ‘bé hạt tiêu’ của Hodeco

(VNF) – Quý I/2024, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) đã lập kỷ lục về lợi nhuận, nhưng đó là kỷ lục lợi nhuận sau thuế thấp nhất lịch sử.

Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình nợ thuế 1.150 tỷ đồng

Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình nợ thuế 1.150 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/3/2024 là Công ty cổ phần Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình (địa chỉ thôn Thanh Cù, Xã Nhuận Trạch, Huyện Lương Sơn) nợ trên 1.150 tỷ đồng. Đứng đầu trong các DN nợ thuế của tỉnh Hòa Bình

Bắc Giang: Đầu tư gần 3.900 tỷ làm công viên nghĩa trang rộng 150ha

Bắc Giang: Đầu tư gần 3.900 tỷ làm công viên nghĩa trang rộng 150ha

Nhà đầu tư dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là Công ty cổ phần Công viên tâm linh Tâm Điền - Tây Yên Tử.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.