Bất động sản

'Dấu chân' đại gia Phạm Chí Sơn tại đất vàng Sầm Sơn mà Công ty Hùng Sơn vừa sở hữu

(VNF) - Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn từng là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, nhưng sau đó đã được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú của ông Phạm Chí Sơn.

Chỉ 700.000 đồng/m2 "đất vàng"

Trung tuần tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất thực hiện dự án tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại và quảng trường biển xã Quảng Hùng, TP. Sầm Sơn cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn với số tiền trúng đấu giá là 20 tỷ đồng.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn trúng đấu giá khu đất vàng tại Sầm Sơn.

Diện tích khu đất đấu giá là 28.038m2. Trong đó, diện tích đất tính thu tiền sử dụng đất là 10.204m2 dự kiến xây dựng khách sạn 5 sao, dịch vụ thương mại và quảng trường biển tạo điểm nhấn trung tâm của khu vực phía Nam TP. Sầm Sơn. Diện tích đất không thu tiền sử dụng đất là 17.834m2 (gồm: 6.888m2 đất cây xanh đơn vị ở và 10.946m2 đất giao thông hạ tầng kỹ thuật).

Theo thông báo của UBND TP. Sầm Sơn, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng khu đất nêu trên sau khi trừ đi các chi phí không bao gồm chi phí GPMB là 17,2 tỷ đồng (tương đương hơn 600.000 đồng/m2).

Sau 5 vòng trả giá, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn là đơn vị đấu giá thành công với giá trúng được công bố là hơn 20 tỷ đồng, tương đương mức giá trung bình cho toàn khu đất là hơn 720.000 đồng/m2.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn được thành lập vào tháng 1/2018, với số vốn điều lệ là 45 tỷ đồng. Chỉ sau gần 1 năm (tháng 12/2018), doanh nghiệp này tăng vốn lên 91,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư dự án tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn (dự án Vlasta Sầm Sơn) tại xã Quảng Hùng và xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chủ sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn được thay đổi liên tục trong giai đoạn này, từ ban đầu là Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, rồi chuyển sang Công ty cổ phần BDSC, rồi lại chuyển sang Công ty TNHH REQ và lại quay trở lại của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest.

Tháng 10/2020, vốn điều lệ của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn được điều chỉnh tăng từ 91,7 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng.

Sự xuất hiện của "tân binh" Bất động sản Hưng Phú 

Tháng 1/2024, chủ sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn được chuyển từ Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest sang Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú. Chủ tịch doanh nghiệp này cũng chuyển từ ông Vũ Thanh Tuấn (sinh năm 1983) sang ông Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1986) vào tháng 2 vừa qua.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn là chủ đầu tư dự án Vlasta Sầm Sơn và từng là công ty con của Văn Phú – Invest.

Trong giai đoạn sở hữu Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn, dự án Vlasta Sầm Sơn được coi là "gà đẻ trứng vàng", gánh doan thu của Văn Phú – Invest. 

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Văn Phú – Invest cho thấy mức doanh thu đạt 269 tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận hơn 1.742 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ dự án Vlasta Sầm Sơn được bàn giao/mở bán trong quý I và quý II/2023.

Mặc dù chủ đầu tư dự án Vlasta Sầm Sơn từng là "gà đẻ trứng vàng", nhưng bất ngờ vào cuối năm 2023, HĐQT Văn Phú – Invest đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn.

Như đã đề cập ở trên, đối tác nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú. Doanh nghiệp này có tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Công nghệ Quốc tế Phương Đông, được thành lập tháng 4/2017, ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán thực phẩm.

Đến tháng 10/2018, Công ty TNHH Công nghệ Quốc tế Phương Đông chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú. Chủ doanh nghiệp cũng đổi từ ông Hoàng Đắc Phượng (sinh năm 1976) sang ông Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1979).

Bất động sản Hưng Phú tăng vốn 300 lần chỉ sau 1 năm

Tháng 2/2020, Bất động sản Hưng Phú tăng vốn điều lệ từ 1,8 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Đến tháng 8/2020, doanh nghiệp này thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Trung Hiếu sang ông Bùi Trần Đức Thái (sinh năm 1987). Ông Thái cũng thay ông Hiếu làm Tổng giám đốc Bất động sản Hưng Phú từ thời điểm này.

Tháng 10/2020, Bất động sản Hưng Phú đột ngột tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng vốn lên 610 tỷ đồng vào tháng 3/2021. Như vậy chỉ sau 1 năm, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng hơn 300 lần.

Đến tháng 7/2021, Bất động sản Hưng Phú mới chính thức chuyển ngành nghề kinh doanh chính từ hoạt động tư vấn đầu tư thành kinh doanh bất động sản.

Tháng 9/2023, ông Bùi Trần Đức Thái rút khỏi Bất động sản Hưng Phú. Lúc này, doanh nghiệp này thuộc sở hữu của ông Phạm Chí Sơn (sinh năm 1977). Ông Sơn đồng thời cũng là người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của doanh nghiệp này cho đến nay.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Bất động sản Hưng Phú chuyển trụ sở từ phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm về tầng 5, tòa nhà văn phòng Fafim A, 19 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.

Về ông Phạm Chí Sơn, vị doanh nhân này sinh năm 1977 quê tại Hải Phòng. Ông Sơn gia nhập Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với vị trí chuyên viên phòng đối ngoại - pháp chế từ năm 2002. Sau nhiều năm công tác, ông trở thành thành viên ban kiểm soát, giám đốc ban đối ngoại - pháp chế tại Vinaconex trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 11/2015.

Ngoài ra, ông Phạm Chí Sơn cũng từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ đô thị Việt Nam (Vinasinco)...

Lịch sử quan hệ Văn Phú - Invest và Bất động sản Hưng Phú

Theo tìm hiểu, Bất động sản Hưng Phú và Văn Phú - Invest không phải là công ty liên quan, không chung lãnh đạo hay sở hữu cổ phần của nhau. Tuy nhiên, 2 công ty này là đối tác khá thân thiết của nhau.

Cụ thể, tháng 10/2018, Bất động sản Hưng Phú và Văn Phú - Invest cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư Hưng Phú Ressdence với vốn điều 790 tỷ đồng. Trong đó, Văn Phú - Invest góp 10% và Bất động sản Hưng Phú góp 90%.

Tới tháng 5/2019, Công ty TNHH Đầu tư Hưng Phú Ressdence đổi tên thành Công ty TNHH REQ. Lúc này, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi khi Văn Phú - Invest rút vốn và người thay thế nắm giữ 10% cổ phần là ông Nguyễn Trung Hiếu; trong khi đó, Bất động sản Hưng Phú vẫn nắm 90%.

Bất động sản Hưng Phú và ông Phạm Chí Sơn sở hữu 57% cổ phần tại Công ty TNHH REQ.

Tháng 2/2024, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH REQ có sự xáo trộn khi Bất động sản Hưng Phú giảm sở hữu xuống còn 57%, 33% cổ phần được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Kiên Cường và ông Nguyễn Huy Lượng nắm giữ 10% cổ phần còn lại.

Lúc này, ông Phạm Chí Sơn cũng là người được ủy quyền đại diện cho 57% cổ phần của Bất động sản Hưng Phú tại Công ty TNHH REQ.

Công ty TNHH REQ từng gây xôn xao khi phân lô, bán nền trái phép tại Bắc Ninh. Cụ thể là tại dự án khu nhà ở Đông Yên (Bắc Ninh) do Công ty REQ làm chủ đầu tư, sau khi trúng đấu giá với mức giá là 308 tỷ đồng.

Tại dự án này hơn 1 tháng nhận quyết định, Công ty REQ ngay lập tức đem cầm cố dự án cho Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long. Bên cạnh đó, dự án còn xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phép nghiêm trọng, đã bị cơ quan chức năng điểm mặt, yêu cầu chấm dứt hành vi sai phạm.

Trong một công văn ban hành tháng 1/2021, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh khẳng định sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, cơ quan này nhận thấy dự án do Công ty REQ làm chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng, chưa được Sở thẩm định thiết kế cơ sở và chưa được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, hiện trạng tại dự án chưa triển khai thi công xây dựng cơ sở hạ tầng.

Do đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Yên Phong rà soát, kiểm tra trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế, dự án đầu tư; nghĩa vụ tài chính, đất đai; tình hình triển khai đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng và hồ sơ pháp lý liên quan của dự án theo quy định; yêu cầu chủ đầu tư dừng việc rao bán, quảng cáo và hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng góp vốn, huy động vốn, kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật;

Đồng thời rà soát, kiểm tra điều kiện kinh doanh bất động sản của dự án, điều kiện hoạt động kinh doanh bất động sản đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; các sàn giao dịch bất động sản tham gia hoạt động tại dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Đối với Công ty REQ, Sở Xây dựng Bắc Ninh yêu cầu dừng việc rao bán, quảng cáo và hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng góp vốn, huy động vốn, kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật; chỉ được phép kinh doanh đối với bất động sản đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định.

Ngoài Bất động sản Hưng Phú và REQ, ông Phạm Chí Sơn còn đang đứng tên đại diện tại Công ty cổ phần Kinh doanh và Quản lý khách sạn Lilas.

Đáng chú ý, đây cũng từng là công ty con của Văn Phú - Invest được thành lập tháng 4/2018 với vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập Công ty Lilas khi đó gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ góp 10%, Văn Phú - Invest nắm 60% và bà Đỗ Thị Thanh Huyền góp 30%.

Đến tháng 2/2021, HĐQT Văn Phú - Invest thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 60% cổ phần tại Công ty Lilas. Đối tác nhận chuyển nhượng số cổ phần này chính là ông Phạm Chí Sơn.

Ngày 8/12/2021, Công ty Lilas tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 91 tỷ đồng. 16 ngày sau đó (tức ngày 18/12/2021) Công ty Lilas tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 111 tỷ đồng.

Tin mới lên