Đấu giá băng tần 4G, 5G có thể thu về đến 8.000 tỷ đồng cho ngân sách

PV - 22/02/2020 07:23 (GMT+7)

Một trong những kịch bản tăng trưởng kinh tế được Bộ TT&TT đưa ra là phải tháo gỡ các vướng mắc để có thể đấu giá băng tần 4G và 5G trong quí I/2020, từ đó sẽ thu về từ 6.000-8.000 tỷ đồng cho ngân sách, đồng thời kích cầu cho xã hội, tạo ra các dịch vụ mới.

VNF
Đấu giá băng tần 4G và 5G trong quí I/2020 sẽ thu về từ 6.000-8.000 tỷ đồng cho ngân sách.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trước tác động của tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, các bộ ngành phải cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ khó khăn trong tăng trưởng kinh tế, nên chúng ta phải tái cơ cấu, phải tìm nguồn tăng trưởng mới, phải tìm không gian mới, phải giảm chi phí, nên vì thế sẽ dễ thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ mới để tăng trưởng.

“Thường thì trong khó khăn mới có giải pháp đột phá. Có một số việc mà chúng ta đang chậm, đang cân nhắc, nhưng lại có thể thúc đẩy tăng trưởng thì nên quyết định ngay lúc này. Thí dụ như sớm cho thí điểm Mobile Money, đấu giá tần số 4G và 5G, thúc đẩy chương trình chuyển đổi máy điện thoại mạng 2G lên máy 4G và 5G, thúc đẩy Make in Vietnam…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta nên sớm đấu giá tần số 4G và 5G trong quí 1/2020 để có thể cấp cho các nhà mạng viễn thông băng tần này. Do đây là lần đầu thực hiện đấu nên vướng mắc một số qui định dẫn đến việc chưa thể tiến hành đầu giá băng tần này. Vì vậy, cần phải có quyết định đặc biệt của Chính phủ để có thể đấu giá băng tần 4G và 5G trong quí 1/2020. Khi tiến hành đấu giá sẽ thu về 6.000-8.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà mạng sẽ đẩy mạnh đầu tư, kích cầu cho xã hội, tạo ra các dịch vụ mới để tăng doanh thu cho nhà mạng. Như vậy, việc sớm đấu giá băng tần cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo khảo sát 50 nhà mạng ở 17 nước, Việt Nam đứng hàng cuối bảng băng tần dành cho 4G. Trao đổi với báo giới mới đây, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, với số thuê bao 4G của Viettel hiện nay, nhà mạng này không còn đủ băng tần phát triển các thuê bao 4G. Viettel là nhà mạng có số thuê bao 4G lớn nhất và đang sử dụng những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Vì vậy, Viettel kiến nghị sớm đấu thầu băng tần 2.6 GHz để các nhà mạng như Viettel có thể đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G.

Trước đó, ngày 26/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cấp thêm băng tần để nâng chất lượng, dịch vụ mạng 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Internet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Song giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.

Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.

Để giải quyết bài toán mang tính tình thế, trước Tết Nguyên Đán, Bộ TT&TT đã phải cấp phép thử nghiệm tần số mới 2.6 GHz tại 12 tỉnh, thành tại Việt Nam cho Viettel. Điều này giúp Viettel tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.

Viettel cho biết, trước đây, để phục vụ nhu cầu 4G với hơn 38.000 trạm trong bối cảnh thiếu tài nguyên tần số, Viettel đã phải tối ưu toàn bộ băng tần 1.800Mhz của mạng 2G và một phần băng tần 2.100 MHz của mạng 3G. Trong bối cảnh ấy, tần số 2.6 GHz trở thành tài nguyên quan trọng nhất hiện nay để Viettel đảm bảo chất lượng mạng 4G thực sự vượt trội so với 3G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn. Tại các khu vực có tần số mới, tốc độ mạng 4G của Viettel sẽ cao gấp 2 lần so với hiện tại.

Ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, năm Tết Canh Tý lưu lượng data tăng rất mạnh, nhưng Bộ TT&TT đã cho Viettel thử nghiệm tần số 2.600 MHz tại 12 tỉnh, thành nên đã giúp Viettel đảm bảo cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng.

Theo ICTNews
Cùng chuyên mục
Tin khác