Việt Nam và tham vọng đứng Top đầu về công nghệ 5G

Ngọc Lưu - 29/01/2020 19:39 (GMT+7)

(VNF) - Thử nghiệm công nghệ 5G vào năm 2019 và thương mại hoá vào năm 2020 là một tuyên bố đáng chú ý của các lãnh đạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Đây là minh chứng cho việc Việt Nam sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

VNF
Công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số

Tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng 5G diễn ra hồi đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G với Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tin tưởng rằng công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. Với những tính năng vượt trội như băng thông rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong nền kinh tế số.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Doanh nghiệp viễn thông nhập cuộc đua 5G

Trên thực tế, các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam cũng đã hiện thực kế hoạch phát triển 5G ngay trong năm 2019.

Cụ thể, với Viettel, đến ngày 26/4, đơn vị này đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Kết quả thử nghiệm cho thấy tốc độ kết nối mạng 5G đầu tiên dao động từ 600 - 700 Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ).

Ngày 10/5, Viettel cùng Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Ghi nhận kết quả thực tế tại chương trình, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5–1,7 Gbps, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới.

Không chỉ triển khai thử nghiệm tại Việt Nam, Viettel còn tiến hành thử nghiệm 5G tại hàng loạt quốc gia khác như Peru và Lào vào hồi tháng 10, tại Myanmar hồi tháng 8 và tại Campuchia hồi tháng 7.

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới

Với Mobifone, từ tháng 4/2019, doanh nghiệp này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G.

Theo nội dung được cấp phép, Mobifone sẽ triển khai thử nghiệm 5G tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. HCM. Thời gian của giấy phép là từ 23/4/2019 đến 22/4/2020.

Mobifone sẽ cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao eMBB, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến (HD, UHD 4K), trò chơi trực tuyến thời gian thực (AR, VR)….

Hiện tại, Mobifone đang gấp rút cùng các đối tác để lập kế hoạch cụ thể. Quá trình thử nghiệm sẽ được Mobifone tiến hành với các nhà cung cấp thiết bị khác nhau nhằm kiểm tra khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ, các vấn đề phát sinh chuẩn bị cho việc triển khai 5G trên diện rộng.

Doanh nghiệp viễn thông thứ 3 tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thử nghiệm 5G chính là VNPT.

Ngay sau khi được cấp phép, VNPT chi nhánh TP. HCM đã đề xuất thử nghiệm 5G Vinaphone ở 3 vị trí tại khu vực quận 1, TP. HCM. Cụ thể, đơn vị này đề xuất hoàn thành lắp đặt thiết bị trong tháng 8/2019 và sẽ thực hiện thử nghiệm mạng viễn thông 5G thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020.

Nội dung thử nghiệm nhằm đánh giá tính năng kỹ thuật của công nghệ mạng 5G gồm: Đánh giá vùng phủ sóng, dung lượng mạng công nghệ 5G, đánh giá về tần số sử dụng, độ rộng của băng tần… Đồng thời việc thử nghiệm này cũng đánh giá về chất lượng, hiệu quả mạng 5G như tốc độ tải lên, tải xuống, độ trễ trong truyền dữ liệu, chỉ tiêu về thiết lập và duy trì dịch vụ… Thời gian thực hiện đo kiểm, bắt đầu từ tháng 9/2019 đến hết ngày 31/10/2019.

5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng công nghệ trên bản đồ thế giới

Nhiều chuyên gia đánh giá, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng công nghệ trên bản đồ thế giới. Việc Việt Nam thương mại hóa công nghệ này trong năm 2020 để trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai 5G phù hợp với nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, giúp doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh hơn ở quy mô toàn cầu.

Tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo Việt Nam" tổ chức hồi tháng 11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: "Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP.HCM. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G".

Theo Bộ trưởng, đây không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

"Chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.

Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới, giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21 và Việt Nam trong dòng chảy ấy vẫn đang nỗ lực để thay đổi thứ hạng công nghệ trên bản đồ thế giới.

Cùng chuyên mục
Tin khác