Tài chính

Đầu tư cổ phiếu ngành dầu khí: Thành bại không chỉ ở giá dầu

(VNF) - Mặc dù giá dầu có tác động chi phối đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dầu khí nói chung và diễn biến giá cổ phiếu dầu khí nói riêng nhưng nhà đầu tư không nên vì thế mà quên đi các yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như tác động từ "siêu dự án" lô B - Ô Môn.

Đầu tư cổ phiếu ngành dầu khí: Thành bại không chỉ ở giá dầu

Đầu tư cổ phiếu ngành dầu khí: Thành bại không chỉ ở giá dầu

Các yếu tố ảnh hưởng đến cổ phiếu dầu khí

Năm 2020 ghi nhận dấu mốc lịch sử của ngành dầu khí thế giới. Lần đầu tiên, giá hợp đồng dầu kỳ giao tháng 5 tại Mỹ giảm sâu xuống dưới 0 USD và kết thúc ở mức giá âm 37,63 USD/thùng vào ngày đáo hạn 21/4/2020. Trạng thái mất cân bằng Stackelberg gây ra sự dư thừa ở nguồn cung kết hợp khủng hoảng đại dịch Covid-19 toàn cầu gây ra sự sụt giảm tức thời về phía cầu đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng dư thừa dầu mỏ trong ngắn hạn.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí là một trong các nhóm ngành có mức giảm sâu nhất và chịu tác động nặng nề nhất đến từ cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra với mức giảm lên tới hơn 50% chỉ sau một vài tháng.

Sau đó, giá dầu hồi phục trở lại do nhu cầu tiêu thụ tăng lên sau đại dịch. Do đứt gãy chuỗi cung ứng và logistics, dầu và một số hàng hóa khác liên tục tăng giá. Giá dầu Brent vượt mức 100 USD/ thùng vào ngày 23/2 sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ. Giá của nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ghi nhận những mức tăng trưởng ấn tượng kể từ vùng đáy tháng 3/2020 với mức tăng trung bình từ 150 - 400%. Đặc biệt, giá các cổ phiếu như BSR, GAS và PVS đều vượt mức đỉnh lịch sử.

Có thể thấy, cổ phiếu dầu khí chịu tác động trực tiếp từ những biến động về giá dầu trên thế giới khi hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp dầu khí xoay quanh các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới dầu. Trong khi đó, giá dầu quốc tế chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố cung cầu trên thị trường.

Về phía cung, nguồn cung dầu hiện vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng. Nhóm nước xuất khẩu dầu lớn OPEC khai thác khoảng 34% sản lượng dầu và sản phẩm dầu của thế giới, tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang phục hồi, lượng cung hiện tại từ phía OPEC là không đủ để cân bằng lại nhu cầu của thị trường trong ngắn hạn do: (1) OPEC và các nước đồng minh thận trọng gia tăng sản lượng; (2) Mức độ tuân thủ sản lượng thực tế thấp hơn 500.000 thùng/ngày so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, tác động của tình hình địa chính trị tại Ukraine - Nga lên nguồn cung cũng tạo ra những lo ngại khi Nga chiếm hơn 11% tổng nguồn cung dầu và các sản phẩm dầu trên thế giới. Trước những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, sản lượng khai thác dầu thô, của Nga đạt 8,8 triệu thùng/ngày trong tháng 5, giảm hơn 1,7 triệu thùng/ngày so với thời điểm đầu năm, mức sụt giảm này vẫn đang lớn hơn nhiều tổng sản lượng mà OPEC tăng thêm và Mỹ “xả kho” trong thời gian qua.

Không chỉ với dầu thô, giá khí đốt thế giới cũng chịu tác động từ việc cắt giảm nguồn cung từ Nga (Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt tại châu Âu). Trước các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, Nga có thể tiếp tục việc tạm ngưng khí cung cấp sang các nước châu Âu như là biện pháp trả đũa.

Về phía cầu, nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo tăng trưởng chậm lại trong các quý tới trước bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ dầu phụ thuộc bởi các hoạt động sản xuất và vận tải, do đó phụ thuộc lớn vào triển vọng nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, gần đây, IMF đã hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới 2022 từ 4,1% xuống còn 3,6% cho năm 2022. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ khi mà Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (chiếm 14-15% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu).

Giá dầu duy trì mức cao sẽ là động lực với ngành dầu khí trong nước, đặc biệt với các nhóm khai thác, thăm dò, phân phối và chế biến dầu khí. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu có thể “hạ nhiệt” dần về cuối năm, tuy nhiên vẫn sẽ neo ở mức cao với giá dầu trung bình cả năm 2022 dự báo đạt 107 USD/thùng với dầu Brent, bởi: (1) Nguồn cung từ Nga có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt; (2) Nguồn “xả kho” của Mỹ, cùng với chính sách thận trọng từ OPEC là không đủ để bù đắp thiếu hụt do biến động nguồn cung từ Nga.

Đầu tư cổ phiếu dầu khí Việt Nam: Cần lưu ý gì?

Ngành dầu khí Việt Nam khá đặc thù khi các doanh nghiệp xuất hiện ở mọi khâu trong chuỗi giá trị dầu khí: Khai thác và xuất khẩu dầu thô, lọc hóa dầu và kinh doanh thương mại các sản phẩm xăng dầu. Do đó, mức độ ảnh hưởng của giá dầu rất khác nhau với từng đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị này. Không phải cứ giá dầu tăng là kết quả kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp dầu khí đều khởi sắc.

Mặc dù giá dầu tăng nhanh nhưng tốc độ hồi phục trở lại của mảng khai thác dầu khí không thể bật lên nhanh như vậy. Các dự án thăm dò, khai thác cần có thời gian để khởi động, do đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) vẫn còn khó khăn.

Các doanh nghiệp trung nguồn cung cấp các dịch vụ, phân phối, chế biến dầu khí thì hưởng lợi ngay từ giá dầu khí tăng. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp như Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đều tăng trưởng rất ấn tượng.

Các doanh nghiệp hạ nguồn như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, hưởng lợi từ giá phân bón tăng cao.

Trong trung hạn, khi giá dầu được nhiều tổ chức dự báo vẫn giữ ở khoảng 100 USD/thùng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn và hạ nguồn vẫn sẽ rất khả quan.

Bên cạnh diễn biến và xu hướng giá dầu, nhà đầu tư Việt Nam cũng cần lưu ý đến hoạt động của chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn. Đây là dự án khí lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại và được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành trong tương lai.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ thượng nguồn (giàn khoan ngoài biển), trung nguồn (đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn) và hạ nguồn là cụm năng lượng Ô Môn, bao gồm các nhà máy điện khí Ô Môn II, III và IV, sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và nhà thầu EPC tại Việt Nam.

Sau thời gian tạm dừng, dự án nhà máy điện Ô Môn III đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III vào quý IV/2022 và đấu thầu EPC vào quý I/2023. Các dự án Ô Môn 2 và Ô Môn 4 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho công tác tổ chức đấu thầu ngay trong năm nay. Dự kiến 3 nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 (Ô Môn 4) và đầu năm 2026 để khớp với tiến độ khai thác khí.

Với dự án tại trung nguồn là đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, đầu năm 2022, GAS đã công bố góp 51% vào dự án này với tổng mức đầu tư khoảng gần 29.000 tỷ đồng. Hiện tại công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND Cần Thơ bàn giao mốc cho Trung tâm phát triển quỹ đất, dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2022, bàn giao đất cho nhà thầu thi công vào quý II/2023.

Với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B - Ô Môn, GAS sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí.

Bên cạnh nhà đầu tư chính, các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Công ty Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC (UPCoM: POS), Công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB), Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) sẽ có cơ hội lớn giành được hợp đồng EPC nhờ kinh nghiệm trong các dự án khác tại Việt Nam.

Trong đó, PVB với việc sở hữu nhà máy bọc ống duy nhất tại Việt Nam là đơn vị thực hiện hầu hết các dự án bọc ống ngoài khơi được tin rằng sẽ tiếp tục nhận được hợp đồng tại dự án này. Ngoài ra, PVS với nhiều kinh nghiệm tại các dự án như đường ống Sao Vàng - Đại Nguyệt hay đường ống Nam Côn Sơn 2 sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội giành được hợp đồng EPC tại dự án trung nguồn.

Với thượng nguồn, bao gồm giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn đầu giếng (WHP), một giàn nhà ở, một tàu chứa condensate (FSO) và 750 giếng khai thác, đây sẽ là một cơ hội lớn với khối lượng công việc “khồng lồ” cho PVD - đơn vị cung cấp dịch vụ khoan. Đi kèm dịch vụ khoan sẽ cần tới đơn vị cung cấp dung dịch khoan của Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (HNX: PVC). Ngoài ra, với khối lượng công việc lớn liên quan đến xây lắp các dàn khoan dầu khí, PVS và PVX nhiều khả năng sẽ tham gia vào các hợp đồng EPC phát triển mỏ khí nhờ kinh nghiệm đến từ dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt cũng như dự án Gallaf tại Qatar.

Với trữ lượng khí ước tính gần 107 tỷ m3 tại mỏ khí Lô B, vòng đời của dự án được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự tính là 20 năm và sẽ đem về khoảng 19,23 tỷ USD cho ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần thượng nguồn và đường ống dẫn khí.

(*) Trưởng nhóm Chiến lược thị trường, Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Tin mới lên