Đầu tư dự án bất động sản tại Việt Nam, làm gì để tiếp cận dòng vốn xanh?
Khánh Nam -
04/10/2023 09:48 (GMT+7)
(VNF) - Bà Đỗ Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình Công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng các chủ đầu tư bất động sản đang đứng trước cơ hội lớn không chỉ từ dòng vốn tài trợ quốc tế mà còn nâng tầm giá trị doanh nghiệp Việt khi đạt chuẩn công trình xanh.
- Bà cho biết về khả năng IFC tài trợ vốn cho các dự án công trình xanh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Bà Đỗ Ngọc Diệp: Là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, IFC từ lâu đã trở thành một trong những tổ chức quốc tế hoạt động tích cực nhất, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển vì sự thịnh vượng chung; trong đó có việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thông qua tài trợ vốn các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các công trình xanh.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện lộ trình phát triển kinh tế hướng tới tham vọng là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045 và hoàn thành cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hướng tới mục tiêu đó, chính phủ đang tích cực thúc đẩy tài chính xanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2015 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế). Riêng trong năm tài chính 2023, đã có hơn 300 triệu USD đầu tư vào danh mục dự án các dự án xanh tại Việt Nam.
- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng đầu tư cho công trình xanh khá đắt đỏ, ngoài ra vẫn còn khó khăn khi tiếp cận thị trường vốn này. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Thực tế không phải là như vậy! Nhiều chủ đầu tư dự án đưa ra nhận xét trên là vì so sánh chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng công trình thông thường và công trình xanh. Tuy nhiên, điều này thực sự là do hiểu chưa đúng và đủ về lợi ích của công trình xanh.
Công trình xanh vẫn luôn được biết đến với các đặc điểm tiết kiệm năng lượng, nước và tài nguyên, đồng thời mang lại môi trường sống lành mạnh, từ đó trực tiếp mang lại hiệu quả tài chính trong quá trình vận hành của công trình.
Ngoài những lợi ích dài hạn và bền vững, trong những năm gần đây, những chủ đầu tư nắm bắt xu thế mới của thị trường vốn cũng đã tiếp cận được rất nhiều nguồn vốn xanh từ việc thực hành xanh của mình. Chỉ vài năm trước, các doanh nghiệp thực hành xanh sẽ có cơ hội hưởng những nguồn vốn ưu đãi, có thể rẻ hơn, nhưng từ hai - ba năm trở lại đây, thị trường vốn đã có sự chuyển dịch dần từ vốn thông thường sang “vốn xanh”, tập trung tài trợ các dự án xanh và thân thiện với môi trường. Do vậy, thị trường vốn thông thường đã đang dần bị co hẹp và cạnh tranh hơn. Để dễ dàng tiếp cận vốn hơn, các chủ đầu tư cần và nên chuyển dịch sang xây dựng các công trình xanh để tiếp cận nguồn vốn xanh dồi dào.
- Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng: Làm công trình xanh tốn chi phí. Nhưng có vẻ như điều đó không đúng với hiện tại?
Công nghệ phát triển liên tục kéo theo giá cả nhiều mặt hàng công nghệ và vật liệu trở nên phải chăng hơn. Đây là xu hướng tất nhiên của sự phát triển. Trước đây một giải pháp xanh có thể bị coi là đắt đỏ nhưng tới nay đã trở thành một thực hành phổ biến.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án có thể đặt đầu bài về thiết kế xanh ngay từ ban đầu, khi đó các kiến trúc sư có thể cân nhắc đưa vào công trình những giải pháp thiết kế thông minh giúp công trình xanh hơn, trong khi vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng mà không làm tăng vốn đầu tư.
- Để có thể tiếp cận dòng vốn xanh từ IFC, doanh nghiệp bất động sản cần phải làm gì?
Chúng ta vừa đề cập về sự dịch chuyển của thị trường vốn. Càng ngày nguồn vốn thông thường sẽ thu hẹp lại và chuyển dần sang vốn xanh. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không chuyển mình ngay từ bây giờ thì có thể sẽ tự đưa mình vào thế khó khi mà các nguồn vốn đều có yêu cầu về phát triển bền vững. Thời điểm thị trường trầm lắng là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp củng cố lại chiến lược và lồng ghép phát triển bền vững vào định hướng kinh doanh của mình, tạo sức bật ngay sau khi thị trường phục hồi. Những doanh nghiệp không có định hướng xanh sẽ dần mất đi cơ hội và lợi thế cạnh tranh không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn trên thị trường khu vực và toàn cầu.
Mặc dù các thông tin quảng cáo về công trình xanh tại Việt Nam tràn ngập khắp nơi, song để biết thực sự thế nào là xanh thì các nhà đầu tư sẽ yêu cầu các khoản tín dụng xanh phải mang lại lợi ích môi trường rõ ràng, được định lượng và đánh giá ban đầu, cũng như được đo lường và báo cáo bởi bên vay vốn trong suốt quá trình triển khai. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư yêu cầu các dự án có xác minh độc lập về hiệu quả hoạt động bền vững trong suốt vòng đời của dự án rằng yếu tố xanh được áp dụng đầy đủ trong thực tế.
Đối với bất động sản, các dự án cần được đánh giá và cấp chứng chỉ. Đây là yếu tố quyết định bảo chứng cho độ tin cậy của các dự án xanh. Những dự án có chứng nhận công trình xanh chắc chắn phải đảm bảo các yêu cầu tương ứng và được xác minh bởi bên thứ ba. Đây cũng chính là căn cứ và công cụ hỗ trợ rất tốt cho thị trường vốn xanh. Nếu không có chứng chỉ công trình xanh, các định chế tài chính khó mà xác định được dự án xanh hay không hoặc mức độ xanh để đưa ra quyết định phân bổ nguồn vốn xanh của mình. Mặt khác, về thông tin tới công chúng, ví dụ như người mua nhà, dự án có chứng chỉ cũng tạo nên sự tin cậy cần thiết để tránh bị quá tải thông tin sai lệch, không chinh xác về tính xanh của một công trình cũng như nâng cao nhận thức và hiểu đúng về thiết kế xanh.
Cũng để khơi thông nguồn vốn xanh, IFC đã phát triển hệ thống đánh giá công trình xanh EDGE. Đây là một công cụ định lượng giúp tối ưu hóa thiết kế, trong đó có việc cải thiện ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu so với các công trình cơ sở tại chính nơi đầu tư dự án.
EDGE áp dụng đa dạng cho các loại hình công trình như: nhà ở, khu căn hộ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, cơ sở y tế, trung tâm thương mại... và đã thực hiện ở hơn 100 quốc gia. Đây là bộ tiêu chuẩn phù hợp với những quốc gia có nền kinh tế đang lên và được IFC cung cấp phần mềm ứng dụng miễn phí để doanh nghiệp tự đánh giá. Nếu đạt được mức cải thiện theo tiêu chuẩn thì dự án sẽ đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ.
Trong quá trình chứng nhận, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ cho đơn vị đánh giá thứ ba, với các chuyên gia đã được đào tạo về EDGE để kiểm tra hồ sơ cũng như tại thực địa. Quy trình cấp chứng chỉ EDGE chú trọng ở góc độ kỹ thuật có tính định lượng, mang lại kết quả có ý nghĩa.
Việc sử dụng vật liệu, thiết kế và xây dựng công trình xanh có thể làm tăng chi phí đầu tư dự án. Tuy nhiên, công trình xanh được triển khai không chỉ để khẳng định chất lượng dự án, tên tuổi của chủ đầu tư mà còn giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang đến môi trường sống văn minh. Bởi quan niệm sống xanh không chỉ là môi trường nhiều cây xanh mà còn là sống sạch và tiết kiệm năng lượng theo xu hướng chung toàn cầu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone