Đề xuất bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được 'quyết' dự án dưới 10.000 tỷ đồng

Thuỳ Dương - 09/10/2024 17:54 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 8 nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trong đó, lần sửa đổi này phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, vốn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng lưu ý, Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng Quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên (tăng 3 lần); dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.

Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, chủ tịch UBND các cấp sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị rà soát, thống kê, đánh giá về số lượng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng và trên 30.000 tỷ đồng trong thời gian vừa qua.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; thuyết minh đầy đủ căn cứ xác định và đánh giá tác động của chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Đồng thời cần đánh giá tác động kỹ về năng lực thực hiện của các địa phương; tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.

Về phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc phân cấp như dự thảo luật là thay đổi lớn.

Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.

Theo cơ quan thẩm tra, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, do vậy Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực.

“Nếu quy định chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án, là chưa bảo đảm tính khách quan”, ông Mạnh cho hay.

Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác