Tài chính

'Đi săn' cổ phiếu chu kỳ

(VNF) - Không chỉ 2 năm đại dịch mà trong lịch sử thị trường chứng khoán, không hiếm các cổ phiếu chu kỳ đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư. Nhận ra cơ hội lớn, không ít nhà đầu tư chuyên “săn lùng” cổ phiếu chu kỳ.

'Đi săn' cổ phiếu chu kỳ

Suốt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các cổ phiếu “ăn bằng lần” xuất hiện liên tục.

“Ăn bằng lần”

Suốt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các cổ phiếu “ăn bằng lần” xuất hiện liên tục. Đây là cơ hội hiếm có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không ít nhà đầu tư đã kịp nhân đôi, nhân ba tài khoản, thậm chí đổi đời. Trong số các cổ phiếu “ăn bằng lần” thời gian qua, có rất nhiều cổ phiếu nặng tính chu kỳ.

Mặc dù nền kinh tế hay thị trường chứng khoán nhìn chung cũng đều có tính chu kỳ nhưng không phải cổ phiếu nào cũng có tính chu kỳ rõ rệt, thể hiện ra ở biến động có tính đột biến về giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch, đi kèm là lợi nhuận tăng mạnh trong một khoảng thời gian nhất định. Đầu tiên có thể kể đến cổ phiếu thép.

Suốt từ quý IV/2018 đến quý III/2019, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận lợi nhuận ròng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Sau giai đoạn “đáng quên”, từ quý IV/2019 đến quý IV/2021, lợi nhuận ròng của HPG liên tục tăng theo quý so với cùng kỳ, đặc biệt là từ quý I/2020 trở đi tăng trưởng hai đến ba chữ số. Trên thực tế, từ khi dịch Covid-19 diễn ra, giá thép trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới liên tục tăng mạnh, là yếu tố “thiên thời” giúp lợi nhuận của HPG nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung tăng phi mã.

Giá cổ phiếu HPG cũng bám khá sát chu kỳ lợi nhuận. So với đầu quý IV/2018, giá cổ phiếu HPG cuối quý III/2019 đã giảm khoảng 32%. Từ quý IV/2019 đến cuối quý IV/2021, giá cổ phiếu HPG đã tăng gấp 3,6 lần.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ghi nhận lợi nhuận ròng suy giảm so với cùng kỳ suốt từ quý I/2017 đến quý I/2019, đi liền với đó, giá cổ phiếu giảm khoảng 63%. Sau đó, lợi nhuận ròng của HSG đảo chiều tăng trong giai đoạn quý II/2019 đến quý IV/2021, giá cổ phiếu theo đó tăng gấp 5,2 lần.

Bên cạnh thép, các ngành vận tải thủy, phân bón gần đây cũng trải qua chu kỳ “thịnh vượng”. Như với ngành vận tải thủy, việc giá cước vận chuyển tăng vọt trên toàn thế giới là yếu tố “thiên thời” đưa cổ phiếu ngành này “lên mây”. Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) liên tục tăng trưởng lợi nhuận hai đến ba chữ số trong giai đoạn quý IV/2020 – quý IV/2021, giá cổ phiếu theo đó cũng tăng gấp 5,1 lần. Trước đó, trong giai đoạn quý II/2018 – quý III/2020, ngoại trừ quý II/2020 tăng nhẹ 3,8% thì lợi nhuận ròng của các quý khác đều giảm so với cùng kỳ năm trước đó, giá cổ phiếu HAH cũng chỉ giữ xu hướng đi ngang, xen kẽ là nhiều pha đi xuống.

Hoặc như ngành phân bón, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), sau khi trải qua 3 quý liền giảm hai chữ số từ quý I/2019 đến quý III/2019, lợi nhuận ròng của DPM tăng mạnh 57% từ quý IV/2019. Sau đó, từ quý I/2020 đến quý IV/2021, lợi nhuận ròng tăng trưởng tới 3 chữ số so với cùng kỳ, ngoại trừ quý IV/2020. Giá cổ phiếu DPM diễn biến thuận chiều với lợi nhuận khi giảm 56% trong giai đoạn từ đầu quý I/2019 đến cuối quý III/2019 rồi tăng gấp 3,8 lần từ đầu quý IV/2019 đến cuối quý IV/2021.

Có tính chu kỳ rõ rệt hơn cả ngành vận tải thủy và phân bón là cổ phiếu ngành dầu khí. Giá dầu đã có sự phục hồi và tăng trưởng “thần kỳ”, từ hiện tượng giá dầu âm do “cú sốc” Covid-19 đến thời kỳ giá dầu liên tục đạt những mốc cao hiếm có trong lịch sử nhờ nhu cầu hồi phục sau đại dịch và căng thẳng địa chính trị do chiến sự Nga – Ukraine.

Đơn cử, Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận mức lỗ ròng lịch sử hơn 2.300 tỷ đồng trong quý I/2020 và tiếp tục lỗ hơn 1.900 tỷ đồng trong quý II/2021, giá cổ phiếu theo đó giảm 19%. Hai quý còn lại của năm 2020, lợi nhuận hồi phục lại, giá cổ phiếu BSR cũng đảo chiều tăng 41% và tiếp tục tăng 173% từ đầu năm 2021 đến thời điểm chốt phiên 29/3/2022.

Cổ phiếu thủy sản cũng đang nằm trong chu kỳ đi lên theo giá thủy sản, đặc biệt là giá cá tra. Công ty Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), sau khi ghi nhận 7 quý liền giảm liên tiếp từ quý III/2019 đến quý I/2021, lợi nhuận ròng đã bắt đầu tăng từ quý II/2021 (16%), tăng tốc trong quý III/2021 (46%) và tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2021 (197%). Giá cổ phiếu VHC sau khi giữ xu hướng suy giảm từ quý II/2019 đến quý I/2021 đã chuyển sang xu hướng tăng, từ quý đầu quý II/2021 đến thời điểm chốt phiên 29/3/2022 đã tăng hơn 2 lần.

Làm sao để “săn” cổ phiếu chu kỳ?

Không chỉ 2 năm đại dịch mà trong lịch sử thị trường chứng khoán, không hiếm các cổ phiếu chu kỳ đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư. Nhận ra cơ hội lớn, không ít nhà đầu tư chuyên “săn lùng” cổ phiếu chu kỳ.

Tương tự như chu kỳ kinh tế, có thể chia chu kỳ ngành ra thành 4 giai đoạn: Suy thoái, Khủng hoảng, Phục hồi và Hưng thịnh. Hầu hết các ngành đều chịu ảnh hưởng bởi tính chu kỳ nhưng một số ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn hẳn các ngành khác, nhất là các cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào một loại đầu vào, chẳng hạn như nguyên, nhiên liệu thô (commodity).

Cách đầu tiên để “săn” cổ phiếu chu kỳ là mua cổ phiếu ở thời kỳ Khủng hoảng. Với phương pháp này, nhà đầu tư có thể “ăn trọn sóng” cổ phiếu. Không quá khó để nhận ra một ngành đang rơi vào khủng hoảng, nhưng bao giờ ngành đó mới phục hồi lại là câu hỏi không dễ có lời giải. Chọn đúng cổ phiếu, nhưng sai thời điểm có thể khiến nhà đầu tư bị chôn vốn, thậm chí thua lỗ và nếu không kiên định, hoàn toàn có thể bán cổ phiếu “đúng đáy”.

Phải rất am hiểu ngành hoặc/và kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn thì nhà đầu tư mới nên “bắt dao rơi”, mua cổ phiếu trong thời kỳ Khủng hoảng khi thị trường rơi vào “sợ hãi”.

Cách thứ hai, thường dùng hơn, là “săn” pha đầu của thời kỳ Phục hồi. Thông thường, trong thời kỳ Khủng hoảng vẫn có một số thời điểm giá đầu vào, đầu ra phục hồi trở lại nhưng rất có thể sự phục hồi này chỉ mang tính tạm thời, khiến nhà đầu tư lầm tưởng và đưa ra quyết định đầu tư vội vàng, không hiệu quả. Nhưng khi một số doanh nghiệp trong ngành bắt đầu đồng loạt hưởng lợi nhất định từ sự phục hồi của giá đầu vào, đầu ra trong một vài tháng và sự hưởng lợi này thể hiện qua kết quả kinh doanh khả quan cuối quý, thì rất có thể ngành đó đã bước vào thời kỳ Phục hồi và điều này thường diễn ra trong nhiều quý tiếp theo, có thể càng ngày càng được hưởng lợi mạnh mẽ hơn, kéo theo đó lợi nhuận ngày càng tăng cao và giá cổ phiếu cũng tăng phi mã theo.

Với cách này, nhà đầu tư có thể lỡ một/một vài nhịp tăng đáng kể nhưng đổi lại, rủi ro ít hơn và thành quả đầu tư nhiều khi cũng rất đáng mơ ước, thậm chí vẫn có thể “ăn bằng lần”.

Hiện nay, các công cụ đầu tư giúp ích rất nhiều cho phương pháp đầu tư này. Nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm ra những doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận theo quý ở mức cao (so với cùng kỳ năm trước) sau một thời gian khá dài lợi nhuận suy giảm hoặc đi ngang theo quý.

Một số nhà đầu tư kết hợp thêm với các phương pháp phân tích kỹ thuật để tự tin hơn vào thời điểm đầu tư. Hoặc phân kỳ đầu tư từ khi mới chớm xuất hiện tín hiệu đảo chiều cho đến khi doanh nghiệp thực sự ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan thể hiện qua báo cáo tài chính.

Tương tự như cách xác định thời điểm mua vào, nhà đầu tư “săn” cổ phiếu chu kỳ bán ra theo nhiều cách: hoặc là bán ra ở thời điểm thị trường “hưng phấn”, nhờ đó có thể chốt lời ở đỉnh nhưng cũng có thể bán quá sớm; hoặc là bán ra khi doanh nghiệp không còn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đáng kể theo quý (tăng trưởng một chữ số hoặc thụt lùi), nhờ đó không bị bán quá sớm nhưng phải chấp nhận mức giá suy giảm nhất định từ đỉnh; hoặc phân kỳ bán từng phần theo các tín hiệu về kết quả kinh doanh và phân tích kỹ thuật.

Tin mới lên