Dịch Covid-19 tác động mạnh, ngân hàng nào sở hữu nguồn dự phòng đối ứng nợ xấu tốt nhất?

Minh Tâm - 10/03/2020 14:56 (GMT+7)

(VNF) - "Dịch Covid-19 tác động rất mạnh, cả về phía cung, cả về phía cầu, cả về phía người tiêu dùng, cả về phía người sản xuất, thậm chí cả hành vi, thói quen của người dân. Cho nên ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng", một lãnh đạo ngân hàng cho hay.

VNF
Dịch Covid-19 tác động mạnh, ngân hàng nào sở hữu nguồn dự phòng đối ứng nợ xấu tốt nhất?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước, bất chấp các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp (đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

"Ngoại trừ một số lĩnh vực có nguồn nguyên liệu trong nước vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như xuất nhập khẩu, du lịch, nông nghiệp, vận tải, đặc biệt là ngành hàng không gặp khó khăn rất lớn...", lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

BIDV - ngân hàng có quy mô hàng đầu hệ thống - không thoát khỏi ảnh hưởng từ dịch. Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú tiết lộ 2 tháng đầu năm, lượng vốn huy động của ngân hàng giảm 1,6%, trong khi dư nợ giảm khoảng 2%.

"Dịch Covid-19 tác động rất mạnh, cả về phía cung, cả về phía cầu, cả về phía người tiêu dùng, cả về phía người sản xuất, thậm chí cả hành vi, thói quen của người dân. Cho nên ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng", ông Tú nói.

Người đứng đầu HĐQT BIDV nhấn mạnh với tình hình này thì chưa ai biết được dịch sẽ diễn biến thế nào nhưng chắc chắn sẽ phức tạp.

Vietcombank, ACB và MB là 3 ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu thời điểm cuối năm 2019

Nợ xấu chắc chắn sẽ phát sinh nhiều hơn khi doanh nghiệp, người dân chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay... mà các ngân hàng đề ra với tổng quy mô các gói hỗ trợ tín dụng lên tới 250.000 tỷ đồng cũng là nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khủng hoảng tạm thời, nhằm giảm thiểu lượng nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Nợ xấu phát sinh sẽ làm tăng gánh nặng dự phòng rủi ro, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, vì tác động của dịch Covid-19 có thể chỉ là tạm thời nên ngân hàng nào sở hữu nhiều nguồn lực đối ứng xử lý nợ xấu nhất, ngân hàng đó có khả năng ít chịu tác động đến lợi nhuận nhất, bởi họ có nhiều dư địa xử lý nợ xấu mới phát sinh bất thường do dịch Covid-19 bằng lượng dự phòng đang có.

Xét về góc độ tài chính, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là chỉ tiêu quan trọng phản ánh ngân hàng nào sở hữu nguồn dự phòng đối ứng nợ xấu tốt nhất.

Tính toán của VietnamFinance cho thấy cuối năm 2019, 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (gồm cả nợ chưa dự phòng tại VAMC) cao nhất là Vietcombank (182%), ACB (175%) và MB (110%), cũng nghĩa rằng 3 ngân hàng này nhiều dự địa nhất trong việc dùng dự phòng để xử lý nợ xấu.

BacABank (109%), TPBank (98%) gây ấn tượng khi nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất. Kế đó là Techcombank (95%), Agribank (90%) và HDBank (87%).

2 "ông lớn" VietinBank và BIDV nằm ở nhóm trung bình khá với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lần lượt 75% và 67%. SHB tạo ngạc nhiên khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh lên 57% (từ mức 27% thời điểm một năm trước) nhờ mạnh tay xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng vẫn tăng được số dư dự phòng.

Không ít ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dưới 50%. Ngân hàng lớn thì có SCB (chỉ 11% do nợ xấu tại VAMC còn lớn và thậm chí lớn hơn nữa nếu tính cả nợ tiềm ẩn thành nợ xấu), Sacombank (cũng 11%, tương tự SCB nhưng ở "cường độ" yếu hơn). Ngân hàng cỡ vừa thì có Eximbank (26%), MSB (36%). Ngân hàng nhỏ có ABBank, Saigonbank và NCB.

Cùng chuyên mục
Tin khác