Điểm mặt những doanh nhân từng khoác áo lính

Lệ Chi - 29/04/2019 11:27 (GMT+7)

(VNF) - Trước khi trở thành doanh nhân, họ từng xuất thân từ lính quân y, chiến sĩ tàu không số hay cán bộ hậu cần, lính của binh chủng tên lửa... VietnamFinance trân trọng giới thiệu 6 nhân vật không chỉ là người lính chiến đấu trên chiến trường mà trong thời bình, họ còn là những "người lính" trên thương trường.

VNF
Những doanh nhân từng khoác áo lính

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là trung úy trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Minh cũng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh.

Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh từ lâu được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam". Trước đó, ông cũng từng có biệt danh "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank, nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Vào tháng 1/2018, ông Dương Công Minh trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên rời cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, ông đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt.

Hiện tại, ông Minh chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT duy nhất tại Sacombank.

Doanh nhân Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1949, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Năm 1971, ông xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ở sư đoàn 324, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người lính Lê Thanh Thản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về quê hương.

Năm 1978, ông Thản được cấp trên điều đi học tại trường Đảng Lê Hồng Phong, sau khi học xong ông được tổ chức phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu - một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự và phải đấu tranh với nhiều âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Ông về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu và đến năm 1984 được điều động về làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay.

Ông Lê Thanh Thản.

Sau một thời gian dài vật lộn với thị trường, năm 1993, ông Thản quyết định thành lập Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu (nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên). Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng không chỉ tại tỉnh Lai Châu (tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay) mà còn ký kết được những gói thầu lớn ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả nước bạn Lào.

Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại thành phố Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước.

Doanh nhân Lê Thanh Thản đã chèo lái đưa "đôi cánh" Mường Thanh vượt qua khủng hoảng, phá tan sự đóng băng của thị trường bất động sản và gặt hái được nhiều thành công trong đó nổi bật là những dự án chung cư giá rẻ. Không những vậy, điều đáng nói là doanh nghiệp của ông Thản đã làm cho thị trường bất động sản "dậy sóng" khi "hồi sinh" nhiều dự án từng bị "đắp chiếu" nhiều năm nay...

"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển

Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển đã có thời gian dài gắn bó với màu áo lính. Ông từng là chiến sĩ thuộc binh đoàn tàu không số - lực lượng vũ trang huyền thoại của Việt Nam - vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Ông cũng giữ chức Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.

Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông Đào Hồng Tuyển từng quyết định trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp dù khi ấy ông không có nghề, không nơi ở, phải kiếm sống bằng việc dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu.

Đến những năm 90, ông dồn vốn mua lại các xí nghiệp của chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón...

Doanh nhân Đào Hồng Tuyển.

Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển - khi đó là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc - đã quyết định đổ khoảng 80 tỷ đồng để xây con đường độc đạo xuyên biển, nối Tuần Châu với đất liền, đổi lại, ông được khai thác 98ha đất trên đảo.

Ba năm sau, con đường hoàn thành, rồi trong 15 năm tiếp theo, ông Tuyển cho xây dựng 110km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98ha lên gần 700ha.

Làm đường ra đảo Tuần Châu là việc làm động trời nhất, tạo nên thương hiệu "Chúa đảo" cho ông Đào Hồng Tuyển.

Bên cạnh danh xưng “Chúa đảo”, ông Tuyển cũng được biết đến là người hào phóng trong hoạt động từ thiện.

“Chúa đảo” Tuần Châu từng đấu giá căn biệt thự lên tới 12 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào gặp bão lụt. Việc tặng biệt thự triệu đô cho GS. Ngô Bảo Châu cũng thu hút được sự chú ý của dư luận. Ông cũng tặng siêu xe Rolls-Royce gần 40 tỷ cho người dân bị thiệt hại tại vùng mưa lũ Quảng Ninh, hay mời người dân vùng mưa lũ đến ăn ở miễn phí tại khách sạn 4 sao của mình.

Doanh nhân Dũng "lò vôi"

Nhập ngũ từ khi chưa hoàn thành chương trình học phổ thông, doanh nhân gốc Bình Định Huỳnh Uy Dũng từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam vào những năm 1975. Sau đó, ông lui về làm công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, quân trang tại Quân khu 5, rồi đến Quân khu 7.

Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp để có thêm thu nhập cho đơn vị. Tên Dũng “lò vôi” có từ năm 1983 và theo ông suốt từ đó đến nay.

Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức Giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.

Về Thanh Lễ khi công ty này đang trên bờ vực phá sản, vực dậy công ty phát triển, ông lại rời đi lập công ty gia đình Hoàng Gia, là Công ty Cổ phần Ðại Nam hiện giờ. Năm 1997, ông làm làm khu công nghiệp Bình Đường.

Sau Bình Đường, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng.

Ít ai biết ông Dũng là tác giả của hơn 20 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách về lịch sử, tâm linh, luân hồi chuyển kiếp…Nhiều người ngạc nhiên về sức nghĩ, sức viết của ông.

Được biết, Công ty Cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh được kết hợp tên bà Nguyễn Phương Hằng - vợ ông Dũng với họ của ông Dũng và con của ông Dũng và bà Hằng.

Chọn ngày sinh nhật của mình và vợ cho lễ ra mắt nhà máy xử lý nước thải đầu tiên, ông Dũng tâm sự: “Như một định mệnh, chúng tôi có cùng ngày sinh nhật. Dành ngày vui riêng cho niềm vui chung, tôi coi nhà máy này là đứa con đầu lòng thánh thiện, đi tới đâu đem lại niềm vui cho mọi người tới đó”.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh từng có 6 năm làm quân y trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968, khi đó bà mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.

Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và 10 năm sau trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện lạnh REE (REE).

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu lớn trong ngành.

Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu REE được biết đến khi là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết (cùng với SAM). Tuy nhiên, thương hiệu REE ngày nay được biết đến như một tập đoàn đầu tư đa ngành với các lĩnh vực: bất động sản, điện, nước, khoáng sản.

Vào tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được Forbes vinh danh vào top “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Công ty May Sông Hồng

Trưởng thành từ một người lính thuộc binh chủng tên lửa, ông Bùi Đức Thịnh xuất ngũ năm 1974, bắt đầu hoạt động đoàn thể rồi tham gia công tác chính trị ở Nam Định. Đến năm 1988, đúng vào thời điểm đất nước vừa bắt đầu đổi mới, ông được nhận một nhiệm vụ mới là thành lập và quản lý xí nghiệp may 1-7, tiền thân của Công ty Cổ phần May Sông Hồng.

Sự khởi nghiệp ấy, ông từng mô tả lại, gói trọn trong một chữ ''không''. Không vốn, không đất đai để xây dựng nhà xưởng, không công nghệ, thiếu cả nhân lực và thị trường. Thế nhưng khó khăn không ngăn được người doanh nhân khoác áo lính ''kiên trì kiếm tìm từng khe sáng nhỏ'' để vươn lên.

Doanh nhân Bùi Đức Thịnh.

Những năm 97, 98 là thời điểm cả nước chỉ có 6, 7 xưởng sản xuất bông, chủ yếu là của nước ngoài. Không chấp nhận thua kém, dù bị đối tác bội ước, ông Bùi Đức Thịnh và ban lãnh đạo công ty vẫn kiên quyết thành lập xưởng bông tấm đầu tiên của người Việt.

Sau hơn 30 năm hoạt động, từ một doanh nghiệp nhỏ bé, May Sông Hồng đã trở thành một đế chế hùng hậu, với gần 11.000 lao động, 18 xưởng may, 2 xưởng giặt, một xưởng chăn ga gối, một xưởng bông đệm và chần bông.

Năm 2018 là dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập, cũng là thời điểm May Sông Hồng lên sàn HoSE. May Sông Hồng chọn thời điểm lên sàn trong lúc các doanh nghiệp ngành dệt may đang đón làn sóng mới nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin liên quan đến Hiệp định CPTTP được thông qua, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cùng chuyên mục
Tin khác