Ngân hàng

Điểm tỷ lệ room ngoại của các ngân hàng Việt

(VNF) - Câu chuyện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng nóng lên vài năm nay. Vậy tỷ lệ room ngoại của các ngân hàng hiện thế nào?. Vì sao room ngoại tại một số ngân hàng đã chạm trần và mong muốn được nới thêm thì số khác vẫn còn nguyên?

Điểm tỷ lệ room ngoại của các ngân hàng Việt

Điểm tỷ lệ nhà đầu tư ngoại nắm giữ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã: STB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023. Theo đó, kể từ ngày 14/03/2014 đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được ĐHĐCĐ Sacombank thống nhất là 30%. Nhưng khi Sacombank phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về mức 23,63468% và đến ngày 31/05/2021 VSD lại điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về lại mức 30%. Vào ngày 10/3 vừa qua, VSD đã gửi cho Sacombank công văn ghi nhận sự thiếu sót đối với việc điều chỉnh nêu trên.

Sacombank cho biết, với chủ trương muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phát triển, ngân hàng ghi nhận room ngoại đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ.

Tháng 11/2022, VIB công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, trong đó có nội dung điều chỉnh room ngoại. Lãnh đạo VIB cho hay, tỷ lệ này có thể được điều chỉnh lên 30%, trong trường hợp được ĐHCĐ thông qua.

Tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2022, SHB đã trình kế hoạch chào bán không quá 20% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đợt thoái vốn của Petrolimex, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại ở mức 2% vốn điều lệ.

Mới đây, VPBank đã ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản. Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tới hơn 17,6%. Trong trường hợp tỷ lệ này không thay đổi, room ngoại của VPBank sẽ chạm trần 30% sau khi phát hành hơn 1,18 tỷ cổ phiếu cho SMBC.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho hay, tính đến ngày 15/2, có 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại là ACB, MSB, TPBank, Sacombank, ABBank; một số ngân hàng khác duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định là 30% như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).



Nơi khóa, nơi mong nới thêm room

Được ví là cổ phiếu “vua” nên nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất tích cực nắm giữ. Trong số 27 ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên mức 15% vốn điều lệ.

Song khẩu vị đầu tư của khối ngoại khá chọn lọc và không dàn trải. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như ACB, TPBank, VIB và VPBank, Sacombank, ABBank, MBBank, Techcombank thì một số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại 30%.

Một số ngân hàng khóa room ngoại ở mức rất thấp để “giữ chỗ” cho đối tác chiến lược như LienVietPostBank (5%), Ngân hàng Bản Việt (5%). Trong khi đó, dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB và SHB chỉ lần lượt là 8,87% và 6,08% vốn điều lệ.

Với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 8,21% vốn điều lệ.

Số khác lựa chọn phương án khóa room ngoại làm "của để dành", tạo dư địa cho huy động vốn, đồng thời nhằm giảm bớt ảnh hưởng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cổ phiếu và cấu trúc cổ đông.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã kín room ngoại nên kỳ vọng sẽ được nới thêm, nhất là ở ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém khác... nhằm hút thêm vốn nâng cao tiềm lực. Điểm chung của những ngân hàng này là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống.

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn điều lệ.

Còn theo đề xuất mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém có thể được nới room ngoại lên tới 49%.

Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Còn VPBank đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc. Như vậy, nếu dự thảo Nghị định được thông qua, MB, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room ngoại lên tới 49%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài là cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB, nhận định: "Khi được tăng room lên sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, qua đó có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao hơn, giảm thiểu rủi ro hoạt động".

Tin mới lên