Diễn biến mới vụ Vạn Thịnh Phát: Chứng khoán phản ứng thế nào?

Thanh Long - 19/11/2023 22:59 (GMT+7)

(VNF) - Các con số gây sốc trong vụ Vạn Thịnh Phát được lan truyền rộng rãi vào 2 ngày cuối tuần qua, khiến giới đầu tư xôn xao và “nín thở” chờ phản ứng của thị trường chứng khoán.

VNF
TTCK từng phản ứng thế nào trước tin Vạn Thịnh Phát?

Vụ án Vạn Thịnh Phát đang có tiến triển mới với nhiều con số gây sốc được tiết lộ. Cụ thể, Cơ quan điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.000 tỷ đồng. Như vậy, bà Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 410.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền lực của mình để biến SCB thành công cụ tài chính phục vụ kinh doanh cá nhân. Thực chất, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB, mặc dù không trực tiếp tham gia vào quản lý ngân hàng.

Nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB, với tổng số tiền giải ngân là hơn 1.066.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 875 khách hàng trong nhóm của bà Lan với gần 1.300 khoản vay vẫn còn dư nợ tại SCB, ở mức hơn 677.000 tỷ đồng (bao gồm 483.000 tỷ đồng dư nợ gốc và 193.000 tỷ đồng tiền lãi).

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán độc lập xác định SCB âm vốn chủ sở hữu hơn 443.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 464.000 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2022.

Các con số gây sốc này được lan truyền rộng rãi vào 2 ngày cuối tuần, khiến giới đầu tư xôn xao và “nín thở” chờ phản ứng của thị trường chứng khoán. Xét về tâm lý nhà đầu tư, đa số nghiêng về kịch bản thị trường sẽ phản ứng tiêu cực. Trên thực tế, việc thị trường suy giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần trước (VN-Index giảm hơn 24 điểm) nhiều khả năng cũng có sự liên quan đến thông tin công bố kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, bởi toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE đều “rực lửa”.

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong ngày 7/10/2022 (ngày Thứ Sáu), chỉ số VN-Index đã giảm tới gần 39 điểm, từ 1.074 điểm xuống 1.035 điểm. Ở phiên trước đó (6/10), VN-Index cũng giảm mạnh gần 30 điểm.

Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, thị trường chứng khoán bước vào tuần giao dịch nhiều bất ngờ. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ gần 7 điểm trong phiên đầu tuần, sau đó giảm mạnh hơn 36 điểm ở phiên tiếp theo rồi hồi phục 3 phiên liên tiếp. Khép lại tuần giao dịch này, VN-Index không những không giảm mà còn tăng từ 1.035 điểm lên 1.061 điểm.

Đó là các phản ứng ngắn hạn. Xét dài hạn hơn, thị trường chứng khoán sau đó nhìn chung có xu hướng giao dịch tiêu cực bởi các nguyên nhân như lãi suất huy động tăng vọt (một phần bởi vụ Vạn Thịnh Phát – SCB), tỷ giá dâng cao, làn sóng bán giải chấp cổ phiếu cấp độ chủ doanh nghiệp…

Ở thời điểm hiện tại, yếu tố lãi suất – tỷ giá khá khác biệt so với cách đây 1 năm, khi chỉ số DXY dần hạ nhiệt và lãi suất huy động đang ở mức rất thấp.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đến một số yếu tố. Thứ nhất là khả năng thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh lại kỳ vọng. Từ nhiều năm nay, giới đầu tư – tài chính không lạ với thực trạng âm vốn chủ sở hữu của SCB nếu nhìn vào các khoản phải thu và lãi dự thu của ngân hàng này. Tuy nhiên, có lẽ rất ít người dám tưởng tượng rằng vốn chủ sở hữu của SCB âm tới 443.000 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2022 như kết luận kiểm toán. Điều đó có nghĩa là thực tế tiêu cực hơn rất nhiều kỳ vọng trước đây của đông đảo giới đầu tư – tài chính, do đó, thị trường có thể điều chỉnh lại kỳ vọng về sát thực tế hơn.

Thứ hai, ngành ngân hàng hiện nay đang bộc lộ rõ nét khó khăn khi lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng cao. Chính vì vậy, diễn biến cổ phiếu ngân hàng khá ảm đạm suốt từ đầu năm trong khi đây là trụ cột của thị trường. Trong bối cảnh như vậy, “cú bồi” SCB có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Thứ ba, mặc dù dư nợ margin (cả chính thống và phi chính thống) được cho là đã giảm đáng kể sau đợt sụt sâu của thị trường nhưng một số nguồn thống kê cho thấy, dư nợ không phải là thấp, mức độ đòn bẩy tài chính trên thị trường chứng khoán vẫn cao. Do đó, vẫn tiềm ẩn nguy cơ bán giải chấp cổ phiếu hàng loạt nếu xuất hiện những thông tin đặc biệt tiêu cực.

Dẫu vậy, nhà đầu tư khó có thể mua được cổ phiếu giá rẻ trong một môi trường tích cực. Luôn có dòng tiền thông minh trực chờ khi giá cổ phiếu giảm sâu, nhất là dòng tiền vào với tầm nhìn trung và dài hạn.  

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.