Tiêu điểm

Đoạn cuối Vinashin, phá sản công ty mẹ SBIC và 7 công ty con

(VNF) - Theo nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành, công ty mẹ và 7 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ phá sản từ quý I/2024.

Đoạn cuối Vinashin, phá sản công ty mẹ SBIC và 7 công ty con

SBIC gồm công ty mẹ và 7 công ty con, là: Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Trong nghị quyết mới đây, Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này.

Việc xử lý được thực hiện theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.

Theo đó, tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC để thu hồi tài sản, quyền tài sản của công ty mẹ SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu đặt ra trong quá trình phá sản SBIC đó là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách Nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.

Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng từng doanh nghiệp; xây dựng phương án xử lý cụ thể.

Với công ty mẹ SBIC và 7 công ty con, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện vào quý I/2024.

Với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng, cần thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II/2024.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu thì tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản, quyền tài sản trong quá trình thực hiện phá sản, chuyển nhượng vốn. Thời gian thực hiện từ quý II/2024.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản tại SBIC và 7 công ty con.

Rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình, tính toán đầy đủ, chính xác số liệu về tài sản, tài chính và các nghĩa vụ nợ của SBIC. Xây dựng phương án thanh toán các nghĩa vụ nợ của Chính phủ tại SBIC.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong dư luận.

SBIC tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, thành lập năm 2006).

Vinashin khi đó là một trong những “quả đấm thép” của nền kinh tế, từng mạnh nhất trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, công ty con trải khắp nước, ở nhiều lĩnh vực, với hơn 240 đơn vị thành viên, kinh doanh đa ngành. Các tên tuổi lớn trong đóng tàu thuộc Vinashin như đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Nam Triệu...

Tuy nhiên, do phát triển nóng với số vốn lớn trong tay, đầu tư ngoài ngành, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp, và khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Vinashin đã bộc lộ các yếu kém và sa lầy.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.

Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ năm 2010.

Tới năm 2013, tập đoàn này chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC.

SBIC được thành lập và hoạt động từ 1/1/2014 với vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngoài hoạt động nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, SBIC còn phải sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây.

Trong đó, doanh nghiệp này cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.

Song trong gần 10 năm qua, SBIC hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ và nợ phải trả cao. Đến cuối 2021, doanh nghiệp này lỗ gần 3.800 tỷ đồng, không gồm lỗ lũy kế.

Tin mới lên