Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

Trần Lê - 16/06/2022 11:05 (GMT+7)

(VNF) - Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469 đại biểu (bằng 94,18% tổng số đại biểu) tán thành sáng 16/6. Luật này có 157 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

VNF
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) (Ảnh minh họa)

Một trong những điểm mới, khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng.

Không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, theo quy định của luật thì "phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Quỹ này 12 năm qua tồn tại nhưng chưa được sử dụng lần nào.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu. Kết quả, 250/498 đại biểu (chiếm 50,20%) đồng ý không quy định Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; 167/498 đại biểu (chiếm 33,53%) đồng ý giữ quỹ.

Toàn bộ số dư quỹ, hiện khoảng 1.000 tỷ đồng, sẽ do Bộ Tài chính quản lý để dùng chi cho mục đích bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng số dư quỹ này.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ dừng trích nộp vào quỹ này từ 1/1/2023.

Cùng chuyên mục
Tin khác