Doanh nghiệp chăn nuôi điêu đứng vì Covid-19

Trần Lê - 01/08/2021 18:31 (GMT+7)

(VNF) - Đợt bùng phát Covid-19 lần này đang làm cho các doanh nghiệp tổn thất nghiêm trọng. Mất thị trường tiêu thụ chính ở TP. HCM, vận chuyển gặp khó khăn vì giãn cách ở nhiều tỉnh thành cả nước, bị đội chi phí vì phải xét nghiệm , phải tổ chức thực hiện 3 tại chỗ... đang làm doanh nghiệp điêu đứng.

VNF
Hiện nay giá gia cầm đang giảm rất nhiều (ảnh minh họa)

Mua gà 25.000 đồng/kg, bán 8.000 đồng, lỗ 1 tỷ đồng mỗi ngày

Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đã được các doanh nghiệp nêu tại diễn đàn trực tuyến Kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19, do Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tổ chức.

Hiện nay giá gia cầm đang giảm rất nhiều. Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà tại TP. HCM, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50%. Hợp đồng liên kết với trang trại là 25.000-26.000 đồng/kg nhưng giá gà bán ra hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg. Với 50.000 con gà, giá vốn là 50.000 đồng, chi phí giết mổ 10.000 đồng nữa là 60.000 đồng, nhưng San Hà phải đi bán với giá 40.000 đồng/con gà. Bán để chạy chuồng, không bị quá ngày. Mỗi ngày San Hà lỗ gần 1 tỷ đồng.

Theo tính toán của bà Ngọc Hà, San Hà lỗ 1 tỷ/ngày thì các doanh nghiệp khác tính sơ cũng phải lỗ 500 triệu. Doanh nghiệp lỗ 500 triệu mỗi ngày thì sức này sẽ chịu đựng đến bao giờ.

Trong khi đó, ở khía cạnh khác, nhân viên, tài xế công ty cứ 72 giờ lại phải đi test, mỗi lần test 100 người thì loại ra ít nhất 10 người dương tính với Covid- 19. Công ty đang phải chịu áp lực chi phí và thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ, chăn nuôi gà trắng trong chuỗi xuất khẩu, năm 2020 giá gà xuống 8.000 đồng trong mấy ngày rồi lên lại, nay xuống 6.000 đồng/kg. Nếu xuống 2.000 đồng/kg thì con gà không ra khỏi chuồng được, vì không thể lưu thông. Gà cứ nằm trong chuồng mãi thì lứa tới sẽ bị đứt gãy nguồn cung.

Tại Đồng Nai, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt trên 25,6 triệu con, chủ yếu là gà công nghiệp, nhưng đầu ra lại gặp khó khăn nên đây là một trong những mặt hàng có giá giảm sâu nhất hiện nay. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại dưới 10 ngàn đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Theo ông Lê Phương Hải, chủ một trại chăn nuôi gia cầm lớn tại huyện Long Thành, dù chấp nhận bán gà với giá thấp nhưng ông vẫn không tìm được thương lái thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt nên gà quá lứa bị tồn tại trại nuôi khá nhiều. Do chậm xuất bán, các trại nuôi xảy ra tình trạng đàn gà chen chúc vì quá tải, thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến gà chết với số lượng hàng trăm con/ngày.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Tây Ninh, với giá hiện nay 1 con gà có trọng lượng 3kg có giá khoảng 20.000 đồng, còn thua giá rau, bí đỏ.

Có nhiều cơ sở đã phải mang gà giống đi thiêu do không có trang trại nào mua. Nếu giá gà cứ giảm, người chăn nuôi, người bán giống đều thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến việc tái đàn. Sau khi hết dịch Covid, các khu đô thị, khu công nghiệp hoạt động trở lại thì sẽ không có sản lượng để cung ứng.

Theo bà Đinh Thị Phương Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Long An, sau khi các chợ truyền thống đóng cửa, các trang trại gia cầm giảm 89% sản lượng, trâu bò đều giảm 70% số lượng.

Áp lực chi phí tăng

Các doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải đối mặt tình trạng "phí chồng phí". Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ khi dịch Covid-19 xảy ra, hàng loạt chi phí đều tăng cao, mức tăng 1,5-2 lần so với trước.

Dịch lan rộng vào đúng thời điểm tăng tốc xuất khẩu và thủy sản bắt đầu vụ thu hoạch rộ khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh. Nhiều đơn hàng bị hủy và đối tác đòi bồi thường vì giao hàng trễ. Hiện tại,ở các tỉnh miền Tây, tôm nguyên liệu vào vụ, nhưng doanh nghiệp cũng không thu mua, vận chuyển được, dẫn tới tôm thừa tại ao nhưng nhà máy lại thiếu nguyên liệu để chế biến.

Theo VASEP, hiện tại ở các tỉnh ven biển như Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…các doanh nghiệp đều giảm 20-70% công suất do thiếu nguyên liệu. Dự báo, xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá ba sa… trong 6 tháng cuối năm khó giữ được tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.

Khi dịch bệnh lây lan mạnh hơn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, doanh nghiệp phát sinh thêm các chi phí cho công nhân ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp, xét nghiệm Covid-19… Vì thế, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn khó.

Theo Công ty Thủy sản Đông lạnh Gò Đàng (Tiền Giang), sau khi công ty có trường hợp công nhân dương tính, công ty rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Hơn một trăm công nhân đã phải đi cách ly tập trung khiến công ty không đủ nhân lực để đảm bảo hoạt động sản xuất. Đến nay, công ty phải giảm hơn 60 % công suất chế biến.

Nhiều khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ hệ thống trại chăn nuôi gà đạt chuẩn VietGAP tại Đồng Nai, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Điều bất cập là gà trong nước bị ùn ứ do khâu phân phối bị đứt gãy trong khi thịt ngoại vẫn được nhập khẩu rất nhiều, có lợi thế cạnh tranh hơn trong khâu phân phối.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, dù thực hiện "3 tại chỗ" nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ xảy ra lây nhiễm dịch do vẫn còn phương tiện vận tải ra vào nhà máy. Do không thể kinh doanh được, công ty đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nên đề nghị nhà nước giảm các loại thuế, dịch vụ ngân hàng, công đoàn…

Đối với chăn nuôi, thủy sản thì trọng lượng rất quan trọng, buộc phải thu hoạch đúng lứa. Đơn cử, thủy sản để quá lứa sẽ có nguy cơ chết, không thể tiêu thụ; theo quy định phải ngưng thời gian chích kháng sinh mới xuất chuồng gia cầm, nhưng chỉ cần ngưng kháng sinh rất dễ chết do hết sức đề kháng. Nhiều công ty đưa vào giết mổ để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng không có đầu ra, buộc phải đưa vào kho lạnh. Do đó, doanh nghiệp đang rất cần nhà nước hỗ trợ giảm chi phí tiền điện.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch tại cơ sở "3 tại chỗ", doanh nghiệp đề xuất trước tiên là tiêm ngừa vaccine cho người lao động và lấy mẫu test Covid nhanh để đảm bảo an toàn trong sản xuất. 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.