Thị trường

Doanh nghiệp 'quay' trong bão giá vật liệu

(VNF) - Chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng bị đứt gãy, giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến… đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng ở Hà Tĩnh “quay cuồng”.

Doanh nghiệp 'quay' trong bão giá vật liệu

Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua không chỉ gây bất ổn đối với hoạt động xây dựng mà còn kéo theo lo ngại về giá nhà tăng cao khiến giấc mơ nhà ở của người dân đang trở nên xa vời.

Nhà thầu “ngạt thở” trong cơn bão giá

Hơn 4 tháng qua, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Xây dựng nhà Lộc Phát (TP. Hà Tĩnh) phải chạy đôn, chạy đáo tìm gặp các đối tác để xin được thương thảo lại hợp đồng đã ký hồi đầu năm. Tại thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, mức giá ông Lộc “chốt” là 3,8 triệu đồng/m2, giá sắt thép khi đó chỉ khoảng 16.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá thép đã tăng lên gần 20.000 đồng/kg. Nếu tiếp tục thi công mà không thương thảo lại, chắc chắn công ty của ông Lộc sẽ bị lỗ nặng.

“Nếu giá vật tư chỉ tăng 3% - 5%, thì chúng tôi có thể chấp nhận tiếp tục thi công để giữ uy tín, chứ tăng chóng mặt như đà hiện nay thì vượt quá giới hạn chịu đựng. Nếu thương thảo không thành công, công ty đành phải hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường…”, ông Lộc thở dài.

Ông Ngô Đức Ngọc, một nhà phân phối vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh cho biết, “giá thép thời điểm này đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay, giá thép tăng …3 lần liên tục với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, giá xi măng cũng tăng 130.000 - 150.000 đồng/tấn. Nguyên nhân giá vật liệu tăng là do phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao”.

Giá các loại vật liệu xây dựng như cát, xi măng, sắt thép, bê tông tươi, gạch đá… đồng loạt tăng, đặc biệt là mức tăng của giá thép đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu. Tình trạng chung của các nhà thầu xây dựng hiện nay là phải gồng mình thi công, nếu mức giá nhiên liệu, vật liệu vẫn tiếp tục không “hạ nhiệt” thì càng làm càng lỗ.

Nhận thầu công trình nhà 3 tầng với 20 phòng học Trường THCS Bình An Thịnh (Lộc Hà) ở thời điểm giá thép chỉ 16,5 triệu đồng/tấn (đơn giá đấu thầu), Công ty Cổ phần Xây lắp dịch vụ và Thương mại Hoàng Tùng (Thạch Hà) cũng đang gặp khó khi giá các loại vật liệu xây dựng liên tục “nhảy vọt”.

Anh Nguyễn Danh Thái – cán bộ kỹ thuật công ty, cho biết: “Đến nay, riêng giá thép đã chênh lệch khoảng 4 triệu đồng/tấn so với đơn giá đấu thầu nên chỉ tính riêng tiền thép, công ty đã thiệt hơn 150 triệu đồng. Vừa qua, chúng tôi đổ sàn tầng 2, giá bê tông tươi cũng đã tăng thêm 35.000 đồng/khối so với trước đó. Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng, kéo theo giá thành xây dựng bị đội lên rất nhiều”.

Theo đại diện các doanh nghiệp xây dựng, trên thực tế, tại phần lớn các dự án, các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu đều thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường hiện nay. Bởi vậy, thời điểm này càng nhiều công trình đang thi công, nhà thầu càng thêm áp lực.

Anh Thân Văn Thảo – cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh, thông tin: “Các công trình chúng tôi đang triển khai đều đấu thầu năm 2021 nên công ty phải chấp nhận chịu đội giá do chênh lệch giá thị trường và giá hồ sơ đấu thầu. Dù biết giá tăng nhưng phải chấp nhận, vật liệu phải dùng đến đâu mua đến đó do không có kho dự trữ, hơn nữa, sắt thép dự trữ sẽ bị hư hỏng bởi tác động thời tiết. Với 5 công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn tỉnh, công ty phải chịu thiệt hại hơn 1 tỷ đồng do giá vật liệu nhảy múa”.

Ông Phạm Hồng Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Hiện công ty đang tiến hành xây dựng một số hạng mục công trình tại huyện Kỳ Anh và Lộc Hà, việc giá xi măng, sắt thép tăng ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Với những công trình nhận thầu ở giai đoạn trước tháng 1/2022, công ty phải chịu thiệt để bù lỗ. Nếu thời gian tới, giá vật liệu không có chiều hướng giảm thì rất nan giải”.

Không chỉ với nhà thầu xây dựng, các cơ sở phân phối cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá vật liệu xây dựng tăng phi mã. “Mặc dù đang là cao điểm mùa xây dựng, tuy nhiên do giá vật liệu quá cao, nhiều người dân và nhà thầu tạm dừng thi công công trình nên số lượng bán ra giảm 5% - 10% so với cùng kỳ năm 2021” – ông Ngô Đức Ngọc , Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Thuỷ, cho hay.

Theo ông Ngô Đức Quy – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), giá vật liệu xây dựng tăng tác động đến cả công trình đang thi công lẫn công trình đang lập dự toán. Với công trình hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, giá vật liệu tăng sẽ bị đội vốn vì nhà nước phải bù giá cho nhà thầu. Còn với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải chịu thiệt hại, khó khăn khi giá vật liệu có biến động, do đó, nhiều công trình dễ rơi vào tình trạng chững tiến độ…

Doanh nghiệp bất động sản cũng lo…

Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua không chỉ gây bất ổn đối với hoạt động xây dựng mà còn kéo theo lo ngại về giá nhà tăng cao khiến giấc mơ nhà ở của người dân đang trở nên xa vời. Ông Tô Huy Phương – Giám đốc một công ty địa ốc ở TP. Hà Tĩnh, cho hay: “Giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, trong đó chi phí sắt thép chiếm 15% - 20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền”.

Phân tích kỹ hơn về tình trạng giá vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến việc đáp ứng nhà ở cho người dân càng trở nên khó khăn, ông Nguyễn Tiến Sỹ - một chuyên gia bất động sản, cho hay: “Giá vật liệu tăng như hiện nay thì việc tạo ra nguồn cung hợp túi tiền người mua hiện không dễ khi các yếu tố cấu thành giá sản phẩm đều tăng”.

Ông Sỹ đưa ra ví dụ, hiện nay để xây dựng nhà để bán, các doanh nghiệp phải mua đất cao hơn rất nhiều so với trước. Điều này cộng với chi phí xây dựng, không chỉ là giá nguyên vật liệu tăng phi mã mà còn là nhân công tăng, vận chuyển tăng, tiêu chuẩn của nhà ở cũng được nâng cấp, khiến giá xây dựng bị đội lên. Vì vậy, doanh nghiệp muốn bán nhà giá thấp thì chỉ khi họ mua đất từ rất lâu, hoặc mua được vật liệu giá rẻ trước đó...

Chủ một doanh nghiệp địa ốc khác cũng chia sẻ: “Thị trường bất động sản hiện có nhiều biến động khó lường. Đã thế, khi giá vật liệu tăng mạnh, những nhà thầu đã ký hợp đồng với chủ đầu tư trước đó sẽ tìm cách kéo dài tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường, đồng thời chờ giá xuống để đỡ lỗ, khiến dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt vì chậm giao nhà. Giá vật liệu xây dựng tăng, về nguyên tắc thì chủ đầu tư phải tăng giá bán nhà. Song hiện nay thị trường trầm lắng, lượng khách hàng ít nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng. Điều này khiến các chủ đầu tư rơi vào cảnh làm cũng chết mà không làm cũng chết”, vị này nói.

Tin mới lên