Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chạy khắp nơi để tìm vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng đi đến đâu cũng gặp 'khe cửa rất hẹp'.
Chiều 26/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022.
Tại đây, nhiều vấn đề bất cập đã được nêu lên, trong đó nóng nhất vẫn là câu chuyện khó tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Gian nan tiếp cận vốn
Phản ánh về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm nguồn vốn, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép doanh nghiệp thụ hưởng nhiều quyền lợi.
Đơn cử như doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế và kế toán, tiếp cận đất đai, tiếp cận công nghệ, ươm tạo, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực… Thực tế doanh nghiệp có tiếp cận được những quyền lợi này nhưng ở mức độ thấp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện vẫn chưa có chính sách thuế riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ của TP. HCM, quỹ này đã ngưng hoạt động do quy định phải có tài sản bảo đảm để bảo lãnh khoản vay, trong khi đó các ngân hàng thương mại không tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động rất khó khăn và thiếu cơ chế an toàn vốn nên không có nhiều khả năng cấp bảo lãnh tín dụng.
“DN muốn vay vốn từ Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng cũng phải đáp ứng điều kiện có tài sản thế chấp là không phù hợp, cần gỡ bỏ. Hiệp hội cũng chưa nhận được thông tin trường hợp nào đã tiếp cận được quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ KH&ĐT”, ông Tuệ cho biết thêm.
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP. HCM, thông tin thêm: Việc thực hiện Nghị định 34/2018 về Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chưa triển khai việc cấp tín dụng đối với các khoản vay có bảo lãnh của quỹ tín dụng.
Đánh giá về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, cho hay: Hiện vẫn chưa có chính sách thuế riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ, chưa có quy định cụ thể mức thuế suất thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc chưa có quy định về đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế theo quy định pháp luật quản lý thuế đối với đối tượng này.
“Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, tuy nhiên kết quả trong thực tế chưa cao”, ông Dũng thông tin thêm.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải được xem xét kịp thời, khẩn trương.
Nhiều bộ chịu trách nhiệm nhưng… vẫn chưa có hướng dẫn
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, nêu rõ: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi phân phối sản phẩm.
Bộ KH&CN được giao hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ TN&MT được giao hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất hỗ trợ đối tượng này…
“Tuy nhiên, hiện nay các bộ nêu trên chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện triển khai những công việc trên. Điều này dẫn đến Sở Công Thương lúng túng khi xây dựng kế hoạch cũng như dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải trong quá trình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại diện Sở Công Thương phản ánh.
Ngoài ra, ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn nhiều phức tạp, qua nhiều bước. Ví dụ, doanh nghiệp phải lập hồ sơ đề xuất, cơ quan thực hiện hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, ra thông báo xét duyệt, ký kết hợp đồng ba bên… Trong khi đó, quy mô, năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ còn hạn chế, sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức liên kết, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Sở Công Thương TP kiến nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên cơ sở thống nhất nội dung giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó có cơ sở triển khai hoạt động hỗ trợ. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề xuất đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệpvừa và nhỏ tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cần phải kịp thời
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng doanh nghiệpvừa và nhỏ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế. Do đó, các chính sách hỗ trợ đối tượng này cần phải được xem xét kịp thời, khẩn trương, nhanh chóng. Các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các đại biểu đã nêu cần được tập hợp thành bản kiến nghị để xem xét có cần thiết phải sửa đổi luật hay không.
“Hiện nay, Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng ngân sách nhà nước đang do Bộ KH&ĐT nắm giữ. Vậy thì chúng ta cần phải xem doanh nghiệp hiện nay có biết đến quỹ này không, cách thức tiếp cận có dễ dàng không? Liệu chúng ta có nên kiến nghị phân bổ nguồn ngân sách từ quỹ này về các tỉnh, thành để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn không?” , ông Nghĩa đặt vấn đề.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone