Doanh nghiệp xây dựng 2023: Một năm của những kỷ lục buồn

Ái Châu Tử - 28/02/2024 01:00 (GMT+7)

(VNF) – 2023 ghi dấu những lần “xuống đáy” về doanh thu và lợi nhuận của hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, kể cả những “ông lớn” đầu ngành.

VNF
Doanh nghiệp xây dựng 2023 – Một năm của những kỷ lục buồn

Nhất từ dưới lên

Khác với năm 2022, khởi đầu với những dấu hiệu lạc quan, các doanh nghiệp xây dựng đã tiến vào năm 2023 với tất cả những gì có thể gọi là khó khăn nhất, do thị trường bất động sản gần như tê liệt và cơn khát tiền đang diễn ra trầm trọng. Bởi vậy không có gì bất ngờ khi khép lại năm 2023, các doanh nghiệp xây dựng ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực. Chỉ có điều, kém tích cực tới mức hóa thành những kỷ lục buồn thì cũng là chuyện “xưa nay ít có”.

Thống kê của Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đối với 19 doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam (đang niêm yết và tự công bố thông tin) cho thấy, về doanh thu, có tới 15 doanh nghiệp (tương đương 79%) báo doanh thu suy giảm so với năm trước, gồm: Tracodi (HoSE: TCD), Tổng công ty Xây dựng Số 1 (HoSE: CC1), Hòa Bình (HoSE: HBC), Fecon (HoSE: FCN), Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN), Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC), Công ty Cổ phần SCI (HNX: S99), Sông Đà 11 (HNX: SJE), Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL), Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG), Cotana (HNX: CSC), Công ty Cổ phần SCI E&C (HNX: SCI), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN), Đua Fat (UPCoM: DFF) và Ricons.

Suy giảm mạnh nhất trong số này là: CSC (giảm 68%), DFF (giảm 53%), SCG (giảm 54%), HTN (giảm 51%), HBC (giảm 46%).

Điều đáng kể hơn cả là có tới 6 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ở mức thấp “kỷ lục”, gồm: CSC có doanh thu thấp nhất 3 năm (546 tỷ đồng), TCD có doanh thu thấp nhất 4 năm (1.784 tỷ đồng), CC1 có doanh thu thấp nhất 7 năm (5.620 tỷ đồng), SCG có doanh thu thấp nhất 7 năm (793 tỷ đồng), DFF có doanh thu thấp nhất 8 năm (743 tỷ đồng) và HBC có doanh thu thấp nhất 8 năm (7.546 tỷ đồng).

Về lợi nhuận, có 10/19 doanh nghiệp được thống kê (tương đương 52%) báo lợi nhuận sau thuế suy giảm so với năm trước, gồm Vinaconex (HoSE: VCG), Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG), HTN, PHC, SCG, CSC, HAN, TCD, SCI và Ricons.

Trong số này, CSC là doanh nghiệp chịu sự suy giảm mạnh nhất (giảm 67%), theo sau là bộ ba VCG, SCG và SJG (cùng giảm 64%).

Và tương tự như phương diện doanh thu, phương diện lợi nhuận cũng có tới 4 doanh nghiệp đạt “kỷ lục buồn”, đó là: TCD (lợi nhuận thấp nhất 3 năm), SCG (lợi nhuận thấp nhất 4 năm), PHC (lợi nhuận thấp nhất 9 năm), VCG (lợi nhuận thấp nhất 11 năm).

Với nhóm doanh nghiệp thua lỗ, những con số còn trở nên “ám ảnh” hơn. Theo đó, FCN đã có năm đầu tiên thua lỗ trong lịch sử với mức lỗ khá đậm (43 tỷ đồng). Đồng cảnh ngộ, DFF cũng ghi nhận năm lỗ đầu tiên với mức lỗ sau thuế 117 tỷ đồng. Còn với HBC, doanh nghiệp này có lẽ đã đi đến cùng của bi kịch khi báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp với mức lỗ 782 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên tới 2.878 tỷ đồng – lớn nhất ngành xây dựng Việt Nam.

“Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Tất nhiên, trong bức tranh chung của ngành xây dựng vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và/hoặc lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước, song số lượng những đơn vị này là khá ít, chỉ như bông hoa lê điểm xuyết trên cành lúc tháng Ba.

Theo đó, về doanh thu, chỉ có 4/19 doanh nghiệp được thống kê nêu trên có doanh thu tăng trưởng, gồm VCG, SC5, SJG và Licogi 18 (HNX: L18). Trong số này, VCG tăng mạnh nhất, tăng 50%; theo sau là L18 với mức tăng 39%.

Về lợi nhuận, có 6/19 doanh nghiệp được thống kê tăng trưởng so với năm trước, gồm: L18, S99, SJE, TTL, CC1 và SC5. Trong đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về TTL (gấp 2,3 lần), kế đến là S99 (64%), SC5 (63%).

Với số lượng ít ỏi như vậy, không có gì ngạc nhiên khi năm 2023, chỉ có 2 doanh nghiệp hoàn thành được kế hoạch năm, gồm: Ricons (vượt 26% doanh thu, vượt 58% lợi nhuận) và SC5 (vượt 41% doanh thu, vượt 105% lợi nhuận).

Trong khi đó, có 9 doanh nghiệp chỉ hoàn thành được một nửa kế hoạch, gồm: HTN (64% doanh thu, vượt 18% lợi nhuận), S99 (72% doanh thu, vượt 36% lợi nhuận), SJE (87% doanh thu, vượt 35% lợi nhuận) TTL (90% doanh thu, vượt 268% lợi nhuận) L18 (vượt 6,6% doanh thu, 84% lợi nhuận) SJG (92% doanh thu, vượt 13% lợi nhuận) HAN (vượt 55% doanh thu, 75% lợi nhuận) CC1 (52% doanh thu, vượt 42% lợi nhuận) và CSC (62% doanh thu, 29% lợi nhuận)

Và có 7 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, gồm: HBC (60% doanh thu), PHC (90% doanh thu, 16% lợi nhuận), FCN (76% doanh thu), VCG (78% doanh thu, 39% lợi nhuận) SCG (39% doanh thu, 70% lợi nhuận), TCD (54% doanh thu, 61% lợi nhuận) và DFF.

Như vậy, về tổng thể, có tới 84% doanh nghiệp xây dựng “vỡ kế hoạch” kinh doanh năm 2023.

Những doanh nghiệp xây dựng có doanh thu lớn nhất năm 2023: SJG (12.705 tỷ đồng), Ricons (7.575 tỷ đồng), HBC (7.546 tỷ đồng), SJG (5.725 tỷ đồng), CC1 (5.620 tỷ đồng), L18 (3.083 tỷ đồng), HAN (2.968 tỷ đồng), FCN (2.879 tỷ đồng), HTN (2.681 tỷ đồng), SC5 (2.607 tỷ đồng), TCD (1.784 tỷ đồng), S99 (1.730 tỷ đồng), SCI (1.480 tỷ đồng), TTL (1.459 tỷ đồng), PHC (1.807 tỷ đồng)…

Những doanh nghiệp xây dựng có lợi nhuận lớn nhất năm 2023: SJG (651 tỷ đồng), VCG (336 tỷ đồng), CC1 (246 tỷ đồng), TCD (163 tỷ đồng) S99 (105 tỷ đồng), SJE (88 tỷ đồng), CSC (86 tỷ đồng), Ricons (83 tỷ đồng), HTN (59 tỷ đồng), L18 (58 tỷ đồng), HAN (47 tỷ đồng), SC5 (37 tỷ đồng)…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.